Kiến tạo môi trường đầu tư bền vững

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) ] 26/05/2023 01:00

Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế khiến xuất khẩu giảm, thiếu vốn… 

Khó khăn này đã và đang làm gia tăng thêm áp lực với doanh nghiệp để duy trì hoạt động. 

>>Thí điểm thu phí cao tốc nhà nước đầu tư: Các chủ thể đều bình đẳng

 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 49,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 465 nghìn tỷ đồngbr class=

4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 49,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 465 nghìn tỷ đồng Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tại Kỳ họp thứ 5, phiên thảo luận ở tổ của đại biểu Quốc đang diễn ra, những vấn đề “nóng” của nền kinh tế cũng như “sức khoẻ” của doanh nghiệp chắc chắn sẽ được chạm tới.

Doanh nghiệp cần được tiếp sức

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động bốn tháng đầu năm 2023 giảm 2% so với cùng kỳ 2022 trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (khoảng 77.000 doanh nghiệp). Chính phủ nhận định tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, có việc một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Để vực dậy nền kinh tế, tiếp sức cho doanh nghiệp, ngoài các giải pháp liên quan đến chính sách tài khoá và tiền tệ, trong các báo cáo, Chính phủ và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đều nhấn mạnh: cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, rà soát, làm rõ những bất cập, chồng chéo của các luật liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, kịp thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Việc rà soát chất lượng thể chế, chính sách nói chung, pháp luật nói riêng có vai trò rất quan trọng trong những nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Theo các nhà nghiên cứu kinh tế và chính sách trên thế giới và Việt Nam, dù có nhiều lý do khác nhau dẫn đến suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế nhưng nguyên nhân chính của mọi sự yếu kém, trì trệ về kinh tế chính là những yếu kém của thể chế và pháp luật. Duy trì cải cách nhằm đảm bảo chất lượng thể chế và hệ thống pháp luật tốt, hơn bất cứ yếu tố nào khác, tác động tích cực nhất đến tăng trưởng và thịnh vượng của nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ và các bộ ngành đã cố gắng khắc phục những bất cập về môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những yếu kém về môi trường thể chế, pháp luật như đã được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề cập vẫn là một rào cản rất lớn cho hoạt động bình thường của doanh nghiệp và người dân, từ đó tạo những phí tổn hữu hình và vô hình, làm giảm hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách. Thậm chí là yếu tố khiến các cơ quan, cán bộ công chức nhà nước sợ và né tránh trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội nói chung, kinh tế nói riêng, bào mòn mọi nỗ lực phục hồi tăng trưởng của nhà nước cũng như doanh nghiệp.

>>Tháo gỡ rào cản để năng lượng tái tạo hút vốn đầu tư

Gỡ vướng thực chất cho doanh nghiệp

Vậy “căn nguyên tối hậu” của những bất cập, yếu kém trong hệ thống thể chế, pháp luật là gì? Vì sao cải cách thể chế, chính sách lại phải đối mặt với các “trần” và “rào cản” lớn đến như vậy? Theo quan điểm của tôi, một phần chúng ta vẫn quá nặng nề vai trò điều tiết và quản lý chi tiết, cụ thể. Từ đó dẫn đến hệ luỵ là thể chế và pháp luật càng nặng nề, cồng kềnh, chồng chéo, mâu thuẫn, vừa gây sự bó buộc cho chủ thể thực thi lẫn áp dụng, thiếu đi khả năng vận dụng sáng tạo, tuỳ nghi trong hoàn cảnh cụ thể khác nhau, vừa tạo chi phí tuân thủ và triển khai pháp luật rất lớn.

Chính chi phí tuân thủ pháp luật cao đôi khi lại là lý do chính khiến một số chính sách phục hồi tăng trưởng không thể đi vào cuộc sống như chính sách hỗ trợ vay ưu đãi trong gói phục hồi tăng trưởng năm 2022- 2023.

Để khắc phục tình trạng này, cần có những suy nghĩ và giải pháp mang tính đột phá. Một trong số đó là tư duy có tăng thì cũng phải có giảm, có bổ sung thì cũng phải rà soát cắt giảm, thậm chí mạnh dạn cắt bỏ quy định pháp luật không còn phù hợp với mục tiêu quản lý đã thay đổi. Cần quay lại nguyên tắc Nhà nước chỉ nên điều tiết quản lý và ban hành văn bản pháp luật ở những việc thực sự cần can thiệp và quản lý của Nhà nước, tránh ôm đồm làm thay thị trường. Đặc biệt tránh việc lợi dụng vai trò can thiệp của Nhà nước để trục lợi thể chế và chính sách bởi chính các nhóm lợi ích.

Ngoài ra, chúng ta cần tháo bỏ tình trạng không rõ ràng, rành mạch hiện nay về quyền lực và trách nhiệm cũng như lợi ích của các chủ thể trong quá trình thực thi thể chế, chính sách. Giải pháp là đẩy mạnh trao quyền đi kèm phân định rõ lại trách nhiệm gắn với trách nhiệm và lợi ích của từng cơ quan công quyền cũng như vị trí công chức.

Chỉ khi quyền lực đi kèm trách nhiệm và lợi ích rõ ràng, công khai, minh bạch, từng cơ quan, chủ thể thực thi sẽ biết rõ dư địa thẩm quyền và các cho phép hành động tùy nghi cụ thể trong giới hạn quyền lực mà pháp luật quy định.

Đặc biệt, việc áp dụng thể chế, chính sách, pháp luật cần đảm bảo nguyên tắc tính thống nhất của thể chế, pháp luật. Tinh thần phổ quát của Hiến pháp và các bộ luật, đạo luật gốc do Quốc hội ban hành phải có vị trí tối thượng, thay vì áp dụng luật quá cứng nhắc, bó cứng vào từng câu chữ của văn bản mà nhiều khi đã hoặc lạc hậu/lỗi thời không còn phù hợp bối cảnh thay đổi, hoặc bị các nhóm lợi ích trục lợi chính sách làm cho méo mó, nặng nề quy trình thủ tục, giấy phép con.

Có thể bạn quan tâm

  • Hai ông lớn "bắt tay" đầu tư hạ tầng vận tải và logistics ở Việt Nam

    01:00, 24/05/2023

  • Thí điểm thu phí cao tốc nhà nước đầu tư: Các chủ thể đều bình đẳng

    01:00, 24/05/2023

  • Tháo gỡ rào cản để năng lượng tái tạo hút vốn đầu tư

    23:59, 23/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiến tạo môi trường đầu tư bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO