Phát triển thị trường carbon: Cần có cách tiếp cận đúng

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 20/03/2024 04:00

Mặc dù có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường carbon theo hướng năng động, chất lượng và hiệu quả, thế nhưng, theo chuyên gia, để phát triển thị trường này cần có cách tiếp cận đúng...

>> VBF 2024: Dự kiến 2025 sẽ xây dựng vận hành thị trường carbon

Trong mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050, Việt Nam đang thực hiện xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Theo lộ trình, thị trường trong nước sẽ thí điểm thị trường tín chỉ từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Những cam kết này cho thấy Việt Nam đang nỗ lực thực hiện việc phát triển ít phát thải trong tiến trình xanh hóa, giảm phát thải của thế giới.

Trong mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050, Việt Nam đang thực hiện xây dựng thị trường tín chỉ carbon - Ảnh minh họa

Trong mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050, Việt Nam đang thực hiện xây dựng thị trường tín chỉ carbon - Ảnh minh họa

Thực tế, thị trường carbon Việt Nam đã được quy định trong các văn bản pháp lý, như: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra khung pháp lý cơ bản cho việc hình thành thị trường carbon và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn (năm 2022), Quy định chi tiết Điều 91 “Giảm phát thải khí nhà kính, và Điều 139 “Hình thành và phát triển thị trường carbon” của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Ngoài ra, Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (năm 2022), danh sách đối tượng tham gia vào thị trường carbon theo khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Quyết định này sẽ được cập nhật 2 năm một lần. Hiện nay, danh sách có 1.912 doanh nghiệp có nghĩa vụ phải báo cáo về kiểm kê khí nhà kính, nhưng sang năm 2024 lên gần 3.000 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam được cho sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp. Thông qua đó sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

>> Phát triển thị trường carbon cho ngành gỗ

Theo các chuyên gia, cùng với cơ chế, chính sách để phát triển thị trường carbon cần có cách tiếp cận đúng - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, cùng với cơ chế, chính sách để phát triển thị trường carbon cần có cách tiếp cận đúng - Ảnh minh họa

Đặc biệt, năm 2023 vừa qua, đánh dấu mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD (gần 1.250 tỷ đồng). Đây là kết quả của việc thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) ký vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB).

Những tín hiệu trên cho thấy, thế giới rất quan tâm đến tiềm năng thị trường carbon của Việt Nam. Tương lai, Việt Nam có thể sử dụng được nguồn tài chính bền vững để tiếp tục hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân và những người làm công tác bảo vệ, bảo tồn.

Mặc dù có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường carbon theo hướng năng động, chất lượng và hiệu quả, thế nhưng, theo chuyên gia, để phát triển thị trường này, cùng với các chính sách cần có cách tiếp cận đúng. Tránh tư duy, với diện tích rừng và diện tích nông nghiệp lớn, tiềm năng hấp thụ carbon cao, nông dân Việt Nam chỉ cần ngủ dậy là có tiền nhờ bán tín chỉ carbon hấp thụ.

Theo TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định chung của tài chính thế giới khẳng định, phải cải thiện được tình hình hấp thụ carbon trên thế giới thì mới lấy được tín chỉ carbon. Đây là một quy trình chặt chẽ mà nếu không làm từ đầu thì sẽ không có một tín chỉ carbon nào để bán.

Với 42% diện tích che phủ rừng đang hấp thụ khoảng 30% lượng CO2e sẽ không tự động tạo ra tín chỉ cho Việt Nam mà thế giới sẽ lấy con số đó làm mốc tính. Chẳng hạn, hiện nay rừng đó đang hấp thụ 1.000 tấn CO2e. Nếu Việt Nam cải thiện, nâng lên được 1.050 tấn, Việt Nam sẽ được 50 tín chỉ carbon.

Do vậy, nếu thực hiện quy trình đăng ký dự án ngay từ đầu, từ năm 1995, khi diện tích che phủ rừng chỉ khoảng 28% thì sau khi kết thúc dự án, với diện tích cải thiện lên được khoảng 42% như hiện nay và được các tổ chức chứng nhận xác thực thì số tín chỉ đó Việt Nam mới có thể bán được. Tuy nhiên, do không làm từ đầu, nên bây giờ chỉ có thể thu tín chỉ carbon bằng cách cải thiện khả năng hấp thụ so với mức hiện tại.

“Rừng Việt Nam thực sự rất có giá trị, nhưng không phải cứ tỉnh dậy là có nghìn tỷ. Kiếm tiền từ việc bán tín chỉ carbon rừng không phải dễ. Tỷ trọng tín chỉ carbon từ trồng rừng mới và khôi phục rừng chỉ chiếm 4% tín chỉ carbon rừng toàn cầu. Bảo vệ, bảo tồn chiếm 8%. Còn 88% còn lại là từ hoạt động cải thiện và nâng cao chất lượng rừng”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Đồng thời cho rằng, thực hiện quy trình bảo vệ rừng phải bao gồm cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, của kiểm lâm, của những người bảo vệ, bảo tồn rừng; trong đó bao gồm cả các yêu cầu về kinh tế, môi trường, văn hóa xã hội, đáp ứng yêu cầu bền vững và đồng lợi ích - cùng nhau hưởng thụ lợi ích từ việc hấp thụ và lưu trữ carbon bền vững thì mới có thể nâng cao được chất lượng tín chỉ carbon rừng của chúng ta.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước cũng khẳng định, nếu chỉ nghĩ đơn giản rừng ngập mặn Cần Giờ, dừa ở Bến Tre có thể mang lại hàng chục triệu USD từ tín chỉ carbon là không chính xác. Trên thực tế, mình đầu tư, làm giảm hoặc hấp thụ được thêm bao nhiêu tấn CO2e thì mức chênh lệch đó mới tạo ra tín chỉ carbon. Đó là công việc cực kỳ phức tạp.

Có thể bạn quan tâm

  • VBF 2024: Dự kiến 2025 sẽ xây dựng vận hành thị trường carbon

    VBF 2024: Dự kiến 2025 sẽ xây dựng vận hành thị trường carbon

    16:58, 19/03/2024

  • Phát triển thị trường carbon cho ngành gỗ

    Phát triển thị trường carbon cho ngành gỗ

    03:00, 11/01/2024

  • Gỡ vướng về cơ chế, chính sách để phát triển thị trường carbon

    Gỡ vướng về cơ chế, chính sách để phát triển thị trường carbon

    05:00, 05/07/2023

  • Cần hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường carbon

    Cần hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường carbon

    04:50, 14/03/2023

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN