Intel nhận trợ cấp khủng, TSMC vẫn "dài cổ" chờ
Intel vừa đón nhận tin vui khi có được khoản trợ cấp khổng lồ lên tới gần 20 tỷ USD từ chính quyền Mỹ để tăng sản lượng chip bán dẫn trong nước, nhưng đó lại là tín hiệu buồn đối với TSMC.
Chính quyền Mỹ vừa cho biết họ sẽ trao cho tập đoàn sản xuất chip Intel 19,5 tỷ USD tiền tài trợ, giúp công ty này tăng sản lượng chip bán dẫn trong nước. Khoản tiền này đánh dấu khoản chi lớn nhất của chính phủ Mỹ để trợ cấp cho việc sản xuất chip tiên tiến.
>>Nvidia khó thống trị ngành bán dẫn trong dài hạn?
Tổng thống Joe Biden sẽ công bố thỏa thuận sơ bộ về khoản tài trợ 8,5 tỷ USD và khoản vay lên tới 11 tỷ USD cho Intel ở Arizona, nơi một phần kinh phí sẽ được sử dụng để xây dựng hai nhà máy mới và hiện đại hóa một nhà máy hiện có.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo gọi đây là một thương vụ lớn và là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào ngành sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ. Đồng thời, bà lưu ý rằng chính quyền hy vọng sẽ tăng thị phần sản xuất chip hàng đầu của Hoa Kỳ từ 0% lên 20% vào năm 2030 thông qua chương trình trợ cấp.
Khoản chi lịch sử cho thấy chính quyền Biden đang đặt cược lớn vào Intel như một phần của Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022, một nỗ lực nhằm thúc đẩy sản lượng bán dẫn trong nước với nguồn tài trợ 52,7 tỷ USD, bao gồm 39 tỷ USD trợ cấp cho sản xuất chất bán dẫn và 11 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, mục tiêu của Đạo luật CHIPS là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Đài Loan, khi tỷ trọng năng lực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu ở Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% vào năm 2020.
Tháng trước, chính quyền Biden đã trao 1,5 tỷ USD cho GlobalFoundries, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ ba thế giới, để xây dựng một cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở Malta, New York và mở rộng các hoạt động hiện có ở đó và ở Burlington, Vermont. Vào tháng 1/2024, Bộ Thương mại Mỹ thông báo Microchip Technology sẽ nhận được 162 triệu USD tài trợ của chính phủ, cho phép công ty tăng gấp ba lần sản lượng chip bán dẫn trưởng thành và bộ vi điều khiển tại hai nhà máy ở Mỹ.
>>Hàn Quốc và bài học phát triển ngành bán dẫn
Động lực lớn cho Intel
Đây là một tin đáng mừng đối với Intel, trong bối cảnh dự báo doanh thu quý đầu tiên có thể thấp hơn dự báo hơn 2 tỷ USD. Tập đoàn hàng đầu về chip của Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trước nhu cầu không chắc chắn đối với chip máy chủ và máy tính cá nhân truyền thống, trong khi lại hụt hơi trước các đối thủ trong ngành chip AI đang nóng hiện nay.
Ngoài các dự án ở Arizona của Intel, số tiền này sẽ tài trợ cho dự án xây dựng nhà máy hàng đầu đang bị trì hoãn ở Ohio – gồm một cơ sở đóng gói tiên tiến gần như hoàn chỉnh ở New Mexico và một cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Oregon.
Ngoài số tiền dự kiến được công bố mới đây, báo chí Mỹ cho biết Intel dự kiến sẽ nhận được tới 3,5 tỷ USD từ Bộ Thương mại Mỹ để tăng cường an ninh tại các cơ sở ở Arizona nhằm sản xuất chip nhạy cảm cho quân đội.
Nỗi buồn của TSMC
Trái ngược với các công ty Mỹ, những khoản tài trợ được hứa dành cho Samsung của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan vẫn chưa được thông qua. Là một trong những công ty nhiệt tình hưởng ứng nhất đạo luật CHIPS của Tổng thống Joe Biden, cho đến nay TSMC vẫn tranh cãi về các chi tiết để được hưởng trợ cấp, từ lao động cho tới chia sẻ lợi nhuận hay bí quyết công nghệ.
Trước đó, để thu hút các ông lớn này đặt các nhà máy tiên tiến nhất tại nước Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ hứa sẽ dành những khoản ưu đãi hấp dẫn cho các công ty này, có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn có một số điều kiện và quy định kèm theo rất khó khăn để nhận được số tiền này.
Ví dụ, Bộ Thương mại Mỹ đã chỉ ra rằng khoản giải ngân trợ cấp dự kiến sẽ dao động từ 5 đến 15% các khoản chi phí của các nhà sản xuất chip. Điều này có nghĩa là các công ty như TSMC, cùng với Intel và Samsung, có thể nhận được các khoản trợ cấp đáng kể, có thể lên tới hàng tỷ USD, tùy thuộc vào chi tiêu vốn của họ ở Mỹ.
Hiện TSMC vẫn đang đàm phán các điều khoản nhằm tìm kiếm khoản trợ cấp lên tới 15 tỷ USD, bao gồm khoản tín dụng thuế 7-8 tỷ USD và khoản tài trợ 6-7 tỷ USD cho các dự án của mình ở Arizona. Trong khi các đối thủ như Intel đã nhận được trợ cấp, TSMC vẫn lo ngại về việc chia sẻ lợi nhuận.
Có thể bạn quan tâm
Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong ngành bán dẫn?
04:20, 08/03/2024
Việt Nam cần làm gì để theo kịp chiến lược bán dẫn của Ấn Độ?
04:00, 19/03/2024
Cần tăng tốc “cuộc đua” bán dẫn
02:00, 04/03/2024
3 lợi thế giúp Nvidia thống lĩnh thị trường bán dẫn
03:30, 29/02/2024
Cách Trung Quốc vượt khó để tự chủ công nghệ bán dẫn
03:30, 23/02/2024