Trong khi cả thế giới nói về xu hướng đầu tư mới "friendshoring" thì Ấn Độ đã cụ thể hóa chính sách phát triển ngành bán dẫn của họ là "trustshoring".
>>Nhờ đâu kinh tế Ấn Độ bùng nổ?
Chính phủ Ấn Độ vừa phát đi thông điệp mang tính mục tiêu, trở thành một trong năm nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới trong vòng 5 năm tới. Vậy quốc gia Nam Á đã và đang làm gì với ngành công nghiệp này?
Theo một đánh giá vào tháng 12/2023, Đài Loan nắm khoảng 46% công suất ngành bán dẫn toàn cầu, kế sau là Trung Quốc đại lục 26%, Hàn Quốc 12%, Mỹ 6% và Nhật Bản 2%.
Để chen chân vào top 5 nhà sản xuất chíp hàng đầu thế giới là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn trong lộ trình ngắn. Ông Ashwini Vaishnaw, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ đánh giá: “ngành công nghiệp chip là một ngành rất phức tạp, tham gia chuỗi giá trị cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu là không hề dễ với các quốc gia mới nổi”.
Ấn Độ đang nổi lên là ứng viên có thể đảm đương vai trò “công xưởng thế giới” khi phong trào “made in China” thoái trào. Ấn Độ sẽ được hưởng lợi khi nhiều công ty tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.
Các nhà hoạch định chiến lược tại New Delhi đã tạo ra thuật ngữ mới trong thu hút đầu tư, trong khi nhiều người gọi là “friendshoring” thì người Ấn cụ thể táo bạo hơn nữa với “trustshoring” - tạm dịch “niềm tin toàn cầu”.
Giữa tháng 3/2024, Thủ tướng Narendra Modi đã liên tục dự khánh thành 3 nhà máy bán dẫn tại đất nước của mình. Một trong những nhà máy đó là liên doanh giữa Tata Electronics (Ấn Độ) và Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Powerchip của Đài Loan.
Cùng thời điểm, gã khổng lồ chip Qualcomm (Mỹ) đã khai trương trung tâm thiết kế ở thủ phủ công nghệ Chennai, Ấn Độ. Cơ sở này sẽ tập trung vào thiết kế công nghệ không dây và tạo ra 1.600 việc làm trong nước.
CEO Qualcomm hồ hởi nói về sự hiện diện của tập đoàn này tại Nam Á: “chúng tôi đã đầu tư ở Ấn Độ từ 1 thập kỷ trước khi hoạt động này bắt đầu phổ biến như ngày nay. Rất nhiều chip của chúng tôi được thiết kế ở Ấn Độ và sự hiện diện ở Ấn Độ cũng đang tạo cơ hội cho một số công ty bản địa”.
Bộ trưởng Liên minh Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar cho biết trong một thông cáo báo chí: “Các chip sản xuất tại Ấn Độ sẽ giúp tạo ra sự hiện diện mạnh mẽ và quan trọng cho nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu - nó sẽ biến Ấn Độ trở thành trung tâm tín hiệu của thế giới”.
Vị quan chức này bày tỏ kỳ vọng, lĩnh vực bán dẫn toàn cầu sẽ trị giá một nghìn tỷ đô la Mỹ trong vòng 7 năm tới và sẽ cần thêm gần một triệu kỹ sư bán dẫn. Nguồn nhân tài ở đâu? Hệ sinh thái đó ở đâu để xử lý sự phức tạp ở mức độ này? Nó có ở Ấn Độ.
>>Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc thành động lực mới cho kinh tế toàn cầu?
Tham chiếu cho Việt Nam
So về tài nguyên thiên nhiên phục vụ ngành bán dẫn, Ấn Độ không bằng Việt Nam. Nhưng lợi thế lớn nhất của họ, như ngài Bộ trưởng Liên minh Ấn Độ tự hào, nước này có khả năng đào tạo hàng triệu kỹ sư bán dẫn chất lượng cao.
Trên thực tế, người Ấn Độ có “gen” di truyền thiên bẩm về công nghệ thông tin. Họ là chủ nhân phát minh ra số “0”, thành tựu vĩ đại của loài người, ứng dụng trong hệ nhị phân.
Ấn Độ sở hữu nền toán học cơ bản và đạt trình độ cao, khai sinh Đại số học, đưa ra nhiều định lý toán học quan trọng như định lý Pythagoras, định lý Euclid và định lý Brahmagupta- nền tảng của mọi phát minh công nghệ ngày nay.
Người gốc Ấn Độ chiếm 6% lao động tại thung lũng Silicon. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu Boardroom Insiders vào năm 2020, khoảng 56 CEO trong danh sách Fortune 500 là người nhập cư, Ấn Độ chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như: Sundar Pichai, CEO Google; Shantanu Narayen, CEO Adobe; Arvind Krishna, CEO IBM; Sanjay Mehrotra, CEO Micron Technology; George Kurian, CEO NetApp; Rajeev Suri, cựu CEO Nokia,…
Thêm nữa, Ấn Độ có nhiều công ty trong nước đủ lực để hợp tác cùng những “đại gia” công nghệ nước ngoài. Bên cạnh Tata Consultancy Services, còn có hai doanh nghiệp rất hùng mạnh là Infosys và Wipro.
Từ kinh nghiệm của Ấn Độ trong ngành bán dẫn, Việt Nam cũng cần phải có chiến lược bài bản để đẩy mạnh chương trình đào tạo các kỹ sư bán dẫn chất lượng cao phục vụ cho phát triển của ngành này trong tương lai. Ngoài ra, cần tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất hiếm, làm đòn bẩy cho ngành bán dẫn.
Có thể bạn quan tâm