Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần thêm chính sách ưu đãi tín dụng
Cùng với yêu cầu về hành lang pháp lý hoàn chỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển các khu công nghiệp sinh thái, những điểm nghẽn về nguồn tài chính, tín dụng cần được tháo gỡ.
>> Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần tiếp tục hoàn thiện pháp lý
Theo đó, chuyển đổi mô hình từ khu công nghiệp đơn thuần sang khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái là xu hướng tất yếu với Việt Nam. Từ 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO, SECO và các nhà tài trợ khác triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Kết quả, đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 kilo tấn khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ 3 khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đồng Nai chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái theo khung quốc tế, đây là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, quá trình chuyển đổi này cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn do nguồn vốn còn rất hạn chế. Thống kê cho thấy, đến tháng 12/2022, tổng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam mới chỉ đạt 500 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,3% tổng dư nợ tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế.
>> Phá rào cản khu công nghiệp sinh thái
Thực tế, để chuyển đổi theo hướng khu công nghiệp bền vững, đòi hỏi bản thân các doanh trong khu công nghiệp phải có nguồn lực tài chính dồi dào để đầu tư trang thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại, nhất là hệ thống xử lý chất thải công nghiệp tạo ra trong quá trình sản xuất.
Trong khi hiện nay chỉ có các chính sách ưu đãi chung, áp dụng cho tất cả các loại hình khu công nghiệp, chưa có chính sách ưu đãi đặc biệt cho việc phát triển loại hình khu công nghiệp sinh thái, như chính sách ưu đãi cụ thể về tiếp cận đất đai, quy hoạch, vốn và khoa học công nghệ…
Do đó, theo các chuyên gia, cần có thêm các chính sách ưu đãi về tài chính tín dụng để thúc đẩy tiếp cận vốn cho các khu công nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình sang các khu công nghiệp sinh thái.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, nguồn vốn dành cho phát triển kinh tế xanh nói chung và các khu công nghiệp sinh thái nói riêng vẫn còn rất hạn chế, cần phải có thêm các chính sách tín dụng ưu đãi thúc đẩy tiếp cận vốn cho các khu công nghiệp sinh thái. Nếu không có nguồn vốn đầu tư kịp thời thì rất khó để mô hình khu công nghiệp sinh thái phát triển được trong thực tế. Điều này có thể khiến cho Việt Nam bỏ lỡ làn sóng đầu tư xanh ngày càng trở thành xu hướng trọng tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
“Qua hơn 30 năm phát triển đã chứng minh vai trò quan trọng của các khu công nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước ta. Song thực tiễn cũng cho thấy, còn rất nhiều khó khăn, hạn chế về tài chính cần phải được tháo gỡ, để các khu công nghiệp có thể tiếp tục phát triển, tương xứng với tiềm năng to lớn của mô hình này”, Chủ tịch VFCA nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, cần bổ sung thêm các ưu đãi về tài chính để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Ngoài ra, theo ông Quân chi phí cho việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi hoặc xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn trong khi nguồn lực của doanh nghiệp có hạn.
“Cần đẩy mạnh huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ tài chính khí hậu, đối tác chuyển đổi năng lượng và các nguồn lực khác cho biến đổi khí hậu cũng như kết nối với các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính xanh để huy động thêm nguồn lực thực hiện khu công nghiệp sinh thái”, Vụ trưởng Vụ quản lý khu kinh tế chia sẻ.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, về phía các doanh nghiệp và các nhà đầu tư phải quan tâm nhiều hơn đến khu công nghiệp sinh thái. Khu công nghiệp sinh thái là xu hướng tất yếu. Nhà nước có luật, có chính sách, có ưu đãi và doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm thực hiện và thúc đẩy.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần tiếp tục hoàn thiện pháp lý
03:00, 24/03/2024
Phá rào cản khu công nghiệp sinh thái
03:30, 16/03/2024
Phát triển khu công nghiệp sinh thái để hút dự án xanh
02:30, 15/03/2024
Xây dựng Khu công nghiệp sinh thái: Cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ
12:00, 30/09/2023
Hải Phòng: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp sinh thái
01:45, 14/09/2023