14 ngân hàng quan trọng trong hệ thống, 3 nhà băng rời nhóm

LÊ MỸ 30/03/2024 04:00

So với danh sách 17 ngân hàng quan trọng trong hệ thống mà Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó, năm 2024 danh sách chỉ còn 14 TCTD.

>>>Các TCTD "tổng rà soát" về phát hành, tính lãi, phí... thẻ ngân hàng

Theo đó, 14 ngân hàng thuộc Nhóm các tổ chức tín dụng có tầm quan trọng hệ thống năm 2024 gồm: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB); Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt (LPBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MB); Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB); Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB); Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Các ngân hàng trong nhóm có tầm quan trọng hệ thống sẽ được giám sát chặt chẽ. (Ảnh minh họa)

Danh sách này được công bố tại Quyết định 538/QĐ-NHNN phê duyệt Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống năm 2024.

So với Quyết định số 397/QĐ-NHNN phê duyệt Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống năm 2021 - cách đây 3 năm, với 17 TCTD, thì có 3 TCTD đã rời nhóm này, trong đó có Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB); Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB)...

Trước đó, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết việc xác định các tổ chức tín dụng có tầm quan trọng hệ thống được thực hiện theo Thông tư số 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng được ban hành ngày 1/8/2017. 

>>>Truyền thông chính sách trong hoạt động ngân hàng

Tại điểm a, khoản 2, Điều 10, Thông tư 08 quy định về phân nhóm theo mức độ ảnh hưởng tới hệ thống thì Ngân hàng Nhà nước đang chia thành 2 nhóm gồm Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống và Nhóm còn lại trong hệ thống.

Đồng thời, tiêu chí xác định mức độ quan trọng hệ thống, nội dung giám sát an toàn vĩ mô, tần suất lập báo cáo giám sát an toàn vĩ mô đối với Nhóm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống được hướng dẫn tại Sổ tay giám sát ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Căn cứ các tiêu chí tại sổ tay giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định danh sách các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống trong từng thời kỳ.

Việc xác định và phân nhóm, lập danh sách như vậy sẽ giúp cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng giám sát nhóm tổ chức tín dụng có mức tiềm rủi ro đối với hệ thống cao nhất (chiếm tỷ trọng 70% của hệ thống) để thực hiện giám sát chặt chẽ hơn.

Danh sách nhóm ngân hàng quan trọng hệ thống và nhóm các ngân hàng còn lại có thể thay đổi căn cứ xác định tỷ trọng như nêu.

Căn cứ theo danh sách được Ngân hàng Nhà nước công bố, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thuộc nhóm quan trọng để ngăn ngừa rủi ro có tính trọng yếu, rủi ro mang tính hệ thống.

Về danh sách các ngân hàng trọng yếu theo quyết định mà cơ quan quản lý, trao đổi với Diễn đàn Doanh Nghiệp, một chuyên gia cho biết, mặc dù thông tin, cơ sở xác định, danh sách rất rõ ràng, nhưng thị trường thực tế vẫn đang có những cách tiếp nhận khác nhau về các khái niệm "nhóm quan trọng" và "nhóm còn lại"; cũng như về việc cơ quan quản lý sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời rủi ro của nhóm có tầm quan trọng đối với hệ thống. 

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng cần có sự truyền thông chính sách tường tận hơn nữa xung quanh các khái niệm này.  

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp bảo mật thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng tuân thủ Quyết định 2345/QĐ-NHNN

    Giải pháp bảo mật thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng tuân thủ Quyết định 2345/QĐ-NHNN

    08:00, 14/03/2024

  • Thống đốc NHNN: Hiện mới có 5 ngân hàng tham gia gói 120.000 tỷ đồng

    Thống đốc NHNN: Hiện mới có 5 ngân hàng tham gia gói 120.000 tỷ đồng

    00:25, 17/03/2024

  • NHNN chào bán tín phiếu có

    NHNN chào bán tín phiếu có "thắt" dòng tiền vào chứng khoán?

    13:06, 12/03/2024

  • NHNN cần sớm bỏ công cụ hạn mức tín dụng

    NHNN cần sớm bỏ công cụ hạn mức tín dụng

    17:50, 05/03/2024

LÊ MỸ