NHNN cần sớm bỏ công cụ hạn mức tín dụng vì can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của TCTD, không phù hợp với thông lệ quốc tế, không phù hợp với quy định pháp luật.
>>Những ngân hàng nào tiên phong gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp năm 2024?
Đây là một trong 4 kiến nghị về việc đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng an toàn, lành mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng đã được PGS,TS. Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh trong báo cáo Quý I/2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và khoa học nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Để đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng an toàn, lành mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất một số kiến nghị.
Điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và khoa học nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế
Thứ nhất, NHNN cần sớm bỏ công cụ hạn mức tín dụng vì can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của TCTD, không phù hợp với thông lệ quốc tế, không phù hợp với quy định pháp luật.
“Đây là cơ chế hành chính, có tính chất xin-cho, tiềm ẩn tiêu cực. NHNN cần điều hành dựa trên các căn cứ khoa học, thông lệ quốc tế, đặc biệt là các tỷ lệ an toàn của TCTD”, PGS,TS. Hoàng Xuân Quế nhấn mạnh.
Thứ hai, NHNN cần tiếp tục giảm từ 0,5-1,0% các mức lãi suất điều hành trong năm 2024. Đồng thời, để hỗ trợ cho giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế, NHNN cần giảm từ 0,5% - 1,0% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, sẽ có tác dụng giải phóng 60.000 – 130.000 tỷ đồng để các TCTD có điều kiện cho vay đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp giảm lãi suất cho vay hộ cận nghèo và mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Thứ ba, NHNN cần kiên định điều hành tỷ giá, chỉ nên để biến động tỷ giá trung tâm VND/USD không quá 1-1,5%/năm. “Tuy nhiên, việc điều hành tỷ giá và can thiệp mua bán ngoại tệ cần đảm báo tính chất hai chiều, có tăng và có giảm, linh hoạt mua vào và bán ra”, PGS,TS. Hoàng Xuân Quế nói.
Thứ tư, NHNN cần phân tích khách quan khoa học chỉ số lạm phát, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và nguyên nhân lạm phát của Việt Nam để chủ động, điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo các yêu cầu chung của nền kinh tế, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.
Thứ năm, NHNN cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian tới.
Cụ thể, theo PGS,TS. Hoàng Xuân Quế NHNN cần nghiên cứu kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024. Sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-NHNN theo hướng bãi bỏ quy định về điều kiện đối với việc mua lại TPDN (bỏ khoản 11 Điều 4).
Sửa đổi, hoàn thiện các quy định về cấp tín dụng tại các Luật, Thông tư...
Đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển hệ thống ngân hàng theo hướng số hóa, an toàn và lành mạnh
NHNN cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu TCTD giai đoạn đến năm 2025. Đặc biệt, NHNN cần chỉ đạo xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo trong các NHTM CP và doanh nghiệp sân sau của các thành viên HĐQT NHTM. Cần có biện pháp yêu cầu NHTM chấm dứt cho vay tập trung vào doanh nghiệp, dự án sân sau của tập đoàn.
NHNN chỉ đạo chặt chẽ tăng vốn điều lệ, tăng các tỷ lệ an toàn của các TCTD. Với 15/35 ngân hàng chưa đảm bảo được tỷ lệ CAR theo Basel II cần thực hiện ngay càng sớm càng tốt, hoặc lựa chọn tự nguyện sáp nhập với các ngân hàng lớn hơn đã áp dụng Basel II.
NHNN cần có các biện pháp hữu hiệu đồng bộ quyết liệt xử lý nợ xấu cả nội bảng và ngoại bảng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD tính tới cuối tháng 7/2023 đã là 3,56%, gấp hơn 2 lần so với tỷ lệ 1,69% vào cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD là 6,16%.
Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các TCTD cần kiểm soát chặt chẽ vốn cho vay BĐS. Theo Báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2023 của các NHTM, tổng dư nợ cho vay BĐS của nhóm 12 NHTM đến hết tháng 9/2023 đã là gần 430.000 tỷ đồng, tăng 144.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
NHNN cần thực sự nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng thông qua các biện pháp: giám sát chặt chẽ vấn đề rủi ro đạo đức cán bộ thanh tra trong lĩnh vực này, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ thanh tra tham gia các Đoàn thanh tra về nghiệp vụ, về tính khách quan và chính xác, về tính độc lập, bảo lưu ý kiến.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng số. NHNN cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng; hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực này.
Các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Khẩn trương rà soát các dự án, các doanh nghiệp (đáp ứng/không đáp ứng điều kiện cho vay) để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án 20 khả thi, hiệu quả, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ.
>>Phát hành chứng chỉ vàng: Khó khăn gì?
>>Nhóm cổ phiếu ngân hàng duy trì đà tăng với động lực nào?
Thúc đẩy giám sát đối với các tổ chức tài chính trung gian phi ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính
Thứ nhất, NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hướng tới quản lý, giám sát hoạt động của các công ty, tổ chức nói trên theo chức năng của mình.
Hoạt động thanh tra giám sát cần phải dựa trên cơ sở quản trị rủi ro, đi sâu vào nghiệp vụ cho vay, các hợp đồng tín dụng; rà soát và giám sát chặt chẽ rủi ro đạo đức đối với đội ngũ cán bộ thanh tra, quản lý trực tiếp doanh nghiệp.
Thứ hai, ba cơ quan quản lý chuyên ngành nói trên đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức trung gian tài chính phi ngân hàng do mình quản lý, đặc biệt là tình trạng thua lỗ, nợ xấu của các Công ty tài chính.
“Cần thúc đẩy các hoạt động mua bán, sáp nhật các tổ chức này. Giám sát chặt chẽ hơn và quyết liệt đôn đốc thực hiện thời hạn tăng vốn điều lệ, đảm bảo các tỷ lệ an toàn của các tổ chức này. NHNN cần sâu sát hơn trong giám sát hệ thống Quỹ tín dụng”, PGS,TS. Hoàng Xuân Quế nói.
Thứ ba, các công ty, tổ chức nói trên cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro; tăng cường hoạt động giám sát nội bộ, đầu tư hiện đại hóa công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, minh bạch thông tin hoạt động, chống sự thao túng của cá nhân, các gian lận trong giao dịch và rủi ro đạo đức.
Thứ tư, các công ty, tổ chức trung gian tài chính phi ngân hàng nói trên cần tăng cường hợp tác, mở rộng trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan liên quan trong phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, tín dụng, chứng khoán, bảo hiểm, phương thức kinh doanh mới. Khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau.
Tăng cường xử lý vi phạm, hoàn thiện khung pháp lý, và nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm phát triển thị trường chứng khoán bền vững
Bộ Tài chính và UBCKNN cần tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) theo hướng bền vững, đảm bảo là kênh cung ứng vốn trung dài hạn quan trọng của nền kinh tế, giảm gánh nặng cho khu vực ngân hàng.
Thứ nhất, kiên quyết lập lại trật tự thị trường, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, đưa chủ thể thị trường vào khung khổ pháp lý, tuân thủ quy luật của thị trường.
Thứ hai, chỉ đạo hoặc phối hợp với các đơn vị, các sở GDCK, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, các thành viên thị trường sớm hoàn thiện kế hoạch triển khai dự án công nghệ thông tin quản lý và điều hành hệ thống giao dịch KRX.
Các đơn vị có liên quan cần phối hợp đồng bộ, quyết liệt hoàn thành dự án này, để nâng hạng thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý. Cụ thể, khẩn trương rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách về hoạt động TTCK, về công bố thông tin, về trách nhiệm các công ty kiểm toán báo báo tài chính của doanh nghiệp niêm yết; về giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn và những người có liên quan.
Thứ tư, đặc biệt nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra TTCK; giám sát chặt chẽ hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và xử lý vi phạm nghiêm mọi hành vi vi phạm để giữ thị trường minh bạch, công bằng. Khẩn trương ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác thanh tra giám sát.
Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK, đảm bảo các hàng hóa giao dịch luôn đúng theo quy định, tiêu chuẩn, không để cổ phiếu “kém chất lượng" được giao dịch, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.
Thứ sáu, tập trung đẩy mạnh đầu tư hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thị trường được tốt hơn, giúp thị trường được vận hành ổn định hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Có thể bạn quan tâm
16:52, 05/03/2024
04:00, 05/03/2024
03:10, 05/03/2024
04:50, 01/03/2024