TP.HCM tăng tốc thực hiện mục tiêu nhà ở xã hội
TP.HCM phấn đấu hoàn thành 35.000 căn nhà ở xã hội theo chỉ tiêu kế hoạch thành phố đặt ra về Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030.
>>Nghiên cứu phát hành trái phiếu Chính phủ hỗ trợ nhà ở xã hội
Đây là kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc làm việc chuyên đề về nhà ở xã hội vừa được ban hành.
Theo đó, TP.HCM phấn đấu đến cuối năm 2025 thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành tối thiểu 26.200 căn nhà ở xã hội theo chỉ tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ và phấn đấu hoàn thành 35.000 căn nhà ở xã hội theo chỉ tiêu kế hoạch thành phố đặt ra về Chương trình phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021 - 2030.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Để thực hiện mục tiêu trên, lãnh đạo TP giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì mời các chủ đầu tư trao đổi về các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, xác định danh mục dự án cụ thể và cam kết của các chủ đầu tư trong việc tập trung triển khai các dự án đảm bảo kế hoạch, báo cáo tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét việc cập nhật, bổ sung dự án vào Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng quy định.
>>Vì sao doanh nghiệp “ngại” làm nhà ở xã hội?
Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP về rà soát quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với danh mục 88 dự án nhà ở xã hội. Nhằm tham mưu UBND TP nội dung quy hoạch tổng thể và toàn diện về nhà ở xã hội, đồng thời xác định các vị trí cụ thể theo từng khu vực phát triển đô thị, để cập nhật vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, tạo cơ sở triển khai và thực hiện theo đúng quy định.
Ngoài các dự án đang triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành căn cứ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của TP.HCM và các quy định pháp luật có liên quan. Nhằm nghiên cứu, tham mưu đề xuất thực hiện xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập trung bình (công chức, viên chức, lực lượng vũ trang…), đối tượng văn nghệ sỹ, vận động viên thể dục thể thao đạt thành tích cao và cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước tham gia thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng nêu trên theo quy định.
Về thủ tục đầu tư, Sở Xây dựng cũng khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP về việc rà soát, hoàn thiện Quy trình thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM do UBND TP ban hành.
Cùng với đó, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng làm việc với Quỹ phát triển nhà ở thành phố để nghiên cứu xây dựng Đề án tái cấu trúc lại hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở thành phố theo quy định nhằm tăng cường năng lực và đảm bảo hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực phát triển nhà ở trên địa bàn.
Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Liên quan đến thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, vừa qua, HoREA đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết vướng mắc về thủ tục, cũng như bổ sung chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư, mở rộng đối tượng được mua loại hình này.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, vướng mắc về thủ tục là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội cả nước trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt khoảng 41% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, TP.HCM đã đạt được 75% kế hoạch nhưng thực tế chỉ có khoảng 15.000 căn nhà ở xã hội, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của thành phố.
Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2023, TP.HCM chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 623 căn hộ (chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020). Đồng thời, thành phố đã khởi công 7 dự án với 4.996 căn hộ, nhưng do "vướng pháp lý", nên gần như chưa thể triển khai thi công.
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư loại hình này, HoREA đề nghị bổ sung hoặc tăng thêm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án, nhằm khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Ví dụ, xem xét tăng thêm lợi nhuận định mức đối với chủ đầu tư dự án lên mức 15% (thay vì chỉ 10% hiện nay) đối với trường hợp doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất, tự thương lượng "mua lại" quyền sử dụng đất của các cá nhân, hộ gia đình để thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Đồng thời, theo ông Châu, các cơ quan chức năng nghiên cứu cho phép chủ đầu tư được thế chấp bằng chính dự án nhà ở xã hội đó, chí ít là đối với trường hợp chủ đầu tư đã tự thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Bởi hiện nay, các chủ đầu tư phải thế chấp bằng tài sản khác mới được vay vốn tín dụng để thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội được tổ chức ngày 16/3 vừa qua, lãnh đạo VietinBank cũng kiến nghị Chính phủ xem xét thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở nguồn ưu đãi này, lãi suất cho vay có thể xem xét thấp hơn lãi suất cho vay thương mại bình thường trên thị trường. Cần huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò đầu mối.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ xem xét cắt giảm tối đa các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án loại hình nhà ở này. Đồng thời ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.
Có thể bạn quan tâm