11/4: Diễn đàn "Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Giải pháp nào cho doanh nghiệp”

PHƯƠNG THANH 01/04/2024 04:00

Sử dụng năng lượng xanh từ điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp doanh nghiệp giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, còn góp phần giảm áp lực nguồn, giảm tổn thất điện khi không truyền tải đi xa.

 >>Đề xuất sớm có cơ chế cho điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

Vào chiều thứ 5 ngày 11/4, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu kinh tế, chính sách (VEPR) VNU-UEB tổ chức Diễn đàn Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Giải pháp nào cho doanh nghiệp”.

Lắp điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là một trong những yêu cầu giúp doanh nghiệp hướng đến tiêu chuẩn thương mại xanh.

Sử dụng điện mặt trời mái nhà là một trong những yêu cầu giúp doanh nghiệp hướng đến xanh hóa, tiêu chuẩn thương mại xanh.

Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang đặt ra những quy định liên quan đến tiêu chí xanh hóa đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh, đạo luật Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); thực hiện Thỏa thuận xanh châu Âu và Chính sách từ nông trại đến bàn ăn hay Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn sẽ là thách rất lớn khi hầu hết doanh nghiệp Việt chưa có đầy đủ nguồn lực, kiến thức để áp dụng.

Với quy định của CBAM, từ ngày 01/10/2023, CBAM thực hiện áp dụng thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Như vậy trong ngắn hạn Việt Nam có 4 ngành hàng sẽ chịu tác động từ CBAM gồm (sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm) khi xuất sang thị trường EU. Đáng chú ý, các sản phẩm từ sắt thép sẽ chiếm khoảng 96% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu trên. Ngoài ra các quốc gia khác như Mỹ, Canada… cũng đã và đang tiếp tục áp dụng, kiểm kê chặt chẽ các tiêu chí xanh trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Không chỉ có nhóm ngành hàng trên chịu áp lực từ Cơ chế CBAM, doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm, hay dệt may cũng đang chịu áp lực lớn với chuẩn “xanh” từ các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Dệt may Việt Nam là một ngành xuất khẩu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ sớm đã tiên phong thực hiện xanh hóa nguyên liệu và nhà máy trong sản xuất, nhưng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo vẫn rất hiếm hoi.

Trước những yêu cầu trên để giành lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều trong công cuộc sản xuất, phát triển xanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nguyên liệu xanh, trong đó sử dụng năng lượng tái tạo là một trong các yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp giảm phát thải, bảo vệ môi trường để hướng tới phát triển bền vững.

Thế nhưng, theo các doanh nghiệp, thực hiện được điều này không chỉ có nỗ lực từ phía doanh nghiệp khi đầu tư tài chính để chuyển dịch năng lượng mà cần có công cụ chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ trợ tạo đà cho chủ doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình xanh hóa. Bởi thực hiện tiêu chí xanh gắn với kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn giúp các ngành hàng sản xuất trong nước tiến tới kế hoạch giảm phát thải nhà kính, đạt mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian sớm nhất.

Về chính sách, Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh cần có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc. Từ nay đến năm 2030, loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, lắp đặt sử dụng điện mặt trời mái nhà phục vụ cho sản xuất trong khu công nghiệp nhưng chưa thực hiện được do thiếu cơ chế chính sách, cũng như hành lang pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện.

Về phương diện pháp lý, đại diện một doanh nghiệp cho biết, điện mặt trời mái nhà là lĩnh vực mới phát triển trong khoảng thời gian gần đây, các quy định của pháp luật cũng như hướng dẫn thực hiện đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Các doanh nghiệp có nhu cầu lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc hiểu đúng, hiểu đủ các quy định của pháp luật và việc hoàn thiện các hồ sơ thủ tục xin ý kiến của các cơ quan liên quan để đảm bảo các yêu cầu an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ làm cơ sở cho việc thi công lắp đặt và vận hành hệ thống.

Những vướng mắc nào cần tháo gỡ, như thủ tục trong đầu tư lắp đặt, nguồn vốn nào hỗ trợ giúp doanh nghiệp chuyển dịch năng lượng, các ý kiến đề xuất giải pháp về bài toán xây dựng lộ trình phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, tận dụng nguồn năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà giúp doanh nghiệp sớm tiến tới mục tiêu xanh hóa và trung hòa carbon tại Việt Nam… sẽ được trao đổi thảo luận tại Diễn đàn ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TRONG KHU CÔNG NGHIỆP: GIẢI PHÁP NÀO CHO DOANH NGHIỆP”, được diễn ra từ 13h30 – 17h30, thứ  Năm, ngày 11/4/2024 tại Hội trường Tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Chương trình sẽ thu hút đông đảo khách mời là gồm các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hiệp hội, các chủ đầu tư khu công nghiệp, các chuyên gia cùng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất quan tâm đến tham dự chương trình.

Link đăng ký tại đây

Có thể bạn quan tâm

  • Một số quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà còn thiếu rõ ràng

    Một số quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà còn thiếu rõ ràng

    03:00, 01/02/2024

  • Đề xuất chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà cho khu công nghiệp

    Đề xuất chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà cho khu công nghiệp

    05:00, 26/11/2023

  • Điện mặt trời mái nhà: Cần phát triển phù hợp với mục tiêu của Quy hoạch điện VIII

    Điện mặt trời mái nhà: Cần phát triển phù hợp với mục tiêu của Quy hoạch điện VIII

    03:00, 28/10/2023

  • Cần chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

    Cần chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

    03:00, 20/09/2023

  • Minh bạch trong quản lý, vận hành ngành điện

    Minh bạch trong quản lý, vận hành ngành điện

    00:10, 06/03/2024

PHƯƠNG THANH