Thừa Thiên Huế sẵn sàng cho Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư

NGUYỄN HÀ 02/04/2024 11:00

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 sẽ diễn ra trong ngày 06/04 tới đây.

>>>Thừa Thiên Huế: Phát huy lợi thế cạnh tranh, hút đầu tư có chọn lọc

Phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 26/01/2024.

Theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế tổ chức không gian phát triển theo hướng mô hình đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai, hạ tầng các khu chức năng. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế. 

Ông

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương (hàng đầu bên trái) tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.

Phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh, vị trí chiến lược - cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây với văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú, trọng tâm là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với Sông Hương Núi Ngự, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển hài hòa với cảnh quan tự nhiên, bảo tồn hệ sinh thái rừng đầu nguồn, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò, vị thế là đô thị trung tâm; trung tâm văn hóa, du lịch; y tế; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, cấp quốc gia, khu vực Đông Nam Á, quốc tế.

Quy hoạch tỉnh hướng mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9 - 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD; Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 10%/năm; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%... Cùng với đó, phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số chuyển đổi số (DTI).

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc. 

>>>Thừa Thiên Huế: Kiến tạo môi trường đầu tư tăng trưởng xanh

>>>Thừa Thiên Huế: Khởi công trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Gilimex

05 đột phá phát triển

Thứ nhất, phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phát huy lợi thế đô thị ven biển gắn với vị thế 04 trung tâm của vùng và cả nước với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao về kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ ba, phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng động lực miền Trung và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đặc sắc của khu vực. 

Thứ tư, phát huy vai trò động lực quan trọng của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng; đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh (LNG, năng lượng tái tạo,...); ưu tiên thu hút các dự án lớn sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.

Thứ năm, đổi mới, nâng cao hiệu quả trong bảo tồn di sản Cố đô Huế, chuyển hóa hữu hiệu tài nguyên văn hoá, lịch sử, thiên nhiên thành động lực tăng trưởng, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hệ sinh thái dân sinh, văn hóa, lịch sử và tự nhiên hấp dẫn; bồi đắp, phát huy giá trị con người xứ Huế làm nền tảng và nguồn lực phát triển bền vững. 

Chủ

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhận Chứng nhận Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc 2022.

Trên cơ sở đó, xây dựng đô thị trực thuộc trung ương với ba trung tâm đô thị gồm: Đô thị trung tâm, đô thị vùng Tây Bắc và đô thị Vùng Đông Nam. Ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc -Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng. Quy hoạch cũng chỉ rõ 03 trung tâm động lực tăng trưởngThừa Thiên Huế gồm: Quần thể di tích, di sản Cố đô Huế; Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Khu công nghiệp Phong Điền.

Sẵn sàng công bố và hiện thực hoá Quy hoạch

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND về việc Tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 để các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân biết và triển khai thực hiện Quy hoạch.

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội nghị sẽ giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được phê duyệt và danh mục các dự án thu hút đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu đề xuất. Hội nghị diễn ra trong ngày 06/4/2024 (thứ 7), tại Nhà hát sông Hương, số 01 Lê Lợi, thành phố Huế với khoảng 500 đại biểu và trực tuyến đến các điểm cầu tại các huyện, thị xã và thành phố Huế.

Hiện nay, cùng với việc sẵn sàng công khai công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư, Thừa Thiên – Huế đang tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ. Tỉnh ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, đặc biệt là các dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông có tính kết nối và lan tỏa, để nhằm sớm hoàn thiện các kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Có thể bạn quan tâm

  • Cục Hải quan Thừa Thiên Huế: Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

    Cục Hải quan Thừa Thiên Huế: Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

    15:04, 18/11/2023

  • Tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát triển ngành Du lịch từ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 

    Tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát triển ngành Du lịch từ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 

    17:35, 08/11/2023

  • Sáu kinh nghiệm giúp Thừa Thiên Huế đưa khởi nghiệp vào thực chất

    Sáu kinh nghiệm giúp Thừa Thiên Huế đưa khởi nghiệp vào thực chất

    00:19, 19/05/2023

NGUYỄN HÀ