“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 3 – Chiếc phong bì … thông lệ “bôi trơn”

NGUYỄN GIANG 03/04/2024 03:00

Những “đại án” được phanh phui gần đây như một bức tranh khắc hoạ rõ nét về căn bệnh tham nhũng, thứ "giặc nội xâm" đã làm mưa làm gió, hoành hành ở nhiều lĩnh vực gây nhức nhối dư luận xã hội…

>>“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 – Nhức nhối “cơ chế ngầm”

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, chỉ riêng trong năm 2023 đã theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc; các cơ quan chức năng khởi tố 12 vụ án với 45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án, kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án với 369 bị can,... Trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng, có hơn 90 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 tướng lĩnh; các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ với 3.523 bị can về các tội tham nhũng…

Những con số cho thấy, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã có những chuyển biến rõ nét. Và để đạt được kết quả này là sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.

Còn nhớ cách nói ví von của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không chỉ "củi khô, củi tươi" mà cả thép hạng sang (chỉ cán bộ cấp cao) nếu dính vào tham nhũng cũng bị xử lý. Nhìn vào thực tế hiện nay, đông đảo dư luận cũng đã khẳng định như vậy.

Trong số 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" tại phiên tòa phúc thẩm hồi cuối năm 2023, có ba bị cáo bị y án phạt tù chung thân; một cựu thứ trưởng lĩnh 14 năm tù giam,... Vụ nâng giá kit xét nghiệm liên quan Công ty Việt Á cũng có 38 bị cáo, trong đó gồm hai cựu Bộ trưởng, một số vụ trưởng, phó vụ trưởng; cán bộ ủy ban nhân dân tỉnh, tỉnh ủy; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC nhiều tỉnh, thành phố. Tại các đơn vị đăng kiểm cũng có hàng trăm bị can bị khởi tố…

Nói như ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, phải chống tham nhũng, tiêu cực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nếu không thì bao nhiêu tiền của ngân sách nhà nước sẽ bị thâm thủng, bị rơi vào túi những kẻ tham nhũng, của những “nhóm lợi ích”. Chống tham nhũng, tiêu cực cũng đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển, giảm các thủ tục hành chính, chống tình trạng lót tay, bôi trơn để làm cho các doanh nghiệp được cởi mở hơn, phát triển tốt hơn, không bị trói buộc.

hiihihih

 Một phiên toà xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”

Ám ảnh “văn hoá phong bì”

Nhiều kết quả khảo sát thực tế đã cho thấy, không ít doanh nghiệp hiện nay bị làm khó, chèn ép buộc phải chi tiền “bôi trơn”, phải sử dụng “văn hóa phong bì”. Thậm chí có nơi, điều này đã trở thành chuyện... “thường ngày ở huyện”, “luật bất thành văn”…

Điều đáng nói là những chi phí “bôi trơn” khá tốn kém. Theo một số liệu khảo sát cho thấy, các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Vậy, doanh nghiệp sẽ lấy gì bù lại? Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, nếu cộng vào giá thành sản phẩm thì cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải chịu, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ giảm. Đối với những dự án dân sinh như: hạ tầng giao thông, xây dựng trường học, công trình văn hóa…, các công trình này sẽ khó mà đảm bảo chất lượng. Còn nếu không tính vào giá thành, thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ, thậm chí cuối cùng có thể ... phá sản.

Trong Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Liên đoàn Thương mại Và Công nghiệp Việt nam (VCCI) công bố hồi tháng 4/2023 cho thấy, tình trạng này tuy đã giảm nhưng vẫn còn nhức nhối. Đó là việc doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại một số lĩnh vực nhạy cảm còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt bị gây phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt. Trong đó, phiền hà nhất là thuế, phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng.

Dường như ai cũng biết tệ nạn phong bì đang diễn ra khắp nơi, đâu cũng có. Xin đi học cũng có, xin đi làm cũng có, rồi thăng chức, bổ nhiệm... đều có. Dần dà, người ta nâng tầm phong bì thành cái gọi là “văn hóa phong bì”. Ai gửi phong bì thì xem như “có văn hóa”; ngược lại thì sẽ bị coi là “không biết điều” và bị nhìn với con mắt khác người.

Tâm điểm trong thời gian gần đây là phiên toà xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” với nhiều tình tiết gây xôn xao dư luận, cụm từ “văn hoá phong bì” tiếp tục được nhắc đến nhiều lần.  Tại phiên tòa, bị cáo Lê Hồng Sơn, giám đốc Công ty Blue Sky từng hối lộ để được cấp phép bay, đã nói ra thực tế phũ phàng: "Doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của văn hóa phong bì". Trong phần bào chữa cho bị cáo này, Luật sư Giang Hồng Thanh cũng nêu quan điểm rằng, một số cán bộ Nhà nước gây khó khăn, ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới tạo điều kiện cấp phép, nếu không đưa tiền, chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Đáng chú ý, trong đại án này, không phải chỉ riêng bị cáo Lê Hồng Sơn mà tất cả các bị cáo trong nhóm đưa hối lộ vụ án chuyến bay giải cứu đều có chung tình trạng, hoàn cảnh như nhau. Đó là phải theo "luật" xin - cho, phải bôi trơn, phải đút lót.

hiihih

Trong số 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" tại phiên tòa phúc thẩm hồi cuối năm 2023, có ba bị cáo bị y án phạt tù chung thân; một cựu thứ trưởng lĩnh 14 năm tù giam,... 

Không “bôi” thì không “trơn”?

Trở lại thực tế để thẳng thắn nhìn nhận rằng, với quyền lực trong tay, các nhân viên chấp pháp không khó dẫn dụ gần xa, hết đấm lại xoa để doanh nghiệp phải gửi phong bì “bôi trơn”. Thông điệp được chuyển tải rất rõ ràng là phàm muốn được xin cái gì thì anh phải có cái để cho lại theo phương châm “biết điều gặp nhiều may mắn”. Do đó, nói “doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho” thì cũng không có gì quá đáng. Thế nhưng, liệu doanh nghiệp có phải là nạn nhân gánh chịu hậu quả nặng nề nhất và là nạn nhân đáng thương nhất của tệ nạn phong bì hay không?

Thực tế từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp thường hay phàn nàn thậm chí còn "kêu trời" vì gánh nặng những loại “phí đen” đè trên vai. Tuy nhiên, không phải lúc nào lỗi cũng thuộc về các cơ quan công quyền và đại diện của cơ quan công quyền. Có thể nói, "mảnh đất" tiêu cực tồn tại một phần là có sự "nuôi dưỡng" của chính doanh nghiệp...

Con số trong báo cáo PCI 2022 của VCCI thể hiện, nếu như năm 2016, kết quả khảo sát PCI cho thấy khoảng 66% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức thì đến năm 2022 con số này ở mức 42,6%. Ở lĩnh vực đấu thầu, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "việc chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu" cũng giảm nhẹ từ mức 36,8% năm 2021 còn 36,3% trong năm 2022.

Tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại tình trạng "chạy án" nên không đưa vụ việc tranh chấp ra tòa án cũng giảm hơn 5,3 điểm phần trăm từ mức 21,4% năm 2021 xuống 16,1% vào năm 2022.

Tuy nhiên, theo báo cáo của VCCI, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến" lại tăng đáng kể trong năm 2022 lên mức 71,7% (so với mức 57,4% năm 2021). Báo cáo cho rằng, hiện tượng này cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Thực tế, khi nói đến các khoản "phí đen" thì hầu hết các doanh nghiệp đều bức xúc cho rằng, đây là một nghịch lý đã và đang tồn tại, chi phí này cần phải dẹp bỏ. Tuy nhiên, đằng sau sự bức xúc này, các doanh nghiệp vẫn trả và chấp nhận được thực hiện các loại phí vô lý này. Sở dĩ tiêu cực này có đất tồn tại là do bản thân phần lớn các doanh nghiệp luôn có ý nghĩ thường trực sợ mình sai, sợ mất thời gian và muốn “đi nhanh về tắt” nên tự nguyện đưa ra mức phí để công việc được thuận lợi.

Trước hết phải khẳng định, đây là một thói quen không chỉ ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần làm suy đồi đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ công quyền mà tai hại hơn nó còn làm méo mó môi trường kinh doanh.

>>“Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”

ihihih

Bị cáo Lê Hồng Sơn, giám đốc Công ty Blue Sky từng hối lộ để được cấp phép bay, đã nói ra thực tế phũ phàng: "Doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của văn hóa phong bì".

Trở lại những vấn đề từ đại án “chuyến bay giải cứu”. Thật ra, cái gọi là cơ chế xin - cho và “văn hoá phong bì” không mới, đó là vấn nạn nhức nhối đã được mổ xẻ từ lâu khi nó được mặc nhiên thừa nhận ở mức rộng và phổ biến. Vấn nạn này không chỉ thấy trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước mà còn cả với người dân khi làm các thủ tục hành chính. 

Ai cũng đồng ý là không thể để tồn tại tình trạng doanh nghiệp và người dân đã đóng thuế để trả lương cho cán bộ nhà nước mà phải đi xin, cũng không thể chấp nhận cán bộ nhà nước thay vì phải phục vụ dân thì lại đóng vai trò cho hay ban phát. Nhưng đáng buồn là trong thực tế nó vẫn mặc nhiên tồn tại. Khi vấn nạn không được chấn chỉnh, chặn lại thì nó phát triển hơn, đến tầm vóc lớn hơn, sâu rộng hơn và hậu quả là như chúng ta đã thấy rất đau đớn, quy mô lớn như vụ "chuyến bay giải cứu”.

Phiên tòa "chuyến bay giải cứu" với những vụ việc cụ thể của vấn nạn xin - cho và "văn hóa phong bì" cũng là lời yêu cầu bức bách phải nhìn thẳng vào đó tìm cách xử lý tận gốc tệ nạn này. Trước hết là phải trừng trị thẳng tay tệ nạn này khi có bằng chứng, bắt đầu kể cả từ những "phong bì" nhỏ. 

Còn nữa…

Có thể bạn quan tâm

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 –p/Nhức nhối “cơ chế ngầm”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 1 – Nhức nhối “cơ chế ngầm”

    03:00, 29/03/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”

    “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 2 – Chiêu trò “lũng đoạn”

    03:00, 30/03/2024

NGUYỄN GIANG