Không có lương hưu người cao tuổi vất vả mưu sinh

PV 06/10/2023 17:23

Với mức lương hưu bình quân từ khoảng 3 đến 6 triệu đồng giúp cho người già, đặc biệt là người ở khu vực nông thôn đủ lo bản thân, đồng thời cũng an tâm hơn khi đi khám, chữa bệnh bởi đã có thẻ BHYT.

>>BHXH Bắc Ninh: Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT với nhóm từ 60-65 tuổi

Theo BHXH tỉnh Phú Yên hiện có gần 14.000 người tham gia BHXH được chi trả lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động.

Nhọc nhằn mưu sinh tuổi xế chiều

Cơn mưa chiều nặng hạt trút nước xối xả xuống mặt đường bê tông, tạo thành dòng chảy đen ngòm bùn đất khiến ai nấy cũng e ngại mỗi khi bước chân ra đường. Từng dòng người hối hả trở về nhà sau giờ tan làm, thế nhưng ở một góc nhỏ chợ phường 9, thành phố Tuy Hòa lại xuất hiện bóng dáng một cụ bà tuổi ngoài 70 vẫn chậm rãi xếp từng miếng đậu phụ bán cho khách. Hỏi ra mới biết cụ bà tên Nguyễn Thị Hợp ở khu phố Phước Hậu 3, phường 9, thành phố Tuy Hòa làm nghề bán đậu phụ từ hơn 2 năm nay. Lý giải việc mưa gió vẫn lặn lội đi bán, bà Hợp xúc động: “Con cháu đứa nào cũng khổ, bà ráng đi bán có thêm chút tiền mua mớ rau, con cá cho qua ngày”. Cũng theo bà Hợp, lúc còn trẻ vợ chồng bà làm nông với vài ba sào ruộng cũng chỉ đủ nuôi mấy đứa con mà không dành dụm được gì cho tuổi già. Giờ đây, khi con cái lớn lập gia đình ở xa, đứa nào cũng khổ nên ông bà đành bấu víu nhau, mỗi ngày bán thêm ít đậu phụ, mỗi miếng lời được 500-1000 đồng cũng đủ lo cho 3 bữa cơm qua ngày.

Bà Sáu vẫn hàng ngày chăm chỉ nướng từng trái bắp, củ khoai bán cho khách qua đường để kiếm đủ tiền lo cho cuộc sống hai vợ chồng già

Bà Sáu vẫn hàng ngày chăm chỉ nướng từng trái bắp, củ khoai bán cho khách qua đường để kiếm đủ tiền lo cho cuộc sống hai vợ chồng già

Đều đặn sau hơn 12 giờ trưa mỗi ngày, người dân khu phố Ninh Tịnh 1, phường 9, thành phố Tuy Hòa lại nhìn thấy hai cụ già dáng nhỏ liêu xiêu, đẩy chiếc xe gỗ tự chế với lỉnh kỉnh đồ đạc trông vẻ rất nặng nề, mệt nhọc. Đó là vợ chồng ông bà Lê Văn Sáu (81 tuổi) và Lê Thị Phương (78 tuổi) được người dân gọi với cái tên thân thương ông bà Sáu, làm nghề bán bắp, khoai lang nướng ở vòng xoay đường Trần Phú-Hùng Vương đã gần 20 năm nay. Chia sẻ về hoàn cảnh tuổi già còn phải vất vả mưu sinh, bà Sáu cho biết: “Vợ chồng bà có hai người con gái đã lập gia đình và ở riêng nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không đỡ đần được cha mẹ nên hàng ngày để trang trải cuộc sống và dành dụm chút tiền phòng khi đau ốm, vợ chồng bà phải lặn lội đẩy xe bán từng trái bắp, củ khoai”. “Ông bị mờ mắt, nặng tai nên khi đẩy xe ra điểm bán thì nằm chờ bà bán xong rồi cùng về. Trời dù có nắng, mưa hay gió bão cũng phải đi bán để có tiền lo cho cuộc sống không phải làm phiền con cháu”- Bà Sáu bùi ngùi chia sẻ.

Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Yên hiện có 108.928 người cao tuổi, trong đó mới chỉ có 13.519 người có lương hưu, chiếm tỷ lệ gần 12,5%, số còn lại ngoại trừ những người có điều kiện, kinh tế khá giả thì đa phần phải tự lao động kiếm sống hoặc phụ thuộc vào con cháu và trông chờ vào nguồn trợ cấp hàng tháng của Nhà nước.

>>Hạn chế rút BHXH một lần - Tăng thêm quyền lợi cho người lao động là cần thiết

Lương hưu- An nhàn cho tuổi già

Cứ mỗi buổi sáng, sau khi làm xong việc cá nhân, ông Nguyễn Văn Thạnh ở Phường 7, TP. Tuy Hòa lại ung dung bên chén trà, thỉnh thoảng ra chăm vườn cây cảnh trước hiên nhà mà không phải lo nghĩ hay vướng bận chuyện tiền bạc vì hàng tháng ông đã có lương hưu ổn định cuộc sống. Ông Thạnh cho hay: “Khi còn trẻ, chú công tác trong quân đội, cố gắng tích lũy, tham gia BHXH và giờ nghỉ hưu, có lương hưu nên cuộc sống cũng ổn định”. Hàng tháng, với số tiền lương hưu gần 14 triệu, ông Thạnh trích ra một khoản lo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, một ít ông phụ thêm chuyện học hành của đứa cháu, còn lại phần tiết kiệm và thẻ BHYT được cấp miễn phí ông Thạnh dự phòng lúc ốm đau, bệnh tật.

Lương hưu và nguồn thu nhập từ cửa hàng tạp hóa là khoản tiền mà bao người già ở vùng nông thôn nơi ông Ẩn sinh sống hằng mơ ước để mong tuổi già được thảnh thơi, an nhàn

Lương hưu và nguồn thu nhập từ cửa hàng tạp hóa là khoản tiền mà bao người già ở vùng nông thôn nơi ông Ẩn sinh sống hằng mơ ước để mong tuổi già được thảnh thơi, an nhàn

Còn với ông Lương Ngọc Ẩn ở thôn An Thổ,  xã An Dân, huyện Tuy An, tuổi già bây giờ không còn là gánh nặng bởi ông đã thu về trái ngọt từ quyết định tham gia đóng thêm BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu và hưởng lương hưu để ổn định cuộc sống. Ông Ẩn chia sẻ: “Trước đây, tôi tham gia BHXH bắt buộc được hơn 16 năm và sau đó đóng tiếp 3,5 năm BHXH tự nguyện để đủ 20 năm đóng BHXH. Giờ này với lương hưu mỗi tháng gần 2,5 triệu cùng với thu nhập từ cửa hàng tạp hóa nhỏ, vợ chồng tôi cũng đủ xoay sở mà không lo vướng bận hay làm phiền con cái”. Ngoài lương hưu đủ trang trải cuộc sống, ông Ẩn còn được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95% để đi khám chữa bệnh những lúc trái gió trở trời mà không phải lo tốn kém chi phí.

Chế độ hưu trí là cốt lõi của chính sách BHXH nhằm đảm bảo an sinh lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động. Lương hưu sẽ giúp người lao động khi về già vơi đi nhiều nỗi lo về tiền bạc. Đây được coi là nguồn thu nhập ổn định nhất giúp người lao động yên tâm dưỡng già, bảo đảm cuộc sống tốt hơn mà không phụ thuộc vào con cháu

Có thể bạn quan tâm

  • Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có lộ trình

    Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có lộ trình

    04:00, 15/07/2023

  • Lương hưu, trợ cấp BHXH tăng theo điều chỉnh lương cơ sơ

    Lương hưu, trợ cấp BHXH tăng theo điều chỉnh lương cơ sơ

    13:15, 14/07/2023

  • Lừa đảo khi làm dịch vụ BHXH trên mạng xã hội ngày càng tinh vi

    Lừa đảo khi làm dịch vụ BHXH trên mạng xã hội ngày càng tinh vi

    11:50, 13/07/2023

  • BHXH Việt Nam: tăng cường công tác giám định BHYT

    BHXH Việt Nam: tăng cường công tác giám định BHYT

    13:19, 12/07/2023

  • Chặn trốn đóng BHXH cho người lao động

    Chặn trốn đóng BHXH cho người lao động

    02:18, 10/07/2023

PV