Cần hoàn thiện pháp lý cho phát triển tín dụng xanh

MINH NGỌC 03/04/2024 16:00

Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, danh mục phân loại xanh.

>>Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh - Vấn đề cấp bách”.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Từ năm 2012, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020. Tiếp đó, vào tháng 10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

 Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa tái khẳng định: Tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, danh mục phân loại xanh...

Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, danh mục phân loại xanh...

Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII…. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu như: Cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)…

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, theo ước tính của ADB khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh. Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.

>>VBF 2024: “Chìa khoá” hiện thực mục tiêu tăng trưởng xanh

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt  620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên một trở ngại lớn là chưa có Danh mục phân loại xanh để làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên một trở ngại lớn là chưa có Danh mục phân loại xanh để làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh

"Tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên một trở ngại lớn là chưa có Danh mục phân loại xanh để làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh", bà Tùng cho hay.

Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh trước ngày 31/12/2022. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Danh mục Phân loại xanh trình Chính phủ. Tuy nhiên, do một số nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan chức năng, đến nay Danh mục Phân loại xanh vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn cho việc thiết kế và thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh, cũng như hoạt động tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Trong Dự thảo Danh mục phân loại xanh, một chủ đề nhận được sự quan tâm lớn là quy định về tổ chức có chức năng xác nhận xanh. Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: một cơ quan Nhà nước có thể đứng ra xác nhận nhưng lại làm tăng thủ tục hành chính. Có quan điểm để đơn vị kiểm toán đứng ra xác nhận, tuy nhiên phương án này cũng vấp phải nhiều ý kiến chưa đồng thuận, đặc biệt trong trường hợp sử dụng nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước thì việc giao đơn vị kiểm toán cấp phép chưa đạt độ tin tưởng. Theo đó Bộ TM&MT đang đề xuất là để trực tiếp các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh sẽ căn cứ vào bộ chỉ số, Danh mục phân loại xanh của Bộ TM&MT xây dựng để xác định dự án có đạt yêu cầu về xanh hay không?

Theo bà Nguyễn Thiên Hương - Phụ trách chương trình ngân hàng bền vững, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), mô hình đánh giá độc lập được đề xuất và khuyến nghị bởi phần lớn các quốc gia, với 86% trái phiếu xanh phát hành vào năm 2019 được đánh giá độc lập.

“Tại Việt Nam, tổ chức kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (chứng nhận sản phẩm, hệ thống quản lý) cũng như tổ chức đang cung cấp dịch vụ bảo đảm (assurance) khá phù hợp cho dịch vụ xác nhận các khía cạnh về môi trường, quản lý môi trường và xã hội cũng như xác nhận dự án xanh. Để các tổ chức này cung cấp các đánh giá độc lập, cần bổ sung thêm các yếu tố năng lực liên quan đến tài chính, chuyên môn”, bà Hương chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • VBF 2024: Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

    VBF 2024: Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

    22:52, 19/03/2024

  • VBF 2024: Cộng đồng doanh nghiệp cam kết cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh

    VBF 2024: Cộng đồng doanh nghiệp cam kết cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh

    15:48, 19/03/2024

  • Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển

    Tín dụng xanh còn nhiều dư địa phát triển

    01:00, 16/02/2024

  • Tăng năng lực cho hệ thống ngân hàng, thúc đẩy tín dụng xanh

    Tăng năng lực cho hệ thống ngân hàng, thúc đẩy tín dụng xanh

    04:50, 11/02/2024

  • Khơi dòng “tín dụng xanh” chảy vào doanh nghiệp

    Khơi dòng “tín dụng xanh” chảy vào doanh nghiệp

    16:23, 08/02/2024

  • “Đòn bẩy” tín dụng xanh

    “Đòn bẩy” tín dụng xanh

    02:19, 04/01/2024

MINH NGỌC