Khơi thông nguồn vốn cho tài chính vi mô
Xây dựng cơ chế bán buôn tín dụng cho tài chính vi mô là một bước tiến quan trọng định hình tương lai của thị trường tài chính vi mô tại Việt Nam,
>>>Bất cập “siết” hồ sơ tín dụng
Qua đó, góp phần phát triển bền vững và toàn diện của nền kinh tế.
Mặc dù tài chính vi mô ở Việt Nam đã ra đời và phát triển từ hơn 3 thập kỷ trước, nhưng hình thức bán buôn tín dụng giúp các tổ chức tài chính vi mô mở rộng nguồn vốn cho vay vẫn là một vấn đề khá mới.
Thách thức nguồn vốn
Hiện nay, các tổ chức tài chính vi mô vẫn đang đối mặt với thách thức lớn trong việc mở rộng quy mô hoạt động do phạm vi và tệp khách hàng hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng thu hút nguồn vốn cần thiết để tiếp tục cung cấp dịch vụ cho vay.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn thương mại cũng gặp phải nhiều rào cản, phần lớn do những hạn chế về pháp lý và năng lực tổ chức. Những khó khăn này không chỉ tác động đến sự phát triển của chính các tổ chức tài chính vi mô, mà còn đến khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn hay vùng sâu vùng xa.
>>>Việt Nam hội tụ lợi thế xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
Nhóm chuyên gia tại Viện Chiến lược Ngân hàng-NHNN phân tích, thực tế tại Việt Nam cơ chế cho vay bán buôn tài chính vi mô đã manh nha, qua sự triển khai của Quỹ Hỗ trợ tín dụng (HTTD) trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Quỹ này có nguồn gốc từ Dự án tài chính Việt - Bỉ, mở đường cho đề xuất ba cơ chế bán buôn tín dụng tài chính vi mô đặc thù, cụ thể:
Thứ nhất, thiết lập một Quỹ đầu tư tài chính vi mô dưới sự quản lý của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam như một giải pháp để mở rộng khả năng bán buôn tín dụng cho các tổ chức tài chính nhỏ lẻ.
Thứ hai, khuyến khích hình thành và phát triển chức năng bán buôn tín dụng trong chính các ngân hàng thương mại của Việt Nam, với việc chọn Agribank làm thí điểm.
Thứ ba, cho phép các ngân hàng thương mại tham gia vào hoạt động cho vay hợp vốn với các tổ chức tài chính vi mô, nhằm mở rộng quy mô và đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, đồng thời tạo thêm cơ hội phát triển cho khu vực tài chính vi mô tại Việt Nam.
Xây dựng điều kiện thị trường phù hợp
Để các tổ chức này có thể tiếp tục mở rộng sứ mệnh của mình, cần thiết phải có thêm sự hỗ trợ, cam kết từ cộng đồng và các cơ quan liên quan. Điều này không chỉ góp phần vào việc giảm nghèo mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong cộng đồng.
PGS.TS. Hạ Thị Thiều Dao, Đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, cần xây dựng các điều kiện thị trường thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các hoạt động cho vay bán buôn tài chính vi mô. Trong đó, tạo một số lượng các tổ chức tài chính vi mô hội đủ điều kiện để được cung cấp các khoản vay bán buôn. Đồng thời thành lập một tổ chức tài chính vi mô bán buôn chính thức, với những giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo cho sự hình thành và phát triển tổ chức này hiệu quả.
Theo khảo sát từ các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hiện nay có xu hướng ủng hộ việc thành lập một tổ chức cho vay bán buôn quốc gia, có khả năng cung ứng dịch vụ tài chính và phi tài chính cho đối tác trải rộng từ các dự án, chương trình đến tổ chức tài chính vi mô và Quỹ xã hội, với điều kiện và tiêu chí vay vốn đa dạng. Vấn đề quản lý pháp lý và cơ cấu sở hữu cũng cần xem xét cẩn trọng, với đề xuất ban đầu cho tỷ lệ sở hữu nhà nước giảm dần qua thời gian.
Hai phương án đang được cân nhắc bao gồm thành lập một đơn vị mới; hoặc phân công nhiệm vụ này cho các tổ chức tài chính hiện hữu. Trong giai đoạn hiện tại, việc chọn lựa các tổ chức tài chính đã có để giảm thời gian và chi phí triển khai được đánh giá cao, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tăng trưởng của thị trường cho vay bán buôn trong lĩnh vực tài chính vi mô ở Việt Nam. Trong đó, phân công nhiệm vụ cho vay bán buôn cho các tổ chức như Quỹ HTTD hoặc Ngân hàng Hợp tác xã.
Với tầm nhìn xa hơn, chúng ta có thể xem xét khả năng thành lập một tổ chức cho vay bán buôn mới, hoạt động độc lập và được cấu trúc tinh giản để giảm thiểu chi phí. Điều này đòi hỏi việc thiết lập một Ban quản trị có năng lực, đội ngũ quản lý và nhân viên chuyên nghiệp. Ngoài ra, tổ chức này cần thực hiện chế độ báo cáo minh bạch và định kỳ đối với NHNN để đảm bảo sự giám sát và quản lý hiệu quả.
“Các tổ chức cần chú trọng vào một số yếu tố: Thứ nhất, thiết kế bộ sản phẩm phù hợp với nhu cầu của các tổ chức tài chính vi mô; lãi suất và chi phí giao dịch được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với cả mục tiêu thương mại và xã hội. Thứ hai, tham khảo kinh nghiệm thế giới để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Thứ ba, cam kết thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức tài chính vi mô, đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững trong lĩnh vực tài chính. Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong việc định hình tương lai của thị trường tài chính vi mô tại Việt Nam”, PGS.TS. Hạ Thị Thiều Dao nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Cần chính sách ưu tiên tín dụng để phát triển vận tải đường thủy
04:00, 29/03/2024
Agribank triển khai 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho ngành lâm, thủy sản
15:57, 01/04/2024
Vietcombank Kon Tum ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty Điện lực Kon Tum
11:31, 27/03/2024
Ngã ngũ vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank, chuyên gia lưu ý người dùng
11:15, 21/03/2024
MSB chính thức triển khai gói tín dụng xanh có quy mô 3.000 tỷ đồng
07:19, 21/03/2024