Dự thảo Nghị định thi hành Luật Giá tiềm ẩn nguy cơ gây khó cho doanh nghiệp
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá, VCCI cho rằng, một số quy định tại Dự thảo còn tiềm ẩn nguy cơ gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp.
>> Đưa phụ phí của hãng tàu nước ngoài vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật giá
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời công văn số 13076/BTC-QLG ngày 28/11/2023 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá (Dự thảo).
Cụ thể, về thủ tục kê khai giá, theo VCCI, Điều 4.14 của Luật Giá 2023 quy định: “Kê khai giá là việc tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này gửi thông báo mức giá sau khi định giá, điều chỉnh giá cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường”.
Luật Giá năm 2012 cũng quy định: “Kê khai giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá”.
“Như vậy, Luật Giá năm 2012 đã quy định rõ, thủ tục kê khai giá chỉ mang tính thông báo về mức giá, không phải là thủ tục xin phép hay cần sự đồng ý của cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp phản ánh một số cơ quan tiếp nhận hồ sơ kê khai giá đã lạm dụng thủ tục này, gây khó khăn cho doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình yếu tố cấu thành giá thì mới đồng ý cho điều chỉnh giá”, VCCI chia sẻ.
>>Hãng tàu tăng phí THC, doanh nghiệp xuất nhập khẩu “kêu khó”
Cũng theo VCCI, Điều 15 của Dự thảo quy định theo hướng doanh nghiệp có quyền tự điều chỉnh giá, sau đó phải nộp hồ sơ kê khai giá cho cơ quan Nhà nước trong vòng 5 ngày. Đây là bước tiến lớn trong việc trao thêm quyền tự do quyết định giá cho doanh nghiệp, tuy nhiên, Điều 15.3.b vẫn quy định theo hướng cơ quan Nhà nước có quyền yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, giải trình hồ sơ.
Theo Dự thảo, hồ sơ chỉ gồm duy nhất một tài liệu là Văn bản kê khai giá theo mẫu do doanh nghiệp tự khai tự chịu trách nhiệm, không cần nộp kèm bất kỳ tài liệu gì. Do đó, không rõ các trường hợp cơ quan Nhà nước yêu cầu bổ sung và giải trình hồ sơ ở đây là những trường hợp nào?
“Nếu việc yêu cầu bổ sung, giải trình này chỉ là việc điền không đầy đủ các thông tin trong mẫu Văn bản thì hoàn toàn có thể xử lý ngay khi nhận hồ sơ. Theo đó, nếu nộp hồ sơ trực tiếp thì cán bộ tiếp nhận có thể kiểm tra ngay và yêu cầu doanh nghiệp điền thêm nội dung. Trường hợp nộp hồ sơ qua hình thức điện tử thì có thể thiết lập hệ theo hướng chỉ có thể nộp khi đã điền đầy đủ các trường thông tin.
Nếu việc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ này bao gồm cả việc trả lời các câu hỏi về nội dung kê khai thì thủ tục này sẽ không còn mang bản chất là thủ tục thông báo nữa. Quy định này sẽ dẫn đến tình trạng một số nơi, một vài trường hợp bị biến tướng thành cơ chế xin cho như trước đây”, VCCI nhìn nhận.
Từ các vấn đề đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cơ quan Nhà nước chỉ tiếp nhận hồ sơ một cách thuần tuý và tự động, không được phép yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hay giải trình gì thêm. Trong trường hợp doanh nghiệp kê khai thiếu thông tin thì cơ quan Nhà nước có quyền thực hiện việc thanh tra, kiểm tra sau đó và xử phạt doanh nghiệp với lý do bán hàng không đúng nội dung đã kê khai.
Góp ý quy định về chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu, VCCI cho biết, Điều 28.3 của Luật giá quy định: “Nội dung kê khai giá gồm mức giá gắn với tên, chủng loại, xuất xứ (nếu có), chỉ tiêu chất lượng (nếu có) và nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai”. Tuy nhiên, tại Phụ lục 6 của Dự thảo về Mẫu văn bản kê khai giá đã yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai thêm cả nội dung về chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu: “Ghi rõ các chính sách và mức khuyến mại, giảm giá hoặc chiết khấu đối với các đối tượng khách hàng, các điều kiện vận chuyển, giao hàng, bán hàng kèm theo mức giá kê khai (nếu có)”.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ nội dung này tại Phụ lục, vì các lý do: Thứ nhất, việc Phụ lục yêu cầu thêm nội dung này trái với Điều 28.3 của Luật giá.
Thứ hai, không phải trường hợp nào doanh nghiệp cũng chuẩn bị chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể đưa ra biện pháp khuyến mại, giảm giá, chiết khấu cho khách hàng ngay trong quá trình đàm phán từng giao dịch với từng khách hàng. Điều này không nhất thiết cần được lập thành chính sách bán hàng chung, mà sẽ được quyết định từng thời điểm, từng trường hợp. Nếu yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai sau mỗi giao dịch như vậy sẽ là không cần thiết và không khả thi.
Thứ ba, quy định này có thể sẽ khiến doanh nghiệp ngại khuyến mại, giảm giá, chiết khấu cho khách hàng, và có thể dẫn đến không đạt được thoả thuận bán hàng, kết quả là làm tăng chi phí và thời gian giao dịch, làm chậm tốc độ lưu thông hàng hoá, dịch vụ, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Cùng với các vấn đề đã nêu, liên quan đến nội dung quy định về việc doanh nghiệp phải kê khai nguyên nhân điều chỉnh giá, viện dẫn thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Phụ lục 06 theo hướng doanh nghiệp phải kê khai nguyên nhân thay đổi giá nhưng có thể nêu bất kỳ nguyên nhân nào, không nhất thiết phải là sự thay đổi của yếu tố hình thành giá.
Có thể bạn quan tâm
Đưa phụ phí của hãng tàu nước ngoài vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật giá
02:00, 05/03/2024
Luật Giao dịch điện tử 2023: Giúp doanh nghiệp giao kết trên môi trường số đảm bảo pháp lý
11:00, 25/08/2023
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): “Gỡ khó” cho chuyển đổi số
04:30, 29/06/2023
Luật Giá (sửa đổi): Bịt “kẽ hở” trong thẩm định giá
04:00, 28/06/2023
Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh với lĩnh vực đất đai
11:30, 30/05/2023