Với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, Luật Giá (sửa đổi) đem đến nhiều kỳ vọng, đáng nói, không ít ý kiến cho rằng, Luật sửa đổi khi có hiệu lực thi hành sẽ bịt “kẽ hở” trong thẩm định giá…
>> Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Cân nhắc việc đảm bảo yếu tố thị trường
Theo đó, với 459 đại biểu tán thành (chiếm 92,91% tổng số đại biểu tham gia), trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi). Luật sửa đổi sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 Chương, 75 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; điều khoản thi hành…
Đánh giá về Luật sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, không ít ý kiến cho rằng, các quy định trong Luật sửa đổi lần này đã có nhiều điểm mới, khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành, đặc biệt là vấn đề về thẩm định giá.
Cụ thể, nhằm khắc phục cơ bản tồn tại, hạn chế giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành, tại Luật Giá (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã bổ sung tại Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các luật khác có liên quan. Trong đó, về cơ bản Luật Giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá, chỉ trừ một số trường hợp rất đặc thù đã có luật riêng điều chỉnh toàn diện thì mới thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước về giá, trên cơ sở cụ thể hóa nội dung chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp, tại Luật đã bổ sung Chương 3 quy định chi tiết, cụ thể các nội dung quản lý nhà nước về giá, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đồng thời, liên quan đến biện pháp kê khai giá, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, Luật Giá (sửa đổi) đã quy định, việc kê khai được tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện sau khi quyết định giá. Trong khi, theo quy định hiện hành, việc kê khai phải được thực hiện trước khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quyết định giá. Đây được đánh giá là một trong những thay đổi căn bản trong biện pháp kê khai giá nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện kê khai…
>> Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Các quy định còn thiên về vấn đề hành chính
Đáng nói, Luật Giá (sửa đổi) lần này cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến hoạt động thẩm định giá, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thẩm định viên về giá, siết chặt điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp nhằm tạo hàng rào kỹ thuật ngăn tiêu cực từ một lĩnh vực tương đối nhạy cảm... Luật cũng đưa ra quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác; lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố… để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp nhằm trục lợi; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan Nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá…
Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua đã xảy ra không ít vụ án tham nhũng, tiêu cực đều liên quan đến việc tổ chức định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công. Nhiều cá nhân, hội đồng thẩm định giá đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự.
Đánh giá về Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, những quy định trong luật đã cơ bản tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý Nhà nước triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.
Đồng quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc Chương VII Luật Giá (sửa đổi) quy định về công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá với các quy định về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá sẽ là biện pháp hữu hiệu tăng cường cơ sở pháp lý cho khâu giám sát, hậu kiểm việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong tuân thủ quy định của pháp luật về giá.
Được biết, hầu hết các quy định của Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, riêng quy định tại khoản 2 Điều 60 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026. Đặc biệt, từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2025, Hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất 1 thành viên có một trong các chứng nhận chuyên môn sau đây: Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá, thẩm định giá; Thẻ thẩm định viên về giá; Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá; Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Cân nhắc việc đảm bảo yếu tố thị trường
04:00, 24/05/2023
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Các quy định còn thiên về vấn đề hành chính
10:40, 06/04/2023
Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi)
20:16, 05/04/2023
Dự án Luật Giá (sửa đổi): Nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu
12:24, 15/03/2023
Dự án Luật Giá (sửa đổi): Nghiên cứu đổi tên Quỹ bình ổn giá theo hướng rộng hơn
10:30, 15/03/2023