Vì sao PNJ, SJC, DOJI được đề xuất nhập vàng?
3 doanh nghiệp được đề xuất nhập 1,5 tấn vàng/năm, số tiền nhập khẩu tương đương hơn 30 triệu USD/doanh nghiệp là PNJ, SJC, DOJI.
>>>Giá vàng tuần tới: Rủi ro nào tiềm ẩn?
Theo kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Hiệp hội đề xuất nhà quản lý về việc cho phép 3 doanh nghiệp là PNJ, SJC, DOJI được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương ứng mỗi doanh nghiệp nhập 500kg vàng mỗi năm.
Nội dung kiến nghị cụ thể là cho nhập vàng nguyên liệu để các doanh nghiệp chế tác vàng nữ trang. Theo Hiệp hội, đây là 3 đơn vị kinh doanh vàng lớn nhất của ngành.
Hiệp hội cũng kiến nghị việc nhập khẩu sẽ chia làm nhiều lần và tùy theo quyết định của NHNN. Nếu quy đổi ra tiền là khoảng hơn 30 triệu USD/500kg. Theo đó ước tính tổng giá trị của 1,5 tấn vàng tính cả tiền nhập khẩu, thuế phí trong khoảng 100 triệu USD.
Kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đưa ra sau phiên họp toàn thể Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng - chủ trì. Tại phiên họp này, Phó Thủ tướng ghi nhận ý kiến của các chuyên gia cho rằng qua 12 năm thực hiện, Nghị định 24 đã đạt những thành công và hoàn thành sứ mệnh. Các ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
>>>Giá vàng tuần tới: Coi chừng đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược!
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 diễn ra hôm qua ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về việc cơ quan quản lý phải giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi. Đồng thời, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế.
Các chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm phải cho phép nhập khẩu vàng, sản xuất vàng miếng để đáp ứng nguồn cung. Khi cung đủ thì cầu sẽ hạ nhiệt và giá vàng sẽ hạ xuống, sát gần với giá vàng thế giới (cũng đang tăng cao kỷ lục).
TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia Tài chính, khẳng định: Nếu thị trường vàng được bổ sung một nguồn cung hợp lý, vấn đề chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được giải quyết. Vấn đề cốt lõi trong việc ổn định thị trường vàng và ổn định tỷ giá là chúng ta phải duy trì được giá trị của đồng nội tệ. Điều này đạt được thông qua việc kiểm soát lạm phát và trong nhiều năm nay, mục tiêu lạm phát dưới 4% luôn đạt được. Như vậy, không cần quá lo ngại về giá vàng tăng hay chênh lệch tỷ giá theo hướng bất lợi cho đồng tiền Việt Nam.
Đặc biệt, Nhà nước đã đủ nguồn lực và giải pháp để quản lý tốt thị trường vàng. Về giải pháp cứng, đó là các biện pháp chống buôn lậu vàng qua biên giới, xử lý những hành vi vi phạm trong kinh doanh vàng trên thị trường. Những việc này cần làm và tiếp tục phải làm tốt hơn.
Theo ông Hiển, bên cạnh đó cũng cần phải dùng tới giải pháp mềm. Đó là từng bước thị trường hóa các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có cả thị trường vàng. "Từ giai đoạn 2012-2024, thị trường vàng được quản lý khép kín. Khi lạm phát được kiểm soát tốt, thặng dư thương mại ở mức cao, NHNN đã đề xuất một giải pháp mở hơn. Thị trường vàng đang dần hòa nhập với phương thức hoạt động theo kinh tế thị trường có quản lý nhà nước, đúng như định hướng phát triển của toàn nền kinh tế Việt Nam", ông nói.
Lý giải vì sao DOJI, SJC và PNJ được đề xuất nhập khẩu vàng, ông Hiển bày tỏ đồng tình với Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, vì trước hết đây là các doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường. Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh, họ từng có kinh nghiệm sản xuất vàng miếng và hiện đang sản xuất trang sức, mỹ nghệ công suất lớn. Mặt khác, một khi còn quản lý theo cấp hạn ngạch, thì những doanh nghiệp được chọn cũng phải doanh nghiệp uy tín, có bề dày, có "gốc gác", ví dụ SJC là của Nhà nước, PNJ có nguồn gốc Nhà nước và đang niêm yết trên sàn, DOJI là ông lớn của thị trường vàng nhất là phía Bắc...
"Việc chọn các doanh nghiệp chắc chắn phải đáp ứng các điều kiện, tiên quyết là có giấy phép đạt điều kiện để được hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng. Ngoài ra còn có tiêu chí phụ đi kèm và cơ quan quản lý cần công khai bộ tiêu chí này. Điều này tương tự như chọn các doanh nghiệp để được cấp hạn ngạch xuất nhập khẩu gạo - mặt hàng nông sản phổ biến nhưng quan trọng của Việt Nam", chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, trước đề xuất của Hiệp hội, dù là đề xuất cho phép nhập thí điểm, vẫn có quan điểm cho rằng Chính phủ vẫn đang tìm giải pháp khơi thông dòng vốn tích lũy vàng trong dân để đưa vào nền kinh tế, việc nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu tích lũy hay đầu cơ, cần xem xét đến bối cảnh hiện tại với giá vàng thế giới không ngừng leo thang, áp lực tỷ giá VND/USD cũng đang căng, có thể gây hao hụt ngoại tệ...
"Quan điểm giữa việc cho nhập khẩu vàng hay không cho nhập khẩu vàng để gia công, cần phải xem xét lợi ích kinh tế chung và lợi ích thị trường vàng cũng như tác động lan tỏa - kéo theo. Nó cũng phụ thuộc quan điểm xem nhập khẩu vàng để phục vụ nhu cầu mỹ nghệ, nữ trang, tích sản..., có tương quan như thế nào với các mặt hàng nhập khẩu không phục vụ đầu vào sản xuất khác, nhưng thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng tiêu sản như xe hơi cao cấp.v.v", một chuyên gia chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm