TP.HCM có phát triển không thể thiếu các tỉnh vùng Tây Nguyên
Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại Hội nghị Hội nghị sơ kết các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Vă Hoan cho biết, vùng Tây Nguyên và TP.HCM là vùng được tổ chức tổng kết công tác phối hợi giữa TP.HCM với vùng đầu tiên sau 10 năm có liên kết phối hợp vào tháng 12/2022. Trải qua 1 năm 4 tháng triển khai thực hiện chương trình hợp tác trong vòng 3 năm của TP.HCM với các tỉnh trong vùng.
Tại Hội nghị triển khai thực hiện các chương trình liên kết, các địa phương đã xác định những công việc cụ thể, những việc cần làm cụ thể của cả vùng, của từng địa phương trong vùng và sự hỗ trợ của TP.HCM với các địa phương. Sau 5 tháng thực hiện, kết quả thu được đã có nhiều khả quan.
Tuy nhiên, ông Hoan nhìn nhận, vẫn còn nhiều điều vẫn chưa đạt như việc, chúng ta đặt vấn đề hợp tác kinh tế rất rõ ràng, nhưng chưa xem trọng việc hợp tác phát triển xã hội của các địa phương trong vùng. Trong khi, nội dung hợp tác rất rộng là hợp tác về kinh tế - xã hội. Do đó, Hội nghị lần này cần thiết xem xét để tăng cường các hoạt động xã hội giữa TP.HCM với các địa phương trong vùng.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, sự chủ động của các địa phương là rất quan trọng, nhưng sự phối hợp có ý nghĩa quyết định. Bởi khi hợp tác mà sự chủ động của một địa phương, nhưng thiếu sự phối hợp của các địa phương khác thì sẽ khó thành công.
“Đến bây giờ, chúng ta nghĩ và tin chắc rằng, chúng ta sống không thể thiếu nhau được. TP.HCM có phát triển, cũng không thể thiếu các tỉnh. Bởi các địa phương vừa là thị trường vừa là nguồn nhân lực, vừa là nguồn nguyên liệu cho sự phát triển của Thành phố. Ngược lại, nếu Thành phố không có được các thị trường đó, không có được nguồn nguyên liệu đó thì Thành phố rất khó phát triển”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, sự phát triển của các địa phương đều có sự liên hệ chặt chẽ, sự hỗ trợ lẫn nhau, thì mới có thể tồn tại và phát triển. Trước đây, khi đất nước vẫn còn bị chiến tranh chia cắt, sự hỗ trợ của vùng Tây Nguyên đối với Thành phố cũng rất quan trọng.
“Đó là cái nôi của Cách mạng, nơi nuôi dấu cán bộ cách mạng, là nơi làm bàn đạp để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Vì thế, chúng ta không thể thiếu nhau là như vậy. Do đó, chúng ta cần phải bàn kỹ hơn về nội dung và phương thức hợp tác để trong thời gian còn lại, từ nay đến cuối năm 2025 sẽ phải hoàn thành tất cả những gì đã cam kết”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh thêm.
Ông Lê Văn Chiến – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh Đắk Nông có vị trí là cửa ngõ phía Nam của vùng Tây Nguyên, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và TP.HCM. Tỉnh Đắk Nông có nhiều tiềm năng và lợi thế về tự nhiên, khoáng sản, đất đai, khí hậu… đây là những thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, sản xuất alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp luyện nhôm quốc gia.
Theo ông Chiến, với sự quan tâm chủ trì và phối hợp chặt chẽ giữa TP.HCM, các tỉnh tây Nguyên và Bình Phước, tỉnh Đắk Nông đã đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành phố, nhằm tăng cường thu hút đầu tư, kết nối giao thương. Hiện nay, tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Phước và các Bộ ngành Trung ương trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường cao tốc Gia Nghĩa – Đắk Nông - Chơn Thành – Bình Phước.
“Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ tạo tiền đề cho sự kết nối vùng Tây Nguyên với TP.HCM cũng như với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ. Qua đó, đến năm 2023 sẽ có tuyến cao tốc phía Tây nối Đắk Nông với các tỉnh trong vùng, đống thời, kết nối với cao tốc Bắc Nam. Bên cạnh đó, dự án này cũng hứa hẹn tạo động lực phát triển, tạo động lực liên kết vùng giữa TP.HCM và vùng Tây Nguyên”, ông Lê Văn Chiến kỳ vọng.
Cũng theo ông Chiến, triển khai thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2025, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch thực hiện rất cụ thể. Trong đó, tập trung triển khai một số nhiệm vụ hợp tác song phương như chuyển giao quy trình ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sàn xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình kinh doanh và sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao sự tham gia và hội nhập của đồng bào dân tộc thiểu số tại nơi làm việc, xây dựng thương hiệu và marketing cho các sản phẩm nông nghiệp, đề xuất 4 đề tài nghiêm cứu về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số lĩnh vực khác.
Trong năm 2024, tỉnh Đắk Nông sẽ phối hợp chặt chẽ với TP.HCM tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tăng cường kết nối cung cầu, thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại mà các bên có lợi thế; Tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trên các lĩnh vực mà Đắk Nông đang còn thiếu; Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội tại các địa bàn khó khăn, biên giới của tỉnh Đắk Nông; Hợp tác kiểm tra, kiểm soát, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa của 2 địa phương; Hỗ trợ chuyển đổi số…
Ông Nguyễn Thiên Văn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh trực thuộc Trung ương, là vùng có diện tích lớn thứ ba cả nước, quy mô dân số chiếm 6,1% dân số cả nước, có địa hình lãnh thổ đa phần là đồi núi, cao nguyên chia cắt bởi núi cao và sông, suối lớn, các cao nguyên chiếm khoảng 36,5% diện tích, diện tích đất rừng lớn (chiếm 21% diện tích đất rừng cả nước) và có tính đa dạng sinh học rất cao, là vùng giàu tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở kết quả tổng kết 11 năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và phát triển KTXH, đảm bảo an ninh quốc phòng các vùng kinh tế trong cả nước; với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế của các bên, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển KTXH của từng địa phương và khu vực; ngày 29/12/2022, lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên đã thống nhất ký kết Bản Thỏa thuận hợp tác phát triển KTXH giữa vùng TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2025.
Trọng tâm hợp tác tập trung vào các lĩnh vực: du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; y tế, giáo dục, nông nghiệp. Đối với tỉnh Đắk Lắk – TP.HCM, thống nhất hợp tác song phương trong phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa; phát triển du lịch.
“Theo Kế hoạch đã ban hành, trước mắt trong năm 2024-2025, tỉnh Đắk Lắk sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp triển khai tốt các lĩnh vực hợp tác trọng tâm theo Bản Thỏa thuận đã ký, tập trung phối hợp hoàn thành 5 nội dung hợp tác song phương giữa hai địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh kết nối, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư vào địa phương góp phần hoàn thành hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực Tây Nguyên và cả nước”, ông Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề xuất một số nội dung định hướng triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024 như sau: Thứ nhất, về phát triển du lịch: Đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch để khai thác tiềm năng du lịch có thể mạnh ở dia phương như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh,...
Thứ hai, về kết nối cung-cầu, xúc tiến đầu tư thương mại: Đầy mạnh hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp của hai địa phương để tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng và thế mạnh của tỉnh Kon Tum (Cao su, cà phê, trái cây. các dược liệu quý); hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư, doanh nghiệp của TP.HCM có năng lực và kinh nghiệm đến tìm hiểu và đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, phát triển đô thị, du lịch, kinh doanh kết cấu hạ tầng vào khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Kon Tum.
Thứ ba, về phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực: Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học; chuyển giao các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu.
Thứ tư, về phát triển y tế, giáo dục: Tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo nhân lực và chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực y tế; chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn trong việc quản lý, cải tiến chất lượng các dịch vụ y tế. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh của tỉnh Kon Tum để được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức và công tác đào tạo nghề chất lượng cao.
Thứ năm, về lĩnh vực Nông nghiệp: Tăng cường hợp tác phát triển trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với nhà máy chế biến sản phẩm và hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu; phát triển các ngành kinh tế nông lâm nghiệp, trồng và phát triển các loài dược liệu quý hiếm như: Sâm Ngọc Linh, Lan Kim tuyến, Đảng Sâm,... xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản.
Có thể bạn quan tâm
Hợp tác phát triển giữa Vietnam Airlines và VNPT
14:34, 25/03/2024
Kết nối và hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn
03:00, 19/03/2024
Các “ông lớn” bất động sản hợp tác phát triển dự án ở Nha Trang
14:44, 18/03/2024
Quảng Ninh: Xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch với Nhật Bản
02:00, 14/03/2024
Quảng Ninh: Thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế với Quảng Tây (Trung Quốc)
01:36, 01/03/2024