Điều chưa biết về kinh tế Trung Quốc
Theo ông Nicholas R. Lardy, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một số quan niệm sai lầm đã củng cố cho sự bi quan về kinh tế của Trung Quốc.
>> Kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi như kỳ vọng?
Từ năm 2021 đến năm 2023, GDP của Trung Quốc đã giảm từ 76% GDP của Mỹ xuống còn 67%. Tuy nhiên, đến năm 2023, GDP của Trung Quốc đã tăng hơn 20% so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch toàn cầu, trong khi GDP của Mỹ chỉ tăng hơn 8%.
Theo ông Nicholas R. Lardy, nghịch lý này có thể được giải thích bởi hai yếu tố. Thứ nhất, trong vài năm qua, lạm phát ở Trung Quốc đã thấp hơn ở Mỹ. Năm 2023, GDP danh nghĩa của Trung Quốc tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng 5,2% của GDP thực tế. Ngược lại, do lạm phát cao nên GDP danh nghĩa của Mỹ năm 2023 tăng 6,3%, trong khi GDP thực tế chỉ tăng 2,5%.
Hơn nữa, FED đã liên tục tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022 lên 5,5%, khiến tài sản bằng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu và nâng cao giá trị của USD so với các loại tiền tệ chủ chốt khác. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản từ 3,70% xuống 3,45%. Khoảng cách ngày càng lớn giữa lãi suất của Trung Quốc và Mỹ đã đảo ngược dòng vốn nước ngoài đổ vào kinh tế Trung Quốc, khiến đồng nhân dân tệ giảm khoảng 10% so với USD. “Việc chuyển đổi GDP danh nghĩa sang USD với tỷ giá hối đoái suy yếu dẫn đến sự sụt giảm giá trị GDP của Trung Quốc tính bằng USD so với GDP của Mỹ”, ông Nicholas R. Lardy nhấn mạnh.
Thứ hai, lãi suất của Mỹ sẽ có xu hướng giảm so với lãi suất ở Trung Quốc, làm giảm động lực của các nhà đầu tư trong việc chuyển đổi đồng nhân dân tệ thành tài sản bằng USD. Kết quả là sự mất giá của đồng tiền Trung Quốc đã bắt đầu đảo ngược. IMF dự báo giá cả tại Trung Quốc sẽ tăng trong năm nay, qua đó thúc đẩy GDP của Trung Quốc tính bằng đồng Nhân dân tệ. Theo ông Nicholas R. Lardy, GDP danh nghĩa của nước này tính bằng USD gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tiến về mức của Mỹ trong năm nay và có khả năng vượt qua nó trong khoảng một thập kỷ tới.
Ông Nicholas R. Lardy cho rằng việc cho rằng thu nhập, chi tiêu hộ gia đình và niềm tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc đều suy yếu là quan niệm sai lầm. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người thực tế của Trung Quốc đã tăng 6%, cao hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng vào năm 2022, khi nước này bị phong tỏa do COVID-19 và mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng 9%.
>> Hé lộ "bí mật" sức mạnh kinh tế xanh Trung Quốc
“Nếu niềm tin của người tiêu dùng yếu, các hộ gia đình sẽ cắt giảm tiêu dùng, thay vào đó sẽ tăng tiết kiệm. Nhưng các hộ gia đình Trung Quốc đã làm điều ngược lại vào năm ngoái: tiêu dùng tăng nhiều hơn thu nhập, điều này chỉ có thể xảy ra nếu các hộ gia đình giảm phần thu nhập của họ sang tiết kiệm”, ông Nicholas R. Lardy nhấn mạnh.
Theo ông Nicholas R. Lardy, quan niệm sai lầm tiếp theo là giảm phát giá cả đã ăn sâu vào Trung Quốc, đẩy nước này vào con đường suy thoái. Giá tiêu dùng chỉ tăng 0,2% trong năm 2023, làm dấy lên lo ngại rằng các hộ gia đình sẽ giảm tiêu dùng trước dự đoán giá vẫn còn thấp hơn, do đó làm giảm nhu cầu và tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra vì chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (loại trừ giá lương thực và năng lượng) đã tăng 0,7%.
Ông Nicholas R. Lardy cho rằng, một quan niệm sai lầm khác liên quan đến khả năng sụp đổ trong đầu tư bất động sản. Dữ liệu về việc khởi công xây dựng nhà ở, số lượng tòa nhà mới bắt đầu xây dựng của Trung Quốc trong năm 2023 chỉ bằng một nửa so với năm 2021. Nhưng phải nhìn vào bối cảnh thực tế. Cũng trong khoảng thời gian hai năm đó, đầu tư bất động sản chỉ giảm 20% do các chủ đầu tư phân bổ phần lớn số tiền đó để hoàn thành các dự án nhà ở mà họ đã bắt đầu trong những năm trước…
Ngoài ra, đến năm 2023, đầu tư tư nhân chỉ chiếm 50% tổng đầu tư ở Trung Quốc. Tuy nhiên, gần như toàn bộ sự sụt giảm tỷ trọng tư nhân trong tổng đầu tư sau năm 2014 là do sự điều chỉnh trên thị trường bất động sản, vốn do các công ty tư nhân thống trị. Khi loại trừ bất động sản, đầu tư tư nhân đã tăng gần 10% vào năm 2023. Mặc dù một số doanh nhân nổi tiếng của Trung Quốc đã rời khỏi đất nước, nhưng hơn 30 triệu công ty tư nhân vẫn ở lại và tiếp tục đầu tư. Hơn nữa, số lượng hộ kinh doanh đã tăng thêm 23 triệu đơn vị vào năm 2023, đạt tổng số 124 triệu doanh nghiệp sử dụng khoảng 300 triệu người.
Theo ông Nicholas R. Lardy, mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời gia tăng dấu ấn kinh tế, đặc biệt ở châu Á.
Có thể bạn quan tâm