Lãi suất, tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024
Những dữ liệu kinh tế, tài chính quý I/2024 hé mở cơ sở cho các dự báo về thị trường vốn nợ và xu hướng lãi suất, tín dụng trong những quý còn lại của cả năm nay.
>>>Cần kích thích khu vực tư nhân “xuống tiền” đầu tư
Lãi suất huy động ở mức thấp nhất lịch sử, lãi suất cho vay giảm chậm
Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động đã giảm mạnh trong năm 2023 với mức giảm bình quân khoảng 4–5%/năm. Đến cuối quý I/2024, theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,1%/năm, tiếp tục giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2023.
Lãi suất cho vay: Cuối năm 2023, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm lãi suất cho vay bình quân 2–2,5%/năm so với đầu năm. Theo NHNN, đến cuối quý I/2024, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm thêm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Chúng tôi nhận định, trong các tháng tiếp theo của năm 2024, các ngân hàng sẽ có thêm thời gian để huy động đủ nhiều ở mức lãi suất thấp và giảm lãi suất cho vay mới xuống mức thấp tương ứng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay chưa thể giảm mạnh một cách đột ngột, do tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng và làm tăng chi phí trích lập dự phòng của các TCTD.
>>>Doanh nghiệp còn khó, nhiều TCTD tăng trưởng dư nợ cao
Tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng cao
Năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13,7%, giảm so với mức 14,5% của năm 2022 và thấp hơn mục tiêu đề ra là 14%-15%. Trong quý I/2024, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ đạt 0,26%, giảm mạnh so với mức 1,99% của quý I/2023.
Nguyên nhân dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm, theo chúng tôi, có 4 yếu tố cơ bản: (i) Doanh nghiệp nhìn chung vẫn thiếu hụt đơn hàng mới nên ít có nhu cầu vay thêm vốn; (ii) Lãi suất chính sách, lãi suất huy động có giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng; (iii) Thị trường gặp khó khăn đã làm cho nhu cầu tín dụng của ngành Bất động sản bị ảnh hưởng; và (iv) Các TCTD thận trọng tăng dư nợ trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Đầu năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%, cao hơn các năm 2022, 2023 và đây cũng là mục tiêu tương đối cao trong vòng 05 năm trở lại đây.
Chúng tôi nhận định rằng, mục tiêu này là rất khó khăn, thách thức, vì các lý do cơ bản sau đây: (i) Nguy cơ lạm phát tăng cao vẫn có thể xuất hiện trong năm 2024; (ii) Dư nợ tín dụng/GDP đã ở mức cao và dư nợ tín dụng đã vượt mức huy động tiền gửi; (iii) Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi trong ngắn hạn; và (iv) Nợ xấu có thể tiếp tục có xu hướng tăng trong năm 2024.
Điểm sáng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo số liệu tổng hợp của Saigon Ratings, hiện nay trên toàn thị trường đang có khoảng 1,24 triệu tỷ trái phiếu doanh nghiệp đang được lưu hành, với khoảng 1,1 triệu tỷ đồng là trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, có khoảng gần 385 nghìn tỷ trái phiếu ngân hàng và số còn lại khoảng hơn 762 nghìn tỷ đồng phát hành bởi các tổ chức phi ngân hàng.
Chúng tôi nhận định, áp lực đáo hạn và rủi ro cao có thể dẫn đến là từ các doanh nghiệp Bất động sản trên thị trường, với giá trị phát hành khoảng hơn 395 nghìn tỷ đồng. Điều đáng quan tâm là áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn trên thị trường, trong các tháng còn lại của năm 2024 và các năm tới đây là rất lớn khoảng 210 nghìn tỷ đồng (2024); hơn 305 nghìn tỷ đồng (2025) và 220 nghìn tỷ đồng (2026).
Trong quý I/2024, các doanh nghiệp đã phát hành thành công khoảng 20 nghìn tỷ đồng, với kỳ hạn từ 3 đến 5 năm và giảm khoảng 30% so với thời gian cùng kỳ năm 2023. Điều đáng lưu ý là, trái phiếu phát hành ra công chúng trong tháng 3 đạt khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4 so với 2 tháng trước đó. Đây là điểm sáng của thị trường từng bước phát triển theo thông lệ thị trường trái phiếu thế giới.
Chúng tôi kỳ vọng, với việc từng bước cải thiện của môi trường vĩ mô sẽ làm tăng các hoạt động đầu tư và nhu cầu huy động vốn dài hạn, đi đôi với các nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn pháp lý cho các dự án Bất động sản trong thời gian tới; đồng thời với việc các Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản và Luật Đất đai mới có hiệu lực thực hiện trong đầu năm 2024, sẽ thúc đẩy cho ngành Bất động sản sớm phục hồi hoàn toàn, từ đó tác động tích cực phát triển kinh tế quốc gia.
Chúng tôi cũng dự báo thị trường trái phiếu trong các quý tiếp theo sẽ sôi động hơn năm 2023, môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ hỗ trợ cho kênh đầu tư trái phiếu và với việc thực hiện Nghị định Chính phủ 65 sẽ tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển chất lượng hơn, ổn định và bền vững trong năm 2024.
Có thể bạn quan tâm