Đà Nẵng đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp?
Đến nay cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi sản xuất chưa phục hồi, thiếu đơn hàng, thị trường bất động sản đóng băng...
Tại kết quả điều tra của Cục Thống kê Đà Nẵng cũng cho thấy chỉ có 26,0% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2023. Có 37,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 37,0% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn hơn.
Chiều giảm của số liệu
Từ nhận định của Cục thống kê Đà Nẵng, nhịp độ tăng trưởng kinh tế quý I/2024 của địa phương có xu hướng chậm lại do một số ngành chiếm tỷ trọng lớn vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn. Cụ thể, sản xuất công nghiệp chưa hoàn toàn phục hồi, thị trường bất động sản trầm lắng, lĩnh vực đầu tư và xây dựng chưa có nhiều điểm sáng...
Theo ghi nhận, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Đà Nẵng (GRDP) quý I/2024 ước đạt 99,17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp giảm 10,7% so với quý trước và tăng 0,5% so với quý cùng kỳ năm 2023. Có đến 9/23 nhóm ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số IIP ở mức âm và nhiều nhất nằm ở cấc doanh nghiệp sản xuất phương tiện vận tải khác (- 77,2%), chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (-48,9%), sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (-25,7%), sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại (-20,2%), sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (-15,4%),...
Khó khăn còn thể hiện rõ trong 03 tháng năm 2024, thành phố Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 824 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 2.904,75 tỷ đồng và có 793 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay lại hoạt động. Tuy nhiên, địa phương cũng đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 160 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, với số vốn đăng ký giảm 593,39 tỷ đồng và có 2.669 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động, tăng 19,6%.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hương Quế cho hay, phía doanh nghiệp cần được địa phương hỗ trợ mặt bằng để mở rộng nhà xưởng sản xuất. Theo vị này, phía công ty đang có gần 100 lao động nhưng chỉ có khoảng 60 nhân công làm việc tập trung tại cơ sở chính.
“Doanh nghiệp vẫn đang chờ địa phương hỗ trợ mặt bằng tại cụm công nghiệp để di chuyển đến và lập nhà xưởng. Hiện nay, việc chúng tôi thuê đất của tư nhân để lập cơ sở sản xuất khiến chi phí sẽ tăng lên rất nhiều, ảnh hưởng đến kinh doanh. Quỹ đất thành phố còn khá nhiều nhưng để doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi tiếp cận được là rất khó”, ông Sơn chia sẻ.
Đà Nẵng đã hỗ trợ thế nào?
Được phân công trả lời, ông Nguyễn Nam Hùng – Phó trưởng phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và Tư nhân (Sở KH&ĐT Đà Nẵng) cho hay thời gian quan địa phương đã có nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn. Song song với đó là hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu ra sản phẩm và thị trường cung cấp nguyên, vật liệu cho các ngành chế biến chế tạo, tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, tham gia, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung.
“Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 15 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được HĐND, UBND thành phố thông qua còn hiệu lực, đang được các sở, ban, ngành triển khai thực hiện”, ông Hùng cho hay.
Mới đây nhất, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 29/3/2024 nhằm hỗ trợ cộng đồng DNNVV giai đoạn 2024-2026. Trong năm 2024, Đà Nẵng sẽ phấn đấu có 4.300 DNNVV mới được thành lập và 13.500 doanh nghiệp trong cả giai đoạn.
Mục tiêu trước mắt, trong năm 2024 Đà Nẵng sẽ hỗ trợ DNNVV hơn 4,2 tỷ đồng để khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Trong cả giai đoạn, TP sẽ hỗ trợ DNNVV hơn 12,1 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ về công nghệ hơn 2,4 tỷ đồng, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hơn 3,5 tỷ đồng, hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị hơn 4,1 tỷ đồng.
Qua kế hoạch, Đà Nẵng sẽ giúp cộng đồng DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư cho phát triển, giải quyết việc làm, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với đó, Đà Nẵng cũng triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù về phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, phát triển công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,... bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV của Trung ương.
Có thể bạn quan tâm