Nhiều kết quả trong thực hiện Dự án triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam
Dự án đã hỗ trợ 90 doanh nghiệp với 663 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại 3 KCN, trong đó, 217 giải pháp được thực hiện, góp phần tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu...cho các DN.
>>>Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần thêm chính sách ưu đãi tín dụng
Nội dung trên được ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nêu tại Hội thảo tổng kết Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”, do Bộ KH&ĐT và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thành Quân cho biết, Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 5/2020 đến nay với nhiều hoạt động liên quan thực hiện tại Bộ KH&ĐT và các địa phương, trong đó tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp (KCN) tại các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai và Cần Thơ.
Trong quá trình triển khai, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid nhưng đến nay, về cơ bản Dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra ban đầu. Cụ thể là: Khuyến khích phát triển và lồng ghép Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) trong thể chế, chính sách; Xác định và triển khai thực hiện các cơ hội KCNST nhằm đem lại lợi ích môi trường, lợi ích kinh tế và xã hội cho doanh nghiệp trong các KCN.
“Là 1 trong 7 quốc gia tham gia Chương trình KCNST toàn cầu, kết quả của Dự án tại Việt Nam được các nhà tài trợ, các đối tác thực hiện và cộng đồng doanh nghiệp tại các địa phương tham gia Dự án đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hạ tầng KCN và doanh nghiệp thứ cấp tham gia Dự án”, ông Lê Thành Quân đánh giá.
Cũng theo ông Quân, Việt Nam đã hình thành một hệ thống các KCN có mặt trên 61 tỉnh, thành trong cả nước với 422 KCN. Tổng kết hơn 30 năm xây dựng và phát triển KCN tại Việt Nam cho thấy KCN là khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Hiện nay, thế giới đang thay đổi rất nhanh. Nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên và các chính sách ưu đãi về thuế đã dần tới hạn; phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đang trở thành xu thế chủ đạo, tất yếu của các quốc gia để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Trong bối cảnh đó, việc phát triển KCN, KKT cần các mô hình mới với các chính sách phù hợp như mô hình KCNST để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
“Dự án là bước tiếp nối của việc triển khai thí điểm KCNST tại Việt Nam từ năm 2015 và tiếp nối chặng đường dài UNIDO hỗ trợ Việt Nam về sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp. Dự án có sự can thiệp ở cả 3 cấp: tầm vĩ mô (về chính sách và khung pháp lý ở cấp quốc gia, vùng và địa phương), cấp KCN (tăng cường năng lực của các tổ chức hỗ trợ phát triển KCNST của quốc gia) và cấp doanh nghiệp (phát triển KCNST và nâng cao năng lực của các KCN và doanh nghiệp KCN)”, Ông Lê Thành Quân chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, với sự hỗ trợ của Dự án, các cách tiếp cận về cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất thông qua nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tuần hoàn dòng nguyên vật liệu và hướng tới xả thải tối thiểu thông qua cộng sinh công nghiệp cũng được phổ biến tới các nhà quản lý và cộng đồng doang nghiệp trong các KCN.
Đến nay, Dự án đã hỗ trợ được 90 doanh nghiệp với 663 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 3 KCN Hiệp Phước (TP. HCM), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng), trong đó 217 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho ccác doanh nghiệp.
Đồng thời, Dự án cũng đã đề xuất thực hiện 41 giải pháp cộng sinh công nghiệp, 13 cơ hội cộng sinh công nghiệp – đô thị cho 5 KCN (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ, Hòa Khánh và Trà Nóc) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
“Dự án góp phần thúc đẩy triển khai mô hình KCNST, phù hợp với Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, các cam kết trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thực hiện KTTH và hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050”, ông Lê Thành Quân đánh giá.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia UNIDO tại Việt Nam cho biết, các KCN tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiện nay, Việt Nam đã có khoảng 420 KCN và con số này còn tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Các KCN đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế - xã hội của Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách và tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng đặt ra những yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có những cam kết quốc tế đầy tham vọng như mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác.
“Có thể nói, công nghiệp hoá và tăng trưởng kinh tế thông qua cách tiếp cận thúc đấy mô hình khu công nghiệp sinh thái góp phần quan trọng để tiến tới các mục tiêu này. Dự án trong 4 năm qua đã hỗ trợ xây dựng khung thể chế và chính sách hỗ trợ các khu công nghiệp chuyển đổi theo hướng KCNST, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, hiệu quả năng lượng và sản xuất sạch hơn, đánh giá tiềm năng và thực hiện cộng sinh công nghiệp”, Bà Lê Thị Thanh Thảo đánh giá.
Đồng thời, bà Thảo nhấn mạnh sự tham gia tích cực của các Bộ ngành, địa phương liên quan; Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế; nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong KCN đã tham gia dự án. Bà cũng tin tưởng những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ dự án sẽ góp phần nhân rộng lan tỏa việc thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái để phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam.
Trong khi đó, bà Sibylle Bachmann - Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án trong việc tạo điều kiện phát triển công nghiệp bền vững và thịnh vượng.
Bà cho rằng, với sự hỗ trợ của Dự án, Việt Nam đã ban hành các quy định liên quan đến quản lý chất thải rắn công nghiệp, tái sử dụng và tái chế nước thải. Đồng thời, bà khẳng định, trong giai đoạn sắp tới, Chính phủ Thụy Sỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua UNIDO trong việc hiện thực hóa các chính sách vào thực tiễn.
Là đại diện cho Chính phủ Thụy Sỹ, một trong những quốc gia luôn đi đầu về đổi mới sáng tạo, bà Sibylle Bachmann nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy sự cam kết của khu vực tư nhân trong đầu tư xanh. Ngoài ra, việc dự án đang xây dựng các tiêu chí và chỉ số của khu công nghiệp sinh thái dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất, sẽ là công cụ thiết yếu để giám sát hoạt động của các khu công nghiệp và KCN sinh thái.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần thêm chính sách ưu đãi tín dụng
04:00, 28/03/2024
Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần tiếp tục hoàn thiện pháp lý
03:00, 24/03/2024
Phá rào cản khu công nghiệp sinh thái
03:30, 16/03/2024
Phát triển khu công nghiệp sinh thái để hút dự án xanh
02:30, 15/03/2024
Xây dựng Khu công nghiệp sinh thái: Cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ
12:00, 30/09/2023