Cà Mau - Điểm đến 2024
Trong năm 2024, ngành Du lịch Cà Mau sẽ tạo những điểm nhấn từ các chương trình du lịch mang màu sắc riêng của địa phương.
Cà Mau đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngoài những giá trị to lớn về lịch sử của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc, Cà Mau còn được thiên nhiên ban tặng những giá trị ít nơi nào có được.
Tiềm năng lớn
Cà Mau có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, rừng đước, rừng tràm bạt ngàn, đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Ðá Bạc tuyệt đẹp, đầm Thị Tường thơ mộng và các di tích văn hoá, lịch sử gắn liền với truyền thống hào hùng của dân tộc.
Cà Mau có 2 hệ sinh thái rừng ngập nước, đó là rừng đước và rừng tràm. Trong đó, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và vùng lõi Vườn Quốc gia U Minh Hạ được công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch cộng đồng…
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có những đột phá trong cách nghĩ, cách làm để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. HÐND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-HÐND ngày 10/10/2023, thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nhiều nội dung quan trọng, bám sát Quyết định số 744/QÐ-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030 và các quy hoạch khác… Ðây sẽ là cơ hội để ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 đã được phê duyệt, đến năm 2025, khu du lịch Mũi Cà Mau sẽ trở thành trọng điểm lớn nhất của tỉnh và là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng ĐBSCL. Đến năm 2030, khu du lịch Mũi Cà Mau đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia.
Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích khoảng 20.100 ha, trong đó, khu vực tập trung phát triển khoảng 2.100 ha. Ðây là khu vực vùng lõi, trung tâm hạt nhân của Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau với các công trình du lịch, trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái rừng ngập mặn. Riêng không gian Công viên Văn hoá du lịch Mũi Cà Mau, điểm nhấn là mốc toạ độ quốc gia GPS 0001; cột mốc đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau, km 2436; bờ kè chắn sóng Mũi Cà Mau; biểu tượng con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi. Ðặc biệt, Cột cờ Hà Nội toạ lạc tại Mũi Cà Mau là biểu tượng của niềm tự hào thống nhất non sông, hướng ra biển Ðông; Ðền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, được xem là cụm công trình thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, một trong những biểu tượng du lịch đầy ý nghĩa của Ðất Mũi Cà Mau.
Tạo điểm nhấn riêng biệt
Trong năm 2024, ngành Du lịch Cà Mau sẽ tạo những điểm nhấn từ các chương trình du lịch mang màu sắc riêng của địa phương. Đặc biệt, Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2024” với nhiều sự kiện hấp dẫn, hướng đến du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Cụ thế, trong tháng 4/2024 sẽ diễn ra Lễ tri ân Quốc tổ, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Tuần lễ sách và văn hóa đọc, ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IV, Ngày hội Bánh phồng tôm gắn với văn hoá ẩm thực Năm Căn và cao điểm nhất là sự kiện “Hương rừng U Minh 2024” được tổ chức vào dịp Lễ 30/4, 01/5. Dự kiến đến cuối năm 2024, Cà Mau sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954 - 2024). Hiện nay, công tác chuẩn bị đang được tập trung thực hiện, với nhiều ý tưởng hay, mới lạ, kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” trong thu hút du khách đến với Cà Mau.
Thông qua chương trình “Cà Mau - Điểm đến 2024”, tỉnh Cà Mau hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương phong phú, đa dạng về tiềm năng, giúp tỉnh khai thác tốt cơ hội, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển du lịch và phát triển thương mại dịch vụ, kích cầu tiêu dùng hàng hoá nội địa, đặc biệt là hàng hoá đặc sản, sản phẩm OCOP.
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, hình ảnh và thương hiệu Cà Mau sẽ tạo thành thế và lực cho du lịch tỉnh. Vì vậy, các địa phương, cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh cần liên kết, nỗ lực mời gọi nhà đầu tư phát triển du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch mới, đặc sắc nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách; đồng thời tăng cường xúc tiến, quảng bá gắn với ứng dụng công nghệ thông tin… để đưa Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện.
Box: [ Năm 2024, Ngành Du lịch Cà Mau dự kiến thu hút 2.350.000 lượt du khách, tổng thu du lịch đạt khoảng 3.480 tỷ đồng. ]
Có thể bạn quan tâm