Chỉ số PAPI năm 2023: Thái Nguyên bứt phá xếp thứ 2 cả nước
Chỉ số PAPI năm 2023 ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục của tỉnh Thái Nguyên với 6/8 chỉ số được xếp vào nhóm "cao", giúp địa phương lên vị trí số 2 toàn quốc với 45,78 điểm.
>>>Thái Nguyên quyết liệt cải cách thủ tục hành chính
Theo ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, là địa phương có chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt điểm cao nhất toàn quốc với 5,90 điểm. Trong đó cả 4 nội dung cấu thành là: Tri thức công dân, cơ hội tham gia, chất lượng bầu cử cơ sở và đóng góp tự nguyện đều đạt điểm cao. Không phải năm 2023 Thái Nguyên mới dẫn đầu cả nước về Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở, mà năm 2020, Thái Nguyên cũng từng xếp thứ 1/63 tỉnh, thành, với 6,216 điểm. Điều này một lần nữa khẳng định những nỗ lực của tỉnh trong xây dựng xã hội dân chủ, người dân được phát huy quyền làm chủ, được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát, được đóng góp và được hưởng thụ.
Một trong 4 nội dung cấu thành Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở là đóng góp tự nguyện. Nội dung này, Thái Nguyên đạt 1,3894 điểm, đứng thứ 2 cả nước sau Bình Thuận. Kiểm chứng thực tế ở Thái Nguyên những năm qua cho thấy, việc tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương đã trở thành phong trào rộng khắp, được toàn dân hưởng ứng. Qua đó, thể hiện nỗ lực của các cấp, ngành trong chỉ đạo, điều hành cũng như sự hài lòng của người dân đối với chính quyền.
Ông Tiến nhấn mạnh, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định cải cách hành chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó công tác cải cách thủ tục hành chính đóng vai trò quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, trách nhiệm người đứng đầu và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã bãi bỏ 633 thủ tục hành chính không cần thiết, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn và trước hạn đạt 99,7%. Trong năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 72 quyết định công bố danh mục TTHC với 1240 danh mục, được cập nhật kịp thời, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Công thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, đơn vị và tại bộ phận "một cửa" của các cơ quan có thẩm quyền.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên, không gian thoáng rộng gần 1.000 m2 được bố trí thành các khu vực có chức năng riêng biệt nhưng vẫn tạo sự kết nối một cách đồng bộ thuận tiện cho người dân đến giao dịch. Máy lấy số xếp hàng được bố trí ngay cửa ra vào để công dân lựa chọn lĩnh vực cần giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống máy tính sẽ tự động thông báo cho công dân khi đến lượt vào làm thủ tục hành chính. Trong khu vực chờ, Trung tâm cũng bố trí các màn hình tra cứu để giúp công dân tìm hiểu về các thủ tục hành chính hiện hành.
PAPI được đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Năm 2023, khảo sát PAPI đạt số lượng phỏng vấn trực tiếp ở mức kỷ lục gần 20.000 người dân trên toàn quốc, trả lời phỏng vấn với hơn 500 câu hỏi về các chính sách và quy định mới. So sánh kết quả khảo sát PAPI năm 2023 với năm 2021 và năm 2022 cho thấy, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và quản trị điện tử được cải thiện. Ngược lại, hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có xu hướng giảm sút. Các chỉ số nội dung còn lại ít có sự thay đổi. Vì vậy, thúc đẩy sự minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp, tiếp tục đổi mới để phục vụ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người dân là cần thiết .
Theo kết quả công bố, tỉnh Thừa Thiên - Huế đứng đầu bảng xếp hạng PAPI 2023 với tổng điểm trên 46,04 điểm. Thái Nguyên xếp vị trí thứ 2 với 45,78 điểm; tiếp theo là Bắc Ninh 45,70 điểm.
Chỉ số PAPI bắt đầu được triển khai từ năm 2009, đây là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Trong suốt 15 năm qua, cả nước đã có 197.779 lượt người dân tham gia đánh giá Chỉ số PAPI. Mục tiêu chính của Chỉ số PAPI là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của người dân tại Việt Nam.
Như vậy có thể nói, Chỉ số PAPI nói chung, Chỉ số thành phần về tham gia của người dân ở cấp cơ sở nói riêng đóng vai trò quan trọng, như một “tấm gương” để các địa phương soi lại tính hiệu quả của công tác điều hành, cung ứng dịch vụ công xem đã làm tốt hay chưa, từ đó có giải pháp phát huy hoặc khắc phục trong các năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
Thái Nguyên: Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp trách nhiệm
15:11, 02/03/2024
Doanh nghiệp, doanh nhân Thái Nguyên - Động lực phát triển kinh tế
20:29, 01/03/2024
Tăng cường sự kết nối giữa Thái Nguyên và Thủ đô Hà Nội
11:28, 27/04/2024