Cơ hội mới cho phụ nữ

ĐÌNH ĐẠI thực hiện 15/04/2024 01:02

Chia sẻ với Doanh Nhân, bà Lê Hồng Thủy Tiên – CEO IPPG đánh giá cao sức mạnh và tiềm năng của công nghệ số trong việc thúc đẩy sự bình đẳng giới và tạo ra cơ hội mới cho phụ nữ.

>>Sức mạnh và sự sáng tạo của doanh nhân nữ

Nữ doanh nhân cho rằng, xóa bỏ được những định kiến nhằm phát huy hết những thế mạnh của nữ giới trong việc điều hành doanh nghiệp, từ đó giúp tạo ra môi trường công bằng và tích cực cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

- Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tạo ra cơ hội mới cho phụ nữ. Quan điểm của bà ra sao?

 Bà Lê Hồng Thủy Tiên – CEO IPPG (giữa) tham gia sự kiện

Bà Lê Hồng Thủy Tiên – CEO IPPG (giữa) tham gia sự kiện "rung chuông vì bình đẳng giới" lần thứ 6 tại Việt Nam.

Tôi cho rằng, đây là một quan điểm đáng giá và có cơ sở. Dưới góc độ làm chủ một doanh nghiệp, tôi đánh giá cao sức mạnh và tiềm năng của công nghệ 4.0 trong việc thúc đẩy sự bình đẳng giới và tạo ra cơ hội mới cho phụ nữ. Cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), robot học, internet vạn vật (IoT), và big data (dữ liệu lớn) là những công cụ tuyệt vời mở ra cánh cửa cho việc làm linh hoạt, khả năng tiếp cận thông tin không giới hạn. Sự phát triển kỹ năng mới cho phụ nữ, đặc biệt là những người tìm cách cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình, công nghệ 4.0 cung cấp các công cụ để họ có thể làm việc từ xa, tự học và phát triển bản thân một cách chủ động.

Bên cạnh đó, giúp giảm bớt những rào cản truyền thống mà phụ nữ thường xuyên phải đối mặt trong môi trường làm việc, như định kiến giới khi tiếp xúc trực tiếp. Thông qua các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội, phụ nữ có thể tạo lập cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trên con đường phát triển sự nghiệp.

Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ đều có cơ hội tiếp cận và tận dụng lợi ích từ công nghệ 4.0 như nhau. Có sự chênh lệch lớn về cơ hội giáo dục, kỹ năng số và truy cập Internet giữa các khu vực đô thị và nông thôn, cũng như giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Do đó, để tối đa hóa lợi ích của công nghệ 4.0 cho phụ nữ, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, tổ chức giáo dục và doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện tiếp cận công nghệ cho mọi người.

 Cuộc cách mạng công nghệ đang tạo ra cơ hội mới cho phụ nữ. Ảnh: T. Lâm

Cuộc cách mạng công nghệ đang tạo ra cơ hội mới cho phụ nữ. Ảnh: T. Lâm


- Vậy, đâu là thách thức lớn mà các nữ doanh nhân phải đối diện trong thời đại công nghệ số hiện nay, thưa bà?

Theo tôi, có 5 thách thức lớn: Thứ nhất, sự phổ cập và tiến triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi doanh nhân nữ phải nắm vững kỹ năng công nghệ để duy trì và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, thường các nữ doanh nhân vẫn chưa chú trọng cập nhật áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý.

Thứ hai, môi trường công nghiệp và công nghệ vẫn đang đối mặt với sự thiếu đa dạng giới tính. Doanh nhân nữ vẫn gặp khó khăn trong việc được chấp nhận và công nhận tương đương với đồng nghiệp nam trong môi trường này.

Thứ ba, sự thiếu hụt mạng lưới và nguồn hỗ trợ các doanh nghiệp nữ về CNTT.

Thứ tư, những doanh nhân nữ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn đầu tư và tài chính cần thiết để phát triển doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi số, do một số hạn chế và định kiến về giới trong thị trường tài chính.

Thứ năm, sự cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc, đặc biệt là khi công nghệ mang lại áp lực làm việc liên tục và từ xa, phải luôn trực tuyến.

Những thách thức này cần rất nhiều sự hỗ trợ, giáo dục và thay đổi văn hóa nhận thức trong xã hội và trong cộng đồng doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển và thành công của nữ doanh nhân trong thời đại công nghệ số.

- Làm thế nào để phát huy được những thế mạnh của nữ giới, đặc biệt là các nữ doanh nhân đang trực tiếp điều hành doanh nghiệp, thưa bà?

Tôi cho rằng, để xóa bỏ được những định kiến nhằm phát huy hết những thế mạnh của nữ giới trong việc điều hành doanh nghiệp, giúp tạo ra môi trường công bằng và tích cực, doanh nghiệp nên thực hiện những mục tiêu sau: Thiết lập chính sách trong doanh nghiệp đảm bảo bình đẳng giới và không chấp nhận bất kỳ hạn chế nào dựa trên giới tính; Cung cấp cơ hội đào tạo và phát triển chuyên sâu cho phụ nữ để họ có thể phát triển kỹ năng cần thiết để điều hành và quản lý doanh nghiệp phù hợp và hiệu quả trong thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc.

Đồng thời, tạo ra môi trường làm việc trong đó phụ nữ không chỉ được đánh giá theo kết quả công việc mà còn được hỗ trợ và khuyến khích tham gia vào các quyết định chiến lược; Cân nhắc và áp dụng các chính sách thăng tiến đi đôi với lợi ích nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong mọi cấp độ của tổ chức;
Bên cạnh đó, tổ chức các sự kiện và chiến dịch quảng bá nhằm chia sẻ câu chuyện thành công của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, tạo động lực cho toàn thể cán bộ nhân viên nữ; Khuyến khích việc xây dựng mối liên kết và mạng lưới giữa phụ nữ trong doanh nghiệp để họ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau. Tổ chức các hoạt động giáo dục và tuyên truyền nhằm thay đổi quan điểm và định kiến về vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo doanh nghiệp và tạo cơ hội để phụ nữ thể hiện khả năng và chứng minh sự đa dạng là lợi ích cho doanh nghiệp.

- Được biết, IPPG là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc trao quyền cho phụ nữ. Những kinh nghiệm mà IPPG đã và đang thực hiện ra sao?

Để thúc đẩy bình đẳng giới, đầu tư nâng cao năng lực và trao quyền cho phụ nữ, HĐTV IPPG đã thông qua nghị quyết và Ban lãnh đạo IPPG đã ký kết bộ nguyên tắc bình đẳng giới với UN Women về việc thực thi bình đẳng giới trong doanh nghiệp, với nhiều điều khoản cũng như chính sách có lợi cho nữ giới như các chính sách và các qui định thăng tiến và chính sách lương thưởng phúc lợi…

Bên cạnh đó, chúng tôi đã thực hiện nhiều Chương trình như: Chương trình đào tạo & phát triển, nhằm giúp nhân viên nữ phát triển kỹ năng và nâng cao năng lực nghề nghiệp; Chương trình khuyến khích lãnh đạo nữ, để phụ nữ có thêm cơ hội thăng tiến lên vị trí lãnh đạo; Chương trình chăm sóc sức khỏe và phúc lợi, nhằm cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và các chương trình phúc lợi gia đình để đảm bảo phụ nữ có điều kiện sống và làm việc tốt;… Tạo sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập trong hoạt động kinh doanh là một phần không thể thiếu trong văn hóa của IPPG trong gần 40 năm kinh doanh và phát triển tại Việt Nam.

Việc được UN women trao giải thưởng hạng mục lãnh đạo cam kết bình đẳng giới cũng như việc ký kết các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ của Liên Hiệp Quốc tại IPPG là một bước quan trọng của chúng tôi nhằm truyền tải thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ hơn với mọi người. Chúng tôi luôn tin rằng “Bình đẳng giới là đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển bền vững và mang lại nhiều lợi ích tích cực cho xã hội”.

Trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Bản lĩnh nữ doanh nhân ngành Điện

    Bản lĩnh nữ doanh nhân ngành Điện

    02:00, 23/03/2024

  • TP.HCM vinh danh nữ doanh nhân xuất sắc

    TP.HCM vinh danh nữ doanh nhân xuất sắc

    11:06, 26/03/2024

  • Nữ doanh nhân với tấm lòng thiện nguyện

    Nữ doanh nhân với tấm lòng thiện nguyện

    01:00, 10/03/2024

ĐÌNH ĐẠI thực hiện