Khơi thông vốn đầu tư xanh ở Đông Nam Á
Công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company cho biết Đông Nam Á cần tăng cường các chính sách cũng như cơ chế tài chính mới để thu hút vốn đầu tư xanh.
>> Trung Quốc giúp gì cho Đông Nam Á trong cuộc đua năng lượng sạch?
Báo cáo thường niên do Bain&Company, nhóm đầu tư xanh GenZero, Ngân hàng Standard Chartered và Temasek cho biết, với mức tiêu thụ năng lượng trong khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 40% trong thập kỷ này, lượng khí thải carbon dioxide vẫn gia tăng, trong đó khu vực này vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo, mặc dù vốn đầu tư xanh ở Đông Nam Á đã tăng 20% vào năm ngoái nhưng vẫn thấp so với con số 1.500 tỷ USD cần thiết trong thập niên này. Lượng khí thải ở 10 quốc gia trong khu vực có thể vượt quá cam kết năm 2030 tới 32% nếu tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại.
Tương tự, báo cáo của Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore và công ty tư vấn McKinsey công bố tháng này cho thấy, Đông Nam Á là khu vực có mức đầu tư thấp thứ hai vào năng lượng tái tạo, chỉ sau khu vực Nam Sahara châu Phi.
Báo cáo này nêu rõ, công suất lắp đặt năng lượng mặt trời hằng năm tại khu vực này cần tăng từ mức 5 GW hiện tại lên 35 GW trong giai đoạn 2030 - 2050 nếu muốn đáp ứng các cam kết đưa phát thải ròng về 0.
Ông Kimberly Tan, Giám đốc điều hành của GenZero nhấn mạnh: "Các quốc gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư bắt buộc phải tăng tốc nỗ lực vì Đông Nam Á vẫn đang đi chệch hướng".
Tại khu vực này, năng lượng sạch chỉ chiếm 10% tổng nguồn cung và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cao hơn khoảng 5 lần so với đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chi phí vốn cao cũng như các quy định về lưới điện và thuế quan không chắc chắn cũng khiến việc cấp vốn cho các dự án tái tạo trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, khoảng 60% các nhà máy nhiệt điện than trong khu vực còn tương đối mới, nghĩa là chúng vẫn bị ràng buộc bởi các thỏa thuận mua bán dài hạn và cam kết hoàn vốn đầu tư, khiến việc hạn chế hoạt động trở nên khó khăn hơn.
Ông Tim Gould, chuyên gia kinh tế trưởng tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho biết: “Có hơn 1 nghìn tỷ USD vốn chưa thu hồi được trong các nhà máy than non trẻ và chủ yếu nằm ở châu Á. Điều này ngăn cản khu vực mở rộng các cơ hội phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, cần có các phương pháp tiếp cận tài chính sáng tạo”.
>> DER sẽ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á
Cho đến nay, chỉ có 4 trong số 10 quốc gia trong khu vực, gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam đạt được tiến bộ trong việc định giá carbon. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần thiết phải có nhiều chính sách và ưu đãi hơn, hợp tác khu vực chặt chẽ hơn và tập trung dài hạn hơn vào các công nghệ đã có thể triển khai.
Tuy nhiên, chuyên gia Kimberly Tan lưu ý, khu vực Đông Nam Á mới bước vào hành trình khử carbon nên vẫn được hưởng lợi từ việc có nhiều đòn bẩy để giảm lượng khí thải hiện nay. Báo cáo khuyến nghị 13 đề xuất đầu tư có thể mang lại doanh thu 150 tỷ USD trước năm 2030, trong đó có đầu tư cho nông nghiệp bền vững và các nhà máy năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Các lĩnh vực này bao gồm cải thiện hiệu quả năng lượng cho các trung tâm dữ liệu và các tòa nhà cao tầng, các dự án năng lượng gió và mặt trời đang vận hành ở quy mô tiện ích; mở rộng cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối điện; cải thiện hoạt động nông nghiệp, xe điện; tăng cường hoạt động bảo tồn thiên nhiên, sản xuất nhiên liệu sinh học từ chất thải, khử cacbon hàng hải và quản lý hoạt động các nhà máy than, nhiệt điện.
"Điều quan trọng là Đông Nam Á phải đưa ra con đường riêng của mình, thiết lập danh mục đầu tư và xác định các cơ hội", ông Dale Hardcastle, Giám đốc Trung tâm Đổi mới của Bain & Company, nhấn mạnh.
Ông nói thêm: "Các nước Đông Nam Á cần tìm hiểu xem họ nên khuyến khích phát triển hoạt động gì và nên khuyến khích như thế nào để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Nếu không có các biện pháp khuyến khích hoặc các chính sách hỗ trợ kịp thời, các công ty sẽ không đầu tư và quá trình chuyển đổi sẽ không diễn ra”.
Trong thời gian gần đây, khu vực này đã chứng kiến một số thay đổi tích cực. Ví dụ, các quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ sự sẵn sàng và quan tâm nhiều hơn đến việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, các bên liên quan đã bắt đầu đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn về tín dụng carbon để giải quyết những lo ngại về tính liêm chính, mở đường thúc đẩy thị trường carbon để tăng quy mô đầu tư vào một số trong 13 lĩnh vực được đề xuất, như bảo tồn thiên nhiên và cải thiện các hoạt động nông nghiệp.
Một số nước đã bắt đầu phát triển các tiêu chuẩn quốc gia riêng biệt về cấp tín chỉ carbon. Tuy nhiên, ông Hardcastle nhấn mạnh, điều quan trọng là phải làm cho các tiêu chuẩn quốc gia này phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
“Tôi nghĩ việc tạo ra các tiêu chuẩn mới và độc lập sẽ tạo ra sự nhầm lẫn trên thị trường và có khả năng hạn chế khả năng thay thế của các khoản tín dụng và vốn sẽ chảy vào thị trường”, ông Hardcastle nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Đông Nam Á có thể thực hiện sáng kiến visa chung
03:00, 15/04/2024
Vốn đầu tư vào startup Việt Nam giảm trong bối cảnh “mùa đông rót vốn” tại Đông Nam Á
10:28, 10/04/2024
Trung Quốc giúp gì cho Đông Nam Á trong cuộc đua năng lượng sạch?
03:30, 10/04/2024
Làn sóng đầu tư đang quay lại các startup Đông Nam Á?
03:30, 08/04/2024
DER sẽ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á
03:00, 14/03/2024