Vì sao doanh thu và lợi nhuận của MPC tiếp tục giảm sút?
Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) - doanh nghiệp đứng đầu ngành xuất khẩu tôm Việt Nam - giảm doanh thu lỗ lợi nhuận khi kết năm 2023.
>>>"Cơn gió ngược" của cổ phiếu ngành tôm
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/4, cổ phiếu MPC tiếp tục đi ngang quanh vùng giá 16.000 đồng/cp. Cổ phiếu của doanh nghiệp này hầu như không có biến động gì trong hơn 01 năm qua.
Tuy nhiên, MPC đã công bố báo cáo thường niên 2023 với nhiều thông tin đáng chú ý. Theo đó, kết quả kinh doanh năm 2023 của MPC thể hiện doanh thu đạt 10.688 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận của công ty giảm 62% còn 1.065 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm 55,6% còn 98 tỷ đồng. Mặc dù các chi phí đều giảm nhưng kết quả trong năm 2023 MPC vẫn lỗ sau thuế 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 839 tỷ đồng, không hoàn thành kế hoạch năm. Đây cũng là lần đầu sau 8 năm MPC báo lỗ.
Theo Ban Lãnh đạo MPC năm 2023, tình hình sản xuất - kinh doanh của MPC gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến thua lỗ hơn 105 tỉ đồng như nêu trên. Các chỉ tiêu về sản lượng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, doanh thu đều giảm hơn 30%. Nguyên nhân thua lỗ theo ông Lê Văn Quang -Tổng Giám đốc MPC, là do dịch bệnh của ngành tôm năm qua đã giáng 1 đòn mạnh cho toàn ngành và MPC không là ngoại lệ. Điều đó khiến cho giá thành nuôi tôm Việt Nam đã cao lại càng cao hơn.
>>>Xuất khẩu thủy sản: Kỳ vọng bứt phá
Thực tế, cách đây hơn 15 năm tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng sản phẩm các nước còn dễ, MPC có thị phần tôm lớn trên các thị trường. Sau đó, nhiều khách hàng như Nhật, châu Âu, Mỹ siết lại tiêu chuẩn, ví dụ là không được có kháng sinh trong sản phẩm tồn, bắt buột MPC phải siết lại, kiểm soát từ khâu thu mua giám sát thu hoạch và vận chuyển về nhà máy. Điều này khiến giá thành tôm MPC đội cao lên. Có thời điểm giá bán tôm MPC bất giờ cao hơn 20-30% các đối thủ khác, dẫn đến thị phần của doanh nghiệp ngày càng giảm…
Trước tình hình này, ngay trong năm 2024, MPC đã đặt ra kế hoạch sản xuất và xuất khẩu được 56.000 tấn tôm, doanh thu 15.805,8 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.021,5 tỉ đồng. Tuy kế hoạch đặt ra là vậy nhưng với tình hình khó khăn hiện nay, nhiều khả năng MPC khó hoàn thành mục tiêu.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 620 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước tăng 26%, còn thị trường Trung Quốc ước tăng hơn 140%.
Mặc dù xuất khẩu tôm trong quý I có tín hiệu lạc quan, song theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, khó khăn của ngành tôm Việt vẫn chưa được khắc phục. Cho đến nay, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh (Warm Frozen Warmwater Shrimp thuộc mã HS: 0306.17, 1605.21 và 1605.29) có xuất xứ từ Việt Nam.
DOC đã ấn định mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với các doanh nghiệp của Việt Nam như sau: 2,84% đối với 1 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc duy nhất và cho tất cả các doanh nghiệp còn lại; 196,41% cho 1 doanh nghiệp bị đơn duy nhất không tham gia vụ việc… Bên cạnh đó, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu vẫn tiếp diễn khi thời điểm hiện nay tại nhiều vùng nuôi, người nuôi tôm không mặn mà dẫn tới giá thu mua tôm của doanh nghiệp ngày càng cao và khó khăn. Điều này có tác động tới doanh nghiệp ngành tôm nói chung và MPC nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
Agribank triển khai 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho ngành lâm, thủy sản
15:57, 01/04/2024
Quảng Ninh: Phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn
01:31, 01/04/2024
Gỡ “thẻ vàng” IUU: Áp lực lớn cho ngành thuỷ sản Việt Nam
03:30, 30/03/2024
Quảng Ninh: Kiên quyết không để nuôi thủy sản trái phép trên Vịnh Hạ Long
00:30, 02/03/2024
Tăng giá trị mới của xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam - Nhật Bản
18:00, 14/03/2024