Đấu thầu vàng miếng và cân đo giải pháp nhập khẩu vàng

NGUYỄN GIANG 18/04/2024 04:00

Chuyên gia cho rằng, ngoài tổ chức đấu thầu vàng miếng, có thể cơ quan quản lý vẫn phải cho phép nhập khẩu một lượng vàng nhất định vì nguồn vàng sản xuất trong nước không nhiều.

>>Giá vàng “nóng bỏng tay” – lo ngại rủi ro từ vàng lậu

IHIHIH

Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất công tác chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trong tuần này để tăng cung cho thị trường và thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đang hoàn tất công tác chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trong tuần này để tăng cung cho thị trường và thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, NHNN mới tổ chức lại các phiên đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường trong bối cảnh giá vàng đang không ngừng leo thang.

Bình luận về nội dung này,  chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đây chỉ là giải pháp mang tính chất cấp bách, không phải là giải pháp căn cơ lâu dài.  Ông Long cho biết, việc tăng cung thông qua đấu thầu vàng của NHNN sẽ tiến hành đến khi nào cân bằng để giảm thiểu mất cân đối cung - cầu, lúc đó giá vàng trong nước sẽ tiệm cận giá vàng thế giới. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, cách tăng cung vàng vật chất để đảm bảo cân đối cung - cầu, kéo giảm chênh lệch giá vàng Việt Nam với giá vàng thế giới chỉ là giải pháp nhất thời, mang tính chất tình thế ngắn hạn, giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt.

Theo ông Long, với giải pháp này trong trung và dài hạn, chắc chắn việc đấu thầu vàng sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế, ngoài ra, còn có thể gây nên nhiều hệ lụy khác. Lý giải về điều này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, hiện nay chúng ta không biết nhu cầu vàng mà người dân cần là bao nhiêu. Bên cạnh đó, nếu NHNN cứ tiếp tục tung vàng ra thị trường như vậy vô hình chung sẽ khiến người dân đổ xô đi mua vàng để đầu cơ.

Cũng theo vị chuyên gia này, theo dự báo của thế giới, xu hướng giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên đến 3000 USD/ounce. Vì thế, người dân sẽ có tâm lý là càng mua sớm bao nhiêu thì càng có nhiều cơ hội đầu cơ kiếm lời bấy nhiều.

Như vậy, nếu tiếp tục tung vàng vật chất ra thị trường sẽ là hình thức khuyến khích, tiếp tay cho người dân đầu cơ vào vàng và có thể sẽ xảy ra tình trạng "vàng hoá” nền kinh tế và đây không phải vấn đề tích cực cho nền kinh tế”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

>>Giá vàng tiếp tục “nhảy múa”, buôn lậu có gia tăng?

IHIHIHIH

Các chuyên gia cho rằng, đấu thầu vàng miếng chỉ là một giải pháp tình thế. Ảnh minh hoạ

Cùng chung nhận định, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cũng cho rằng, đấu thầu vàng miếng chỉ là một giải pháp tình thế. Theo ông Hiển, mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay, tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. “Cho nên, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo”, TS. Đinh Thế Hiển nói.

Vị chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi, tại sao trước năm 2012 (trước khi Nghị định 24 ban hành), thị trường vàng không xảy ra tình trạng này, mà sau khi Nghị định 24 ra đời thì tình trạng này ngày càng nghiêm trọng? Theo ông Hiển, nguyên nhân là trước năm 2012, hàng năm vẫn đều đặn có một lượng vàng nhất định được cung ứng cho thị trường, nên chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế chỉ 1-2 triệu đồng/lượng. Từ khi Nghị định 24 ra đời, thị trường hoàn toàn không được bổ sung nguồn cung mới, trong khi nhu cầu mỗi năm lại tăng. “Cầu tăng trong khi cung không có, nên chênh lệch giá vàng ngày càng bất hợp lý”, TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp căn cơ để thu hẹp chênh lệch giá vàng hiện nay, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, đầu tư, tích trữ vàng là nhu cầu chính đáng của người dân. Do đó theo vị chuyên gia, cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán được nhu cầu vàng của người dân mỗi năm là bao nhiêu. Và muốn như vậy, phải tính toán được giá trị gia tăng của Việt Nam mỗi năm là bao nhiêu và với giá trị gia tăng đó, bao nhiêu có thể được tích lũy ở dạng ngoại tệ hoặc vàng. Từ đó, có thể tính ra được số lượng vàng hợp lý nhập khẩu vào Việt Nam.

Đây cũng là cơ sở để NHNN cấp quota (hạn ngạch) cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nhằm tăng nguồn cung. Đều đặn bổ sung nguồn cung như vậy, chênh lệch cung cầu, chênh lệch giá vàng sẽ giảm dần”, ông Hiển nêu quan điểm.

Cũng bình luận xung quanh câu chuyện này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, đấu thầu vàng không phải là chuyện mới. Năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng, cung ứng gần 70 tấn vàng ra thị trường.

"Tôi cho rằng, lần này, NHNN cũng đang cho vận hành nghiệp vụ này trở lại nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế Việt Nam để qua đó giảm chênh lệch giá giữa trong nước và quốc tế cũng như chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng của các thương hiệu khác”, ông Lực nói.

Dù vậy, ông Lực cho rằng, cơ quan quản lý vẫn phải cho phép nhập khẩu một lượng vàng nhất định vì nguồn vàng sản xuất trong nước không nhiều. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu là bao nhiêu thì các cơ quan quản lý và các bộ ngành có liên quan sẽ phải tính toán để phù hợp với thời điểm hiện tại. Phải làm sao vừa kiểm soát cung cầu, vừa đảm bảo dự trữ ngoại hối của Việt Nam, qua đó góp vào ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô.

Theo dự đoán của chuyên gia này, NHNN đã có các phương án can thiệp thị trường vàng, vấn đề còn lại chỉ là triển khai thực hiện. Với các giải pháp can thiệp thời gian tới, thị trường vàng sẽ dần ồn định.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vàng “nóng bỏng tay” – lo ngại rủi ro từ vàng lậu

    Giá vàng “nóng bỏng tay” – lo ngại rủi ro từ vàng lậu

    11:00, 10/04/2024

  • Giá vàng tiếp tục “nhảy múa”, buôn lậu có gia tăng?

    Giá vàng tiếp tục “nhảy múa”, buôn lậu có gia tăng?

    11:00, 09/03/2024

NGUYỄN GIANG