Kỳ vọng gì từ hợp tác nông nghiệp ASEAN - Trung Quốc?

CẨM ANH 19/04/2024 03:00

Củng cố hợp tác nông nghiệp giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc có thể giải quyết mối lo ngại về an ninh lương thực ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu.

>> Nỗi lo kinh tế ASEAN, Việt Nam có ngoại lệ?

Hợp tác nông nghiệp ASEAN - Trung Quốc

Hợp tác nông nghiệp ASEAN - Trung Quốc có thể giải quyết mối lo ngại về an ninh lương thực khu vực và toàn cầu

Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh việc tăng cường năng suất và nguồn cung nông nghiệp, hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc cũng có thể giúp duy trì thị trường thực phẩm ổn định trong khu vực.

Thương mại nông sản hai chiều đang cho thấy sự bùng nổ trong thời gian gần đây. Từ năm 2000 đến năm 2022, khối lượng xuất khẩu nông sản của Trung Quốc sang các nước ASEAN đã tăng vọt từ 1,52 tỷ USD lên 61 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu lớn nhất của khối.

Các quốc gia Đông Nam Á nằm trong số những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu như dầu cọ, ngũ cốc, đường và gạo sang Trung Quốc. Năm 2022, xuất khẩu nông sản của các nước khu vực sang Trung Quốc đạt gần 37 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc trong năm đó.

Sản xuất nông nghiệp địa phương đóng một vai trò quan trọng ở Đông Nam Á, chiếm hơn 20% GDP ở các nước như Lào và hơn 40% việc làm ở Myanmar và các quốc gia khác. Các ước tính cho thấy khối lượng thương mại song phương, bao gồm cả thương mại nông nghiệp, có thể đạt 100 tỷ USD vào năm 2030.

Theo bà Genevieve Donnellon-May, nhà phân tích châu Á-Thái Bình Dương cho podcast The Red Line, có một số cách để định hình lại quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Chuyên gia này chỉ ra, ASEAN có tiềm năng đáng kể về công nghệ nông nghiệp và chuyển giao công nghệ sinh học. Các dự án nghiên cứu và phát triển chung cũng như các nỗ lực hợp tác khác như thành lập các trung tâm nghiên cứu khu vực có thể mở rộng thị trường cho các sản phẩm công nghệ nông nghiệp Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ các nước Đông Nam Á tăng năng suất nông nghiệp và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, theo bà May, việc mở rộng hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, bao gồm hợp tác trong các hiệp định thương mại tự do song phương hiện có, có thể tạo điều kiện cho thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đồng thời mở đường cho hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực liên quan như giảm nghèo...

Điều này cũng có thể giúp các nước ASEAN xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc và các nước khác thông qua các trung tâm kết nối và hậu cần hiện có. "Làm như vậy có thể giúp xuất khẩu nông sản của Đông Nam Á tiếp cận được các thị trường mới hoặc khó tiếp cận hơn và ngược lại", bà May nói.

Hiện nay, đầu tư nông nghiệp vào các nước ASEAN chiếm 40% tổng đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài. Với việc Bắc Kinh đang tìm kiếm một vai trò mạnh mẽ hơn trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và khu vực, “Con đường tơ lụa thực phẩm” của nước này có thể thúc đẩy hợp tác nông nghiệp mạnh mẽ bằng cách tạo ra các hành lang lương thực hoặc các cơ sở lưu trữ để giảm tổn thất sau thu hoạch.

>> Vốn đầu tư đổ vào năng lượng xanh ASEAN, cơ hội nào cho Việt Nam?

Trung Quốc và ASEAN đã đặt mục tiêu mở rộng thương mại nông nghiệp lên hơn 100 tỷ USD trong 5 năm.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đang ở phía trước. Thời tiết khắc nghiệt thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ mất mùa trên khắp châu Á. Điều này có thể buộc các nước tăng cường sự phụ thuộc vào thị trường toàn cầu trong khi giảm khả năng xuất khẩu. 

Chủ nghĩa dân tộc lương thực cũng là một vấn đề khác cần cân nhắc. Do có một số nước tại châu Á đã tiến hành các biện pháp bảo hộ, các quốc gia ASEAN hoặc Trung Quốc có thể tìm cách tạm dừng hoặc giảm xuất khẩu nông sản, cản trở hợp tác khu vực.

Như nhà ngoại giao Singapore Tommy Koh đã chỉ ra, các quốc gia ASEAN vẫn lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để ép buộc các nước khác đứng về phía mình. Các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông cũng đang làm tăng thêm mối lo ngại của các nước ASEAN về Trung Quốc.

Những thay đổi trong chính sách thương mại nông nghiệp và sản xuất của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại lương thực toàn cầu và khu vực. Sự chuyển hướng sang thương mại liên khu vực có thể tạo ra thách thức với hàng nhập khẩu từ các quốc gia phương Tây.

Mặc dù vậy, xây dựng quan hệ thương mại nông nghiệp liên khu vực mạnh mẽ hơn cũng là một cách hiệu quả giúp giải quyết những lo ngại về an ninh lương thực ngày càng tăng trong bối cảnh môi trường địa chính trị ngày càng rạn nứt, những cú sốc về khí hậu và gián đoạn thương mại.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần thêm

    Cần thêm "chất xúc tác" cho quan hệ Ấn Độ - ASEAN

    03:00, 11/04/2024

  • ASEAN và Australia khai thác tiềm năng hợp tác xanh

    ASEAN và Australia khai thác tiềm năng hợp tác xanh

    04:00, 06/04/2024

  • Vốn đầu tư đổ vào năng lượng xanh ASEAN, cơ hội nào cho Việt Nam?

    Vốn đầu tư đổ vào năng lượng xanh ASEAN, cơ hội nào cho Việt Nam?

    03:00, 28/03/2024

  • ASEAN cần làm gì để thúc đẩy kinh tế số?

    ASEAN cần làm gì để thúc đẩy kinh tế số?

    03:00, 26/03/2024

  • Nỗi lo kinh tế ASEAN, Việt Nam có ngoại lệ?

    Nỗi lo kinh tế ASEAN, Việt Nam có ngoại lệ?

    04:00, 21/03/2024

CẨM ANH