Vì sao chung cư Hà Nội liên tục tăng giá?
Theo các chuyên gia, nguồn cung khan hiếm khiến một số dự án bị đẩy vượt quá giá trị thật song giá chung cư Hà Nội sẽ không thể mãi tăng khi nguồn cung mới được cải thiện.
>>Vay mua căn hộ chung cư ở ngân hàng nào có lợi nhất?
Trước làn sóng tăng giá chung cư Hà Nội trong 3 tháng đầu năm 2024, vừa qua Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội vào cuộc kiểm kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản, đặc biệt các dự án chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.
Tăng nguồn cung, giảm áp lực về giá
Trao đổi với DĐDN, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, nhìn nhận người Hà Nội rất nhanh nhạy đối với các cơ hội đầu tư bất động sản. Hiện tại nhu cầu ở thực tại Thủ đô còn rất lớn. “Chúng tôi thấy rằng luôn có cơn sốt về nhu cầu nhà ở, đặc biệt là ngôi nhà đầu tiên”, CEO Cushman & Wakefield cho biết.
Bà Trang cũng cho rằng một trong những lý do khiến giá trung bình của chung cư tại Hà Nội tăng là bởi sự xuất hiện của một số dự án siêu sang, khiến giá bình quân tăng chứ không phản ánh toàn bộ thực trạng, diễn biến toàn thị trường.
“Tôi không nghĩ giá chung cư Hà Nội sẽ tiếp tục tăng vượt bậc mỗi năm nữa. Vì thời gian qua, sự tham gia, chào bán của phân khúc siêu sang đã đẩy giá trung bình lên, trong khi lượng mở bán ít hơn. Trong tương lai sẽ có nhiều đô thị, dự án được mở ra, làm cho nguồn cung tăng sẽ giảm áp lực về giá”, bà Trang Bùi dự báo.
Ở cương vị chủ đầu tư dự án bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP. Invest cũng cho rằng, giá chung cư tại Hà Nội tăng thời gian qua xuất phát từ việc nguồn cung khan hiếm, nguyên nhân hiện nay các dự án đều ách tắc về vấn đề pháp lý.
Ông Hiệp cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, chỉ có 30 dự án ra hàng, so với tốc độ trước đó là rất ít, thậm chí ngay cả TP. HCM chỉ có 1 dự án được phê duyệt.
"Tôi cho rằng, giá chung cư hiện tại phản ánh không đúng giá trị thật”, ông Hiệp nhấn mạnh và viện dẫn có những dự án sau khi tính toán các chi phí để chủ đầu tư triển khai như tiền thuê đất, nguyên vật liệu, nhân công… cũng không đến mức giá đó.
>>Lo ngại "bong bóng" chung cư
Bài toán nguồn cung giải ra sao?
Theo bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, trước những diễn biến leo thang về giá, một số dự án đã được đẩy giá vượt quá giá trị thực tế, nếu giá còn tăng, người mua sẽ xem xét bài toàn tài chính của mình.
Trong khi nhu cầu ở thực vẫn chiếm tỷ trọng chính, nếu giá tiếp tục đẩy lên cao, người mua có thể cân nhắc và lựa chọn phương án thuê chung cư nội đô, hoặc chấp nhận dịch chuyển nhu cầu tới nguồn cung tại các tỉnh lân cận Hà Nội có giá hợp lý.
Một phương án khác được chuyên gia chỉ ra là người mua nhà với nhu cầu ở thực có thể chọn lựa nguồn cung tại những địa phương lân cận như Hưng Yên hay Bắc Ninh, vùng vành đai 4 hoặc vành đai 3,5, nhờ vào sự phát triển cơ sở hạ tầng. Hạ tầng vẫn là đòn bẩy quan trọng nhất trong việc thay đổi cấu trúc giá trị của thị trường nhà ở.
Trong khi đó, theo Chủ tịch GP. Invest, khi các luật được đồng bộ với nhau, dự án bất động sản sẽ được tiến hành nhanh hơn, “bệnh sợ trách nhiệm” của cán bộ liên quan cũng giảm đi, các quyết định cho thuê đất, giao đất sẽ sớm hơn, từ đó tạo ra thêm nhiều nguồn cung hơn. Khi nguồn cung dồi dào, câu chuyện đẩy giá vô tội vạ sẽ không còn, những méo mó đang tồn đọng của thị trường bất động sản hiện nay cũng sẽ giảm bớt.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, giải pháp hạ nhiệt giá chung cư cấp thiết hiện nay là cần đẩy mạnh phê duyệt các dự án mới, để tăng nguồn cung.
“Khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua, cần sớm có giải pháp thúc đẩy để có dự án ra hàng. Bên cạnh chú trọng phát triển các nhà ở xã hội, cần ưu tiên các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Chỉ cần có vài nghìn căn nhà ở xã hội hay nhà thương mại giá rẻ đẩy vào thị trường, lập tức giá chung cư sẽ hạ nhiệt ngay”, ông Đính nói.
Trong khi đó, Tổng giám đốc EZ Property Phạm Đức Toản khẳng định: “Giá chung cư sẽ lập tức giảm 40% nếu Nhà nước đưa ra chủ trương lớn để các doanh nghiệp tham gia xây dựng một đại đô thị lớn ở ngoại ô thành phố như Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín (Thanh Trì)… với số lượng vài chục nghìn căn hộ”.
Có thể bạn quan tâm
Vay mua căn hộ chung cư ở ngân hàng nào có lợi nhất?
09:36, 16/04/2024
Lo ngại "bong bóng" chung cư
17:14, 14/04/2024
“Nội chiến" chung cư: Cần cụ thể hoá chế tài
03:00, 12/04/2024
"Mở lối" pháp lý cho cải tạo chung cư cũ
17:38, 11/04/2024
“Nội chiến" chung cư: Vai trò của chính quyền còn mờ nhạt
03:20, 11/04/2024