"Cơn gió thuận" với ngành điện gió toàn cầu

TRƯỜNG ĐẶNG 20/04/2024 03:30

Ngành điện gió đã đạt được thành công lớn nhất trong năm 2023, với số lượng lắp đặt tăng tới 50% so với cùng kỳ năm 2022. Vậy triển vọng ngành này sẽ ra sao?

Năm 2023, công suất lắp mới của điện gió cao kỷ lục

Năm 2023, công suất lắp mới của điện gió cao kỷ lục

Tính chung, điện gió đã đóng góp thêm vào lưới điện toàn cầu 117 GW trong năm ngoái – một con số cho thấy thế giới đang tích cực ra sao trong việc tìm ra các giải pháp kinh tế bền vững nhằm chống biến đổi khí hậu.

>>Việt Nam được đánh giá thế nào về đầu tư xanh ở Đông Nam Á?

Theo dữ liệu mới công bố của GWEC, một tổ chức thúc đẩy năng lượng gió quốc tế, nhờ có 117 GW lắp đặt điện gió mới, công suất điện gió tích lũy toàn cầu đã vượt mốc 1 TW đầu tiên vào năm 2023, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên thị trường điện gió trên đất liền, 106 GW đã được đưa vào lưới điện vào năm ngoái, tăng trưởng 54% so với cùng kỳ năm trước đó. Cột mốc quan trọng này đánh dấu lần đầu tiên hơn 100 GW công suất điện gió mới trên bờ được lắp đặt trên toàn thế giới trong vòng một năm.

5 cường quốc điện gió hàng đầu là ai?

Ở cấp quốc gia, Trung Quốc và Mỹ vẫn là hai thị trường lớn nhất thế giới về bổ sung điện gió trên bờ, tiếp theo là Brazil, Đức và Ấn Độ. Cùng với nhau, 5 thị trường hàng đầu này chiếm 82% tổng số lắp đặt các dự án điện gió mới trên toàn cầu vào năm 2023, cao hơn 9% so với năm 2022.

Sau 2 năm tăng trưởng tương đối thấp, công suất lắp đặt điện gió trên bờ ở Trung Quốc đã phục hồi trở lại vào năm 2023 với hơn 69 GW được đưa vào vận hành, một kỷ lục mới. Tại Hoa Kỳ, sau giai đoạn hào hứng của các nhà phát triển, chỉ có 6,4 GW công suất gió trên bờ được bổ sung trong cả năm, mức thấp nhất kể từ năm 2014. Nhưng tổng cộng Mỹ vẫn có gần 144 GW điện gió trên bờ.

Tổng công suất bổ sung điện gió trên bờ ở Bắc Mỹ đã giảm xuống còn 8,1 GW vào năm ngoái, thấp hơn 16% so với năm 2022. Sự sụt giảm này chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng thị trường điện gió lớn thứ hai thế giới – Hoa Kỳ chậm lại.

Ở cấp độ khu vực, Châu Á Thái Bình Dương và Châu Mỹ Latinh đã có những năm kỷ lục với công suất điện gió trên bờ được bổ sung lần lượt hơn 75 GW và 6 GW, chủ yếu là do sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc và Brazil.

Những bổ sung mới ở Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông không vượt qua kỷ lục của năm ngoái. Tuy nhiên, cả hai khu vực vẫn trải qua năm tăng trưởng thứ hai về số lượng lắp đặt điện gió mới trên bờ.

Tại thị trường điện gió ngoài khơi, 10,8 GW điện gió ngoài khơi mới đã được đưa vào vận hành trong năm 2023, nâng tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu lên 75,2 GW. Lượng điện gió ngoài khơi được bổ sung cao hơn 24% so với năm 2022, khiến năm 2023 trở thành năm cao thứ hai về công suất điện gió ngoài khơi mới.

>>Khơi thông vốn đầu tư xanh ở Đông Nam Á

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về phát triển điện gió ngoài khơi hàng năm trong năm thứ sáu liên tiếp với 6,3 GW được đưa vào hoạt động vào năm 2023, chiếm 58% lượng bổ sung toàn cầu và nâng tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi lên 38 GW, cao hơn 3,7 GW (11%) so với châu Âu.

Ở những nơi khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, ba thị trường đã đưa vào vận hành công suất điện gió ngoài khơi mới vào năm ngoái là Đài Loan (Trung Quốc) (692 MW), Nhật Bản (62 MW) và Hàn Quốc (4 MW).

Cũng nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Hà Lan, Châu Âu đã có thêm 3,8 GW công suất điện gió ngoài khơi vào năm ngoái. Điều này đã nâng tổng công suất điện gió ngoài khơi của châu Âu lên 34 GW vào cuối năm 2023, trong đó 43% ở Anh và 24% ở Đức.

Triển vọng tích cực

Theo GWEC, việc đưa mục tiêu toàn cầu tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030 tại COP28 là điều chưa từng có và mang tính lịch sử đối với điện gió và các công nghệ năng lượng tái tạo khác.

Trung Quốc, Mỹ và châu Âu vẫn sẽ là những trụ cột của ngành năng lượng gió toàn cầu

Trung Quốc, Mỹ và châu Âu vẫn sẽ là những trụ cột của ngành điện gió toàn cầu

Do đó, ngành năng lượng điện gió đang ngày càng trở nên lạc quan hơn về tốc độ tăng trưởng. Với môi trường chính trị thuận lợi trên toàn cầu, GWEC Market Intelligence tin rằng 791 GW công suất điện gió mới có thể sẽ được bổ sung trong 5 năm tới theo các chính sách hiện hành. Con số này tương đương với 158 GW công suất lắp đặt mới mỗi năm cho đến năm 2028.

Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của điện gió trên bờ trong 5 năm tới là 6,6%, với công suất lắp đặt trung bình hàng năm được kỳ vọng là 130 GW. Theo đó, tổng cộng 653 GW có thể sẽ được bổ sung vào giai đoạn 2024-2028. Trong đó, tăng trưởng ở Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ được dự báo sẽ vẫn là trụ cột cho sự phát triển điện gió trên bờ toàn cầu trong 5 năm tới (ước tính cả 3 có thể chiếm hơn 80% tổng công suất điện gió toàn cầu được lắp đặt trong giai đoạn này).

Trong khi đó, CAGR của điện gió ngoài khơi trong 5 năm tới là 28%. Tổng cộng, 138 GW công suất gió ngoài khơi dự kiến sẽ được bổ sung trên toàn thế giới từ năm 2024-2028.

Việc bổ sung điện gió ngoài khơi hàng năm có khả năng tăng gấp ba lần vào năm 2028 so với mức năm 2023, nâng tỷ lệ lắp đặt điện gió mới trên toàn cầu từ 9% hiện nay lên 20% vào năm 2028. Tại đó, Trung Quốc và Châu Âu được cho vẫn sẽ tiếp tục thống trị mức tăng trưởng điện gió trong giai đoạn này, trước khi vai trò của Hoa Kỳ và các thị trường mới nổi ở Châu Á – Thái Bình Dương trở nên rõ rệt hơn từ 2026, GWEC dự đoán.

Việt Nam cũng đang là quốc gia tích cực nhất trong thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng các mục tiêu Net Zero. Theo quy hoạch điện VIII, tới năm 2030, Việt Nam sẽ có 21,8 GW điện gió trên bờ (gấp 4 lần công suất lắp đặt vào cuối 2023). Với điện gió ngoài khơi, nước ta kỳ vọng sẽ có 6 GW vào năm 2030, tầm nhìn lên tới 70 - 91,5 GW vào năm 2050, chiếm tỷ trọng lần lượt là 4% và 14,3 - 16% trong tổng cơ cấu năng lượng.

Tuy nhiên, đầu tư trong lĩnh vực điện gió tại Việt Nam vẫn có chi phí khá lớn, ước tính trung bình khoảng 2 triệu USD đầu tư cho mỗi 1MW. Bởi vậy, với mục tiêu năm 2030 có tổng cộng gần 28 GW điện gió, số vốn đầu tư có thể lên tới 56 tỷ USD – một con số khổng lồ. 

Có thể bạn quan tâm

  • Thỏa thuận xanh EU: Doanh nghiệp cần đẩy mạnh thích ứng

    Thỏa thuận xanh EU: Doanh nghiệp cần đẩy mạnh thích ứng

    02:00, 19/04/2024

  • Việt Nam được đánh giá thế nào về đầu tư xanh ở Đông Nam Á?

    Việt Nam được đánh giá thế nào về đầu tư xanh ở Đông Nam Á?

    04:00, 18/04/2024

  • Việc làm xanh: Xu hướng mới của châu Á

    Việc làm xanh: Xu hướng mới của châu Á

    03:30, 13/04/2024

  • Khơi thông vốn đầu tư xanh ở Đông Nam Á

    Khơi thông vốn đầu tư xanh ở Đông Nam Á

    03:00, 16/04/2024

  • Mỹ - Trung

    Mỹ - Trung "bắt tay" kiểm soát kinh tế xanh?

    04:00, 08/04/2024

TRƯỜNG ĐẶNG