Quảng Trị: Nỗi oan khuất của một con đường
Con số thống kê có vẻ ủng hộ việc phân luồng xe tải trọng lớn từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn về qua Đông Hà. Nhưng, sức khỏe, tính mạng người dân Quảng Trị cho thấy điều đau xót!
Trong vô vàn sự mất mát trên cuộc đời này không gì quằn quại hơn tai nạn giao thông, là cú sốc kinh khủng nhất với mọi gia đình, người thân của nạn nhân; cái chết có thể là hết nhưng vô vàn hệ lụy dai dẳng có thể làm bần cùng hóa một gia đình, dòng họ.
>>Lương tri dưới tấm thảm nhựa đường
Tại Quảng Trị đang nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề nên hay không cấm xe tải trọng lớn lưu thông trên con đường gọi là “cao tốc Cam Lộ - La Sơn” sau khi xảy ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông ở mức độ “đặc biệt nghiêm trọng”.
Đúng tiến độ, ngày thông xe cao tốc (31/12/2022) tại điểm đầu Cam Lộ, dân Quảng Trị mừng vui khôn tả, vì lần đầu tiên địa phương cảm thấy nở mày nở mặt với anh em chúng bạn cả nước - kỳ vọng sự đột phá về hạ tầng đưa Quảng Trị thoát khỏi nghèo khó.
Vậy mà niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu con đường đã bộc lộ bất cập, thiết kế 2 làn xe không có phân cách cứng, thỉnh thoảng có điểm vượt 4 làn dài 2km, tạo ra “nút cổ chai” khi nhập làn với tốc độ rất cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến một gia đình ở Nghệ An mất đi 3 người oan nghiệt, rúng động cả nước.
Đầu năm 2024 đến nay, tai nạn liên tục xảy ra như điềm báo xấu. Để giải quyết tình trạng này từ ngày 4/4 Cục đường bộ Việt Nam đã cấm xe khách 30 chỗ, xe giường nằm, xe tải từ 6 trục chạy trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Thế là quốc lộ 1A đoạn qua Thành phố Đông Hà, thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong), thị xã Quảng Trị trở lại với danh xưng không ai muốn “đại lộ kinh hoàng”. Xe siêu trường siêu trọng, xe cá nhân, phương tiện thô sơ, người đi bộ,… như cuốn lấy nhau và chỉ một sơ xẩy thôi là mạng người… đi về nơi xa lắm!
Y như rằng, hơn 1 tuần khi lệnh cấm xe trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn có hiệu lực, một chiếc container đã gây tai nạn trong nội đô thị xã Quảng Trị khiến 1 người tử vong. Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ tai nạn thương tâm nhiều năm qua, gây tổn thất, đau thương cho người dân Quảng Trị.
Chính quyền, dân biểu và người dân Quảng Trị đã lên tiếng! Vì cấm xe trên cao tốc chẳng khác gì đẩy rủi ro từ nơi này sang nơi khác. Và, nhà chức trách đã nảy ra phương án để chứng minh: Trong các ngày 15,16 và 17/3/2024 đã tổ chức đếm xe.
Đối với cao tốc Cam Lộ - La Sơn, trung bình 1 ngày đêm 4.216 lượt xe, trong đó xe trọng tải nặng chiếm 49,2%, riêng xe tải hạng nặng chiếm 44,44% tổng số xe lưu thông. Tính toán quy đổi cao tốc này đã đạt đến giới hạn năng lực thông hành.
Với quốc lộ 1A, đoạn qua Quảng Trị, số liệu thu thập tại trạm Đông Hà là 17.278 xe/ngày đêm. Tỷ lệ xe tải nặng chiếm 37%, xe tải trên 18 tấn chiếm 11%. Đơn vị này kết luận: Quốc lộ 1A chưa mãn tải - vẫn còn năng lực để tiếp nhận thêm 6000xcqđ/ngày đêm.
Thì rằng, con số thì không biết nói dối, tiêu chuẩn kỹ thuật lượng hóa đều dựa trên cơ sở nào đó. Tuy nhiên, con số, kết quả tính toán là vô tri vô giác, bản thân “nó” làm sao có “cảm xúc”, làm sao biết “yêu thương”, “đau khổ”,…nếu những người tạo ra “nó” không xuất phát từ lợi ích cộng đồng!?
Đoạn quốc lộ 1A từ Tp Đông Hà đến Tx Quảng Trị chưa đầy 20km có hàng chục nghìn người dân sống hai bên đường với hàng trăm điểm giao cắt; rất nhiều trường học, chợ, cơ quan nhà nước, nhà máy xí nghiệp,…liên quan trực tiếp đến tình hình giao thông, nhất là giờ cao điểm. Nhìn trực quan vẫn dễ thấy đâu đâu cũng tiềm tàng nguy cơ tai nạn, thương vong.
>>Quảng Trị sẽ vươn lên trong “thiên thời, địa lợi”
Trong khi đó toàn tuyến đường “đặc chủng” cao tốc Cam Lộ - La Sơn chạy qua vùng đồi núi, sóng GPS, điện thoại lúc có lúc không huống chi là người! Liệu Cục đường bộ đã xem xét thấu đáo trước khi ra quyết định? Bởi, số liệu khô khan và tiếng kêu khẩn thiết của nhân dân, dư luận - cái gì đáng giá hơn?
Một người làm chuyên môn như Thượng tá Hoàng Văn Trung, Trưởng phòng CSGT tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Cục đã có quyết định quá vội vàng khi tổ chức phân luồng, mang tính cưỡng chế”. Ông Trung phân tích: “về cơ sở chính trị chưa đảm bảo; cơ sở khoa học chỉ dựa vào mật độ phương tiện tham gia giao thông chứ chưa phân tích nguyên nhân gây tai nạn giao thông”.
Thấy khó là cấm hay nghĩ cách quản lý? Điều mà chúng ta hay mắc phải khi đối diện với vấn đề mới phát sinh. Truyền thông, giáo dục văn hóa giao thông bị xem nhẹ; hiểu về cao tốc chưa tới nơi tới chốn. Đến cao tốc “xịn” như Mỹ cũng chỉ 70-120km/h, đường Great Ocean Road ở Úc tối đa 100km/h. Người Lào còn có tính thiên bẩm nhường nhịn nhau khi ra đường.
Nhưng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, giá như Quảng Trị không quá chậm trễ hoàn thành tuyến đường tránh Tp Đông Hà, giá như BOT Trường Thịnh không án ngữ ngay yết hầu giao thông khiến toàn bộ phương tiện phải đi qua đó, giá như các vị lãnh đạo địa phương mấy nhiệm kỳ trước đủ “tâm - tầm” thì đâu đến nỗi hôm nay - Tp Đông Hà - “trái tim” của Quảng Trị phải rỉ máu.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nâng cấp mở rộng 5 tuyến cao tốc
15:29, 22/04/2024
Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng
11:22, 21/04/2024
Đẩy nhanh tiến độ dự án đường nối cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu
03:05, 21/04/2024
Kỳ vọng cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành
10:59, 20/04/2024
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Vì sao khó giải phóng mặt bằng?
00:01, 14/04/2024