Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn “Bạn xử lý khó khăn trong công việc thế nào?”

ĐẶNG HẢO 23/04/2024 09:00

Câu hỏi về cách vượt qua khó khăn sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá được kỹ năng xử lí tình huống của bạn.

Với câu hỏi này, không đơn giản là kể lại tình huống bạn đã trải qua mà làm thế nào đưa ra câu trả lời thực sự ấn tượng, qua đó chia sẻ được “câu chuyện” vượt khó và thể hiện được sự thông minh, chủ động của bản thân.

Cùng tham khảo một số gợi ý sau đây nếu bạn chuẩn bị tham dự buổi cuộc phỏng vấn quan trọng khi tìm việc ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội… nhé.

Chia sẻ một vài tình huống khó khăn cụ thể mà bạn đã gặp phải

Nhà tuyển dụng thích nghe câu chuyện thực tế mà ứng viên đã gặp phải thay vì đi sưu tầm ở đâu đó. Do đó bạn nên kể một đến hai tình huống khó khăn cụ thể đã gặp trong công việc. Những tình huống khó khăn đó có thể là vì lí do khách quan hoặc chủ quan về một sự cố, một thử thách công ty đặt ra cho nhân viên hoặc là tình trạng khó khăn xảy ra trong toàn ngành mà công ty trước đây của bạn cũng đang trong tầm ảnh hưởng...

Chẳng hạn như trong một trường hợp khẩn cấp, bạn được giao làm trưởng nhóm tạm thời để hoàn thành một dự án mà trong đó các thành viên không đoàn kết; hoặc cấp dưới không “phục” khi làm việc dưới quyền của bạn. Bạn đã làm gì để tăng lòng tin với mọi người nhằm tạo nên một tập thể đoàn kết làm việc hết công suất nhằm đạt hiệu quả tốt cuối cùng?

Hoặc bạn cũng có thể đề cập khó khăn trong việc thiếu thốn trang thiết bị, phần mềm bị lỗi, máy móc hư hỏng khi công việc đang cấp thiết, khó khăn về khan hiếm nguồn hàng, tìm kiếm khách hàng… trong tình huống đó bạn và mọi người cùng nhau đưa ra giải pháp như thế nào để khắc phục, đảm bảo hiệu suất công việc?

Lưu ý là những tình huống bạn đề cập có liên quan đến tính chất hay môi trường làm việc ở công việc mới để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Đưa ra giải pháp chi tiết vượt qua khó khăn

Sau khi đề cập đến tình huống, bạn cần đưa ra giải pháp để vượt qua. Đây là phần quan trọng nếu bạn không chắc chắn mình trả lời suôn sẻ thì nên luyện tập kỹ nội dung và cách diễn đạt trước khi đến tham dự phỏng vấn.

Bạn cần giải thích với nhà tuyển dụng lí do bạn suy nghĩ và chọn đưa ra giải pháp như thế nào vào thời điểm ấy. Bạn không nên trả lời một cách chung chung, lòng vòng mà cần dựa vào tình huống thực tế để chia sẻ.

Với phần này bạn lưu ý nên giữ thái độ lạc quan, vui vẻ đón nhận khó khăn như là điều tất yếu trong công việc; tuyệt đối tránh than thở, biểu lộ sự chán nản, trách móc hay đổ lỗi.

Chia sẻ về kết quả tốt đã đạt được

Sau khi nói về khó khăn và giải pháp, bạn cần chia sẻ về kết quả đã đạt được. Tất nhiên là bạn cần chọn thành quả tốt để “khoe” ra với nhà tuyển dụng. Bạn đã dùng sự thông minh, sáng tạo và ra quyết định khi cần thiết để tìm giải pháp khắc phục khó khăn như thế nào. Thành quả cuối cùng là…, và đó là niềm tự hào giúp bạn mang lại lợi ích cho công ty và cho chính mình.

Ngoài ra, đừng quên ghi nhận sự đóng góp công sức của những người đồng đội hỗ trợ hay vị cấp trên nào đã tạo điều kiện cho bạn nếu như họ có đóng vai trò quan trọng vào thành quả này.

Lưu ý, bạn nên nói thật cụ thể, có thể dùng số liệu chứng minh hoặc là kể ra các lợi ích mà công ty đã đạt được.

Bài học kinh nghiệm

Sau khi trả lời về khó khăn, đưa ra giải pháp và đạt được hiệu quả tốt, bạn nên chia sẻ với nhà tuyển dụng về những trải nghiệm, kinh nghiệm bản thân rút ra sau đó.

Bài học kinh nghiệm chính là “chất liệu” thực tiễn quý giá cho những tình huống về sau. Bởi vì nếu đã từng vượt qua những tình huống khó khăn đó và biết cách đưa ra giải pháp thì khi làm việc trong môi trường mới, bạn sẽ đủ bản lĩnh và sự nhạy bén để làm tốt hơn. Ví dụ, bạn chia sẻ bài học kinh nghiệm theo hướng lạc quan như coi khó khăn là cơ hội để kiểm tra kỹ năng xử lí tình huống và tư duy của bản thân như thế nào… Sau khi trải qua và đã khắc phục tốt, bạn xem nó như “bước đệm” để nâng cấp bản thân vững vàng và bản lĩnh hơn.

Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao ứng viên có kỹ năng xử lí tình huống tốt, biết cách vượt qua các trở ngại để mang lại hiệu quả công việc tốt. Bởi vì những người này có khả năng sẽ là đội ngũ nhân viên tiềm năng trong tương lai: năng động, linh hoạt và có tính độc lập cao. Hi vọng với những gợi ý này, bạn sẽ biết cách để thể thiện bản thân và sớm nhận được công việc mong muốn. 

Có thể bạn quan tâm

  • Tránh 8 lỗi viết thư ứng tuyển này để tăng cơ hội phỏng vấn

    Tránh 8 lỗi viết thư ứng tuyển này để tăng cơ hội phỏng vấn

    08:00, 11/10/2023

  • 5 lưu ý khi phỏng vấn xin việc theo hình thức nói chuyện

    5 lưu ý khi phỏng vấn xin việc theo hình thức nói chuyện

    08:00, 15/02/2023

  • 5 lý do nên viết thư cảm ơn sau phỏng vấn dù bị từ chối

    5 lý do nên viết thư cảm ơn sau phỏng vấn dù bị từ chối

    08:36, 09/06/2022

ĐẶNG HẢO