Quảng Nam: Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản xin trả dự án
Sau nhiều năm triển khai đầu tư tại Quảng Nam nhưng không có kết quả, loạt doanh nghiệp đã có ý kiến với địa phương về việc trả dự án, lấy lại tiền ký quỹ đã nộp ngân sách.
>>Quảng Nam: Yêu cầu hướng dẫn giao đất, cho thuê đất các trường hợp đang vướng mắc
Theo tìm hiểu, vào năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương cho UBND thị xã Điện Bàn hoàn trả tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án Khu đô thị hỗn hợp Thái Dương 3 tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Đây là dự án do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và dịch vụ Thái Dương làm chủ đầu tư.
Theo đó, chủ đầu tư dự án được tỉnh Quảng Nam giao quyền đầu tư từ tháng 9/2016 và đã nộp tiền quý quỹ vào tháng 11/2016. Sau đó, tỉnh Quảng Nam nhận thấy hồ sơ, thủ tục pháp lý của dự án chưa đủ, đúng luật nên đề nghị chủ đầu tư trả lại dự án và chủ đầu tư chấp nhận. Sau đó, chủ đầu tư đã đề nghị tỉnh Quảng Nam hoàn trả lại tiền ký quỹ đã nộp là 2,4 tỷ đồng.
Trong năm 2024, một doanh nghiệp khác là Công ty CP Xây dựng Bestcon – Chủ đầu tư dự án khu dân cư dịch vụ - du lịch làng chài Điện Dương cũng đã thông báo chấm dứt hoạt động và đề nghị trả lại dự án. Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2016 với quy mô hơn 24ha, với tổng mức đầu tư khoảng 199 tỷ đồng, được gia hạn tiến độ đến cuối năm 2020.
Trong quá trình triển khai, phía doanh nghiệp đã hoàn thành việc lập hồ sơ thiết kế cơ sở, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch 1/500, hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường,… Tuy nhiên, khi thực hiện dự án lại gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Không thể tiếp tục, doanh nghiệp đề nghị tỉnh ghi nhận và giải quyết hơn 54,6 tỷ đồng mà công ty đã chi trả trong thời gian qua. Phía Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cho rằng việc đặt điều kiện đồng ý chấm dứt hoạt động và trả lại dự án khi UBND tỉnh Quảng Nam ghi nhận và giải quyết toàn bộ các chi phí mà công ty đã chi trả trong thời gian qua là không có cơ sở để giải quyết. Vì vậy, Sở này đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp để tìm phương án giải quyết.
Cũng trong năm 2024, Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng có công văn gửi đến ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam về việc dừng đầu tư dự án Khu liên hợp giáo dục đào tạo Nam Hội An. Đây là dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận nhà đầu tư vào tháng 8/2018, sau đó điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 4/2021…
Để thực hiện dự án, doanh nghiệp đã nộp ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án số tiền 7,5 tỷ đồng và tạm ứng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phía doanh nghiệp đã nhiều lần có văn bản xin tiếp tục dự án nhưng không được địa phương xem xét.
Sau đó, Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng đã có văn bản gửi Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam về việc có ý kiến dừng thực hiện dự án Khu liên hợp giáo dục đào tạo Nam Hội An. Doanh nghiệp đề nghị tỉnh có văn bản chính thức cho nhà đầu tư dừng thực hiện dự án, hoàn lại số tiền ký quỹ và số tiền đã tạm ứng bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Văn bản do ông Hồng Quốc Bình – Đại diện theo ủy quyền Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng ký thể hiện: “Công ty Nguyễn Hoàng một lần nữa kính đề nghị lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam sớm tham mưu UBND tỉnh quyết định về việc dự thực hiện dự án Khu liên hợp giáo dục đào tạo Nam Hội An tại các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Đào huyện Thăng Bình để chúng tôi thực hiện các công tác tiếp theo”.
Ngoài ra, còn có chủ đầu tư dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương cũng đã chi đầu tư cho dự án này hơn 254,4 tỷ đồng và dự án đã thu hồi hơn 2 năm. Tuy nhiên, đến nay cơ quan nhà nước vẫn chưa có chủ trương, định hướng giải quyết phần chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra.
Theo ghi nhận của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản tại Quảng Nam gặp nhiều khó khăn chưa thể tháo gỡ. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều đề xuất về phương án gỡ hỗ trợ các doanh nghiệp như gỡ phong tỏa tài khoản, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, gia hạn tiến độ dự án,...
Như ông Trần Quốc Bảo – Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam từng nói, doanh nghiệp nhóm bất động sản đã đến giai đoạn “sinh tử”. Theo ông Bảo, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Quảng Nam đó là thiếu con người để thực hiện công tác GPMB. Vị này lưu ý việc GPMB phải được đưa lên hàng đầu và cần có giải pháp mạnh hơn để thực hiện nhanh hơn.
“Tỉnh Quảng Nam cần cho phép gia hạn tiến độ đối với các dự án vướng mặt bằng. Khi không có mặt bằng thì doanh nghiệp không thể cam kết tiến độ được và hiện nay việc gia hạn tiến độ đang “đứng bánh” vì không có mặt bằng”, ông Bảo kiến nghị.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện dự án theo đúng tiến độ như đã cam kết. Các nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này có cả các lỗi từ địa phương, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng. Nếu không sớm có giải pháp quyết liệt, các doanh nghiệp có thể lâm cảnh “đường cùng” và việc đòi trả lại dự án có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ CUỐI): Bao giờ lại thấy “ánh dương”?
11:17, 01/03/2024
Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ III): Kiện tụng kéo dài
03:00, 29/02/2024
Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ II): Doanh nghiệp “sa lầy”
14:00, 28/02/2024
Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ I): Qua thời hoàng kim
04:00, 28/02/2024