Quyết liệt xoá sổ “tín dụng đen”

NGUYỄN GIANG 25/04/2024 03:00

Sự việc đường dây cho vay lãi nặng xuyên quốc gia với quy mô hàng nghìn tỷ đồng vừa bị triệt phá mới đây tiếp tục cho thấy hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn biến phức tạp và nhức nhối…

>>Vì sao “tín dụng đen” còn đất sống?

IHIHIHIH

Một số đối tượng trong đường dây “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” bị triệt phá ngày 24/4

Hàng loạt đường dây “tín dụng đen” bị triệt phá

Theo đó, chiều ngày 24/4, Công an Quận 4, TP HCM cho biết vừa triệt phá đường dây “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” núp bóng dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính. Đây là nhóm tội phạm có tổ chức do người nước ngoài cấu kết với các đối tượng người Việt Nam, hoạt động xuyên quốc gia thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Cụ thể, hoạt động “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” xảy ra tại Công ty TM 24H và Công ty ATM Online thông qua trang web cho vay tiêu dùng trực tuyến trái pháp luật. Cả 2 công ty trên đều hoạt động dưới sự điều hành của Đỗ Minh Hải (sinh năm 1985, ngụ quận Bình Thạnh).

Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, hoạt động “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do Đỗ Minh Hải cầm đầu và đồng bọn thực hiện có quy mô lớn, hoạt động có tổ chức chặt chẽ, phân chia nhiệm vụ cho từng giám đốc, trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm và nhân viên theo từng công đoạn từ tuyển dụng, đào tạo nhân sự, thu chi tài chính, makerting, chăm sóc khách hàng, nhắc nợ trước hạn, thu nợ quá hạn.

Để thực hiện và che giấu tội phạm, các đối tượng hoạt động “núp bóng” doanh nghiệp tư vấn tài chính, dịch vụ cầm đồ, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hoạt động cho vay trực tuyến, lưu trữ hồ sơ khách hàng trên mạng internet.

Các đối tượng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, lập các hợp đồng cho vay cầm cố, hợp đồng tư vấn, hợp đồng cầm cố tài sản (với nội dung thuê lại tài sản cầm cố) không có thật nhằm chia nhỏ lãi suất thành lãi suất cơ bản nhỏ hơn 20%/năm, phí dịch vụ tư vấn, phí dịch vụ, phí nền tảng, phí cầm cố tài sản hơn 80%/năm, qua đó "đánh tráo khái niệm", trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan pháp luật. Trong thời gian dài, nhóm đối tượng đã thực hiện giải ngân hơn 3.900 tỉ đồng, tổng số tiền thu về là gần 4.700 tỉ đồng trên tổng 738.933 lượt vay.

Có thể nói, đường dây “tín dụng đen” “khủng” này bị triệt phá là một chiến công lớn, thể hiện sự quyết liệt của lực lượng chức năng trong việc xoá sổ “tín dụng đen”. Tuy nhiên, qua vụ án cũng cho thấy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với những thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.

Theo thông tin từ Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 538 vụ án/944 bị can; xử phạt hành chính 305 vụ/396 đối tượng; trong đó khởi tố 485 vụ/772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 27 vụ/35 bị can về tội cố ý gây thương tích, 17 vụ/108 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản…

Đáng chú ý, cơ quan công an cũng phát hiện, các đối tượng người nước ngoài đã đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay với lãi suất trên 1.000%/năm.

>>Nỗi lo biến tướng tín dụng đen

IHIHIHIH

Tang vật của vụ án

Vì sao tội phạm vẫn còn đất sống?

Theo Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống công nhân lao động năm 2023, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát với 2.982 người lao động cho thấy, chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập đủ đáp ứng chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% cho biết thu nhập hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.

Đáng chú ý, do khó khăn trong đời sống, thu nhập không đủ chi tiêu nên có 17,3% người lao động thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.

Các ổ nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi suất cao cũng lợi dụng vào những thời điểm người dân “bí bách” tiền để mời gọi cho vay. Trên thực tế “tín dụng đen” đã len lỏi vào đoàn viên, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp với nhiều hình thức tinh vi và rất đa dạng. “Tín dụng đen” cũng tập trung vào những người lao động gặp khó khăn đột xuất mà quên đi mức lãi suất. Khi phải trả lãi ngày, lãi tháng, họ không đủ khả năng trả nợ, dẫn đến tình trạng lãi chồng lãi; có những trường hợp không có lối thoát.

Tại Việt Nam hiện đã có các tổ chức tài chính vi mô của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Liên đoàn lao động… Tuy nhiên, các tổ chức vi mô này vẫn bị hạn chế bởi tính hành chính, chỉ gắn cho sự nghiệp của phụ nữ, người lao động… Nếu tổ chức tài chính vi mô còn bị hạn chế bởi tính hành chính thì dù vẫn đang hoạt động tốt nhưng chưa đủ năng động và thuyết phục. Đối với các Tổ chức tài chính vi mô, cần thuê đội ngũ quản lý quỹ chuyên nghiệp, có quy định giám sát đầy đủ.

Nhiều ý kiến cho rằng, các quỹ tín dụng nhân dân ở cấp cơ sở là mô hình rất tốt, dành cho người dân, tiểu thương vay, nguồn tiền huy động ở địa phương gửi vào với lãi suất huy động khoảng 10%, cho vay ra khoảng 14-15%. Tin rằng nếu mô hình này được quản lý chuyên nghiệp sẽ đem lại hiệu quả lớn. Nhà nước nên thí điểm cho phép công ty phi lợi nhuận trong lĩnh vực tín dụng vi mô, quỹ tín dụng “từ thiện” hoạt động giống mô hình ở nước ngoài.

Cụ thể, các quỹ được lập ra trên cơ chế bảo toàn vốn và lợi nhuận thấp. Quỹ dành cho những người thích làm từ thiện đầu tư, gửi tiền vào giúp đỡ người lao động, phụ nữ, nông dân và những đối tượng gặp khó khăn. Mô hình cho vay này không lập ra để canh tranh với tín dụng ngân hàng, nhưng lại góp phần giúp đáng kể cung cấp nguồn tín dụng. Nhà nước nên nghiên cứu áp dụng mô hình quỹ tín dụng từ thiện. Tại một số quốc gia phát triển, nơi các tỷ phú, những người thích làm từ thiện đầu tư vào làm từ thiện nhưng vẫn bảo toàn vốn, cho người nghèo, đối tượng gặp khó khăn vay với lãi suất thấp. 

Thiết nghĩ, do nhu cầu tín dụng trên thị trường đa dạng, không có mẫu số chung cho giải pháp và cần đa dạng hình thức khác nhau.  Nên trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ giúp trấn áp, kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này là công việc cần làm, cần duy trì vì sự bình yên, an toàn của nhân dân và xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngăn chặn quảng cáo “tín dụng đen”: Cần nâng mức xử phạt để răn đe

    Ngăn chặn quảng cáo “tín dụng đen”: Cần nâng mức xử phạt để răn đe

    02:16, 28/10/2023

  • Nghệ An “tăng nhiệt” ngăn chặn tín dụng đen

    Nghệ An “tăng nhiệt” ngăn chặn tín dụng đen

    00:30, 19/10/2023

  • “Nhức nhối” tín dụng đen: Vì sao càng bắt lại

    “Nhức nhối” tín dụng đen: Vì sao càng bắt lại "mọc" lên càng nhiều?

    13:30, 01/06/2023

NGUYỄN GIANG