Gỡ khó cho sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Dù được Nhà nước quan tâm và khuyến khích, tuy nhiên, việc sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, cần có những giải pháp tháo gỡ…
>> Vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học
Thực tế cho thấy, Chính phủ nhiều nước đã tăng cường đầu tư, áp dụng nhiều sáng kiến và giải pháp nhằm khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Một số nước đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong việc cắt giảm thuốc hóa học thông qua chiến lược phát triển nông nghiệp sinh thái, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng rộng rãi thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có 99 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đủ điều kiện sản xuất, trong đó có 85 cơ sở có sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Việt Nam cũng đã sản xuất được gần 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thành phẩm khác nhau. Hiện tại, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chiếm 19% trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật và lượng sử dụng ngày càng tăng theo thời gian.
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng tỷ lệ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật sinh được phép sử dụng lên 30%; tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt 30% so với tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vẫn còn nhiều vướng mắc. Đơn cử như các chính sách chưa thực sự tạo động lực và hấp dẫn để các doanh nghiệp chuyển hướng nghiên cứu, phát triển thuốc sinh học; hệ thống trang thiết bị, phòng thử nghiệm nghiên cứu, kiểm tra chất lượng về thuốc bảo vệ thực vật sinh học chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và các nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật sinh học mới tập trung chủ yếu ở phòng thí nghiệm…
Cùng với đó, vấn đề nhân rộng còn khó khăn, bởi người dân vẫn quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ. Trong khi, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chi phí sử dụng cao, thời gian bảo quản ngắn, tác động hẹp, hiệu quả chậm, bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại cảnh và điều kiện sử dụng…
Trước những hạn chế đã nêu, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lại các thủ tục đăng ký, yêu cầu về chỉ tiêu, chất lượng phù hợp với thực tế tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Cùng với đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại trên quy mô lớn, giảm lãi suất vay vốn đầu tư trang thiết bị nhà xưởng để hạ giá thành sản phẩm.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, việc rà soát, đổi mới quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật có vai trò quan trọng. Trong đó, cần tách riêng nội dung quy định về quản lý đăng ký, sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo hướng cụ thể hóa khái niệm về thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam hài hòa với quy định của các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Hơn nữa, cần bổ sung quy định đối với một số loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học mới; đơn giản hóa thủ tục, loại bỏ một số yêu cầu thử nghiệm đối với một số hoạt chất để rút ngắn thời gian đăng ký cho doanh nghiệp sản xuất”, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, không ít ý kiến nhận định, một khung pháp lý có chi phí hợp lý và nhanh chóng hơn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Từ đó, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam nên cân nhắc đánh giá các sản phẩm thuốc sinh học theo từng trường hợp, giai đoạn cụ thể... Việc áp dụng cách tiếp cận linh hoạt để đăng ký thuốc bảo vệ thực vật sinh học dựa trên đánh giá khoa học sẽ giúp đi tắt đón đầu trong việc ứng dụng các loại thuốc sinh học mới
Liên quan đến vấn đề đã nêu, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, khảo nghiệm và đưa thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; hỗ trợ cho việc nhập khẩu nghiên cứu, thử nghiệm các thuốc bảo vệ thực vật sinh học vi sinh, thảo mộc để phục vụ cho quá trình đăng ký, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
“Hướng tới nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, chúng ta cần tận dụng tối đa các nguyên liệu sẵn có để sản xuất các thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong nước; tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại các địa phương, từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học
17:46, 07/06/2022
EU bổ sung mỳ ăn liền vào kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
23:49, 24/12/2021
Hà Tĩnh: “Thảm họa” bao bì thuốc bảo vệ thực vật
15:16, 08/12/2021
Hợp Trí kí kết hợp tác hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
12:36, 22/11/2021
An Giang: Bắt quả tang Giám đốc doanh nghiệp vận chuyển, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trái phép
14:30, 12/05/2021