Đạo đức doanh nhân và khát vọng phát triển đất nước
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, khơi dậy khát vọng phát triển của đất nước.
>>Tạo khung khổ pháp lý bền vững cho đạo đức doanh nhân
Với bối cảnh văn hóa đang nhận được nhiều sự quan tâm, mong muốn trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh của đội ngũ quan trọng này.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên Nghị quyết 41 đã chỉ rõ một số những hạn chế liên quan đến văn hóa doanh nhân như: “Một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân”.
Chúng ta luôn mong muốn việc hình thành hệ giá trị, bộ quy tắc đạo đức ở tất cả các ngành nghề sẽ là yếu tố then chốt để nâng cao đạo đức chung của cả xã hội. Trong bối cảnh đó, doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam (cộng đồng doanh nghiệp) đã công bố Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và phát động thực hiện trong cộng đồng doanh nhân toàn quốc. Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm 6 điều: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Doanh nhân có thể định hình mô hình kinh doanh bằng việc đặt tiêu chuẩn đạo đức lên hàng đầu, xác định các nguyên tắc và giá trị đạo đức để làm việc, không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo tính bền vững và công bằng trong hoạt động kinh doanh.
Đội ngũ doanh nhân cũng có thể tác động tích cực đến văn hóa kinh doanh thông qua việc thúc đẩy sự đa dạng và sáng tạo, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và lành mạnh của doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần vào việc xây dựng môi trường làm việc tích cực, khuyến khích sự đoàn kết và hợp tác trong tổ chức.
Tôi cho rằng, bằng cách thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng, doanh nhân có thể tạo ra cơ hội việc làm, tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Đội ngũ doanh nhân còn đóng vai trò trong việc đẩy mạnh quan hệ quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giúp nâng cao vị thế và tầm nhìn phát triển của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Cần môi trường kinh doanh minh bạch
Để đội ngũ doanh nhân thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình, chúng ta cần phải chú trọng đến một số vấn đề sau. Thứ nhất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Nhà nước cần tạo ra một hành lang pháp lý để bảo đảm cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam là minh bạch và công bằng, bằng cách giảm bớt quy định quá nặng nề, không phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới và nhỏ phát triển, cũng như bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật.
Thứ hai, chú trọng đến đào tạo và giáo dục đạo đức kinh doanh. Chúng ta cần tăng cường giáo dục về đạo đức kinh doanh trong các trường đại học và tổ chức đào tạo chuyên ngành kinh doanh. Doanh nhân cần được trang bị kiến thức về trách nhiệm xã hội và tầm nhìn dài hạn khi kinh doanh.
Thứ ba, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo. Nhà nước nên chú ý đến việc tạo ra các chính sách khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo trong kinh doanh thông qua các gói hỗ trợ tài chính, chương trình đào tạo và hợp tác doanh nghiệp.
Thứ tư, quan tâm và tạo điều kiện cho doanh nhân trẻ. Nhà nước cần tạo ra môi trường cho các doanh nhân trẻ để họ có cơ hội thể hiện và phát triển ý tưởng kinh doanh của mình thông qua việc hỗ trợ tài chính, cung cấp thông tin và nguồn lực hỗ trợ khác.
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác và liên kết. Cần tạo ra các cơ hội hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp, cũng như giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, cộng đồng, để tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội.
Thứ sáu, khuyến khích hoạt động xã hội, thiện nguyện của doanh nghiệp. Nhà nước nên đưa ra các cơ hội và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xã hội như bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, văn hóa, y tế và giáo dục.
Thứ bảy, đạo đức, văn hóa kinh doanh chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp thực chất là sự cạnh tranh của văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh ngày càng trở thành một xu thế tất yếu, khách quan trong xã hội hiện đại.
Chúng ta tin tưởng rằng, xây dựng thật tốt đạo đức, văn hóa kinh doanh cũng sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển đúng theo tinh thần của Thủ tướng trong Quyết định 1846/QĐ-TTg về ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm