Có cần thiết ban hành luật riêng về năng lượng tái tạo?
Trước những tồn tại, hạn chế trong phát triển ngành năng lượng tái tạo theo mục tiêu đã đề ra, để tạo động lực thúc đẩy, liệu có cần thiết ban hành luật riêng về năng lượng tái tạo?
>> VCCI mời nộp hồ sơ dự thầu dự án nâng cao nhận thức về năng lượng tái tạo
Theo nghiên cứu của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2025 năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới. Việt Nam là một trong các nước có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, với đường bờ biển dài, tổng số giờ nắng trong năm dao động khoảng 1.400 - 3.000 giờ, cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4-5 kWh/m2/ngày, phù hợp phát triển thuỷ điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối…
Hơn nữa, phát triển năng lượng tái tạo không chỉ trở thành định hướng phát triển nền kinh tế trong tương lai, cũng như an ninh năng lượng, mà đây còn là cuộc chạy đua năng lượng của các quốc gia tạo nên vị thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy Việt Nam cần đẩy nhanh trong lĩnh vực này, khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo để tạo sức cạnh tranh cho cả nền kinh tế.
Nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nên thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Đảm bảo cung cấp điện để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, góp phần vào việc giảm phát thải nhà kính và tăng chủ động trong việc cung cấp điện.
Tuy nhiên, là lĩnh vực mới nên các chính sách về năng lượng tái tạo hiện được đánh giá là chưa hoàn thiện, thiếu tính ổn định và còn nhiều bất cập gây lo lắng, bất an cho các nhà đầu tư. Đây cũng là một trong những thách thức lớn với việc thực hiện các mục tiêu về năng lượng tái tạo trong tương lai.
>> Gỡ “nút thắt” năng lượng tái tạo
Theo đó, chính sách liên quan đến điện mặt trời hiện nay chủ yếu khuyến khích phát triển điện mặt trời trang trại với quy mô vừa và lớn (trên 50 MWp), còn điện mặt trời mái nhà hiện chỉ khuyến khích phát triển theo hình thức “tự sản, tự tiêu”.
Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng phát triển điện mặt trời mái nhà hơn là điện trang trại, một phần là do điện mặt trời trang trại hệ số sử dụng đất rất kém, hiệu quả thấp (50 ha chỉ đem về được khoảng 50MWp công suất), cũng diện tích này nếu làm nhiệt điện tua bin khí thì có thể cho ra 3.000 MW, gấp 60 lần). Đặc biệt với những nước “đất chật người đông” như chúng ta thì điện mặt trời trang trại không phải lúc nào, nơi nào cũng phù hợp.
Ngoài ra, mặc dù chúng ta đã có chủ trương cho phát triển điện gió ngoài khơi nhưng các cơ chế, chính sách đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa, chưa rõ ràng. Vừa qua, một số nhà đầu tư nước ngoài do không chờ đợi được đã rút lui để tìm đến các thị trường khác.
Trước thực trạng nêu trên, TS. Hoàng Xuân Quốc, Phó Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam nhận định, việc xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh và hoàn thiện cho sự phát triển năng lượng tái tạo là cần thiết. Cho đến nay, các văn bản pháp lý liên quan trực tiếp đến năng lượng tái tạo chỉ dừng lại ở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các bộ ngành liên quan, chưa có pháp lý cao hơn.
Theo ông Quốc, liên quan đến ngành năng lượng nói chung, hiện nay được điều chỉnh bởi 3 Luật chủ yếu là Luật Điện lực sửa đổi năm 2012 (đối với lĩnh vực Điện), Luật Dầu khí 2022 (Dầu khí) và Luật Khoáng sản 2010 (liên quan đến nhiên liệu Than). Chưa có luật riêng cho năng lượng tái tạo.
“Vì vậy việc xây dựng, ban hành Luật này cần thiết phải triển khai trong thời gian tới”, TS. Hoàng Xuân Quốc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thuý Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định, việc ban hành Luật về năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết. Việc xây dựng Luật về năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết những bất cập, chưa đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
“Điều này giúp tạo hành lang pháp lý với những chính sách, cơ chế mới, phương thức quản lý khoa học tiên tiến, tạo sự minh bạch trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các mục tiêu của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính chia sẻ.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo thôi cũng chưa đủ, còn phải tạo ra được cả một cơ chế đồng bộ, không chồng chéo thông qua việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến năng lượng tái tạo, đặc biệt là Luật Điện lực.
Hiện nay, Luật Điện lực sửa đổi (dự thảo lần 2) hiện đang được lấy ý kiến hoàn thiện. Theo các chuyên gia, Luật Điện lực mới cần tạo hành lang pháp lý để xã hội hóa đầu tư truyền tải điện ở mức độ phù hợp, quy định rõ ràng về hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Ngoài ra, cần xây dựng và ban hành các quy định pháp luật khác khác về kỹ thuật (tiêu chuẩn, quy định kỹ thuât) với hạ tầng năng lượng tái tạo như trạm sạc hydro, trạm sạc điện, PCCC… Các ưu đãi, khuyến khích về tài chính cũng rất quan trọng (ưu đãi thuế, trợ cấp…), khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Khi có cơ chế khuyến khích phù hợp thì tự thị trường sẽ phát triển rất nhanh.
Có thể bạn quan tâm
Lợi ích và khả năng cạnh tranh của năng lượng tái tạo
21:35, 11/04/2024
Phát triển năng lượng tái tạo: "Cần cơ chế thiết thực cho doanh nghiệp"
21:20, 11/04/2024
Phát triển năng lượng tái tạo: "Lợi ích kép cho doanh nghiệp"
21:04, 11/04/2024
VCCI mời nộp hồ sơ dự thầu dự án nâng cao nhận thức về năng lượng tái tạo
09:25, 26/03/2024
Tham vọng của SK Group trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam
02:00, 24/03/2024