Châu Á “đau đầu” trước việc trì hoãn cắt giảm lãi suất của Fed
Sự không chắc chắn về thời gian biểu của Fed đang khiến nhiều ngân hàng trung ương châu Á “đau đầu” trước những lo ngại về tỷ giá, dòng vốn chảy ra ngoài cũng như nhiều rủi ro khác...
>>FED thêm động lực để trì hoãn cắt giảm lãi suất lâu hơn
Sức ép từ chính sách của Fed
Các nhà hoạch định chính sách châu Á đã bước vào năm 2024 với niềm tin Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản nhiều lần trong năm. Tuy nhiên, “nhịp trống” đều đặn của dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến đã khiến các nhà dự báo nhanh chóng thu hẹp kỳ vọng.
Khi tăng trưởng việc làm và lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng lên, một số người cho rằng, cơ quan tiền tệ quyền lực nhất thế giới hiện có thể giữ nguyên lãi suất cho đến năm 2025.
Chia sẻ trên Nikkei Asia, nhà phân tích William Pesek nhận định đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào châu Á - khu vực nằm ở tuyến đầu trước sức ảnh hưởng chính sách của Fed. Như đối với Trung Quốc, tỷ giá hối đoái trượt dốc là một rủi ro đặc biệt nghiêm trọng. Đồng Nhân dân tệ yếu hơn có thể khiến các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn trong việc theo kịp các khoản thanh toán trái phiếu ở nước ngoài, gây gia tăng làn sóng vỡ nợ.
“Sự không chắc chắn về thời gian biểu của Fed cũng đang khiến mọi việc trở nên phức tạp đối với nhiều ngân hàng trung ương châu Á khác. Những lo ngại rằng tiền tệ suy yếu có thể thúc đẩy dòng vốn chảy ra ngoài, làm sụt giảm chứng khoán trong nước và tăng lợi suất trái phiếu chính phủ đang phá hỏng các kế hoạch trước đó”, ông William Pesek dự báo.
Tuần trước, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy các nhà đầu tư ngày càng đặt cược rằng các đồng tiền châu Á mới nổi sẽ giảm giá so với đồng USD. Các vị thế đầu tư có thể thu lợi trực tiếp từ việc đồng Baht Thái đang giảm giá ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2022. Việc đặt cược vào các đồng Rupiah của Indonesia, Won Hàn Quốc và đô la Đài Loan cũng đang được tích luỹ.
Đặc biệt, đồng Ringgit của Malaysia đang trải qua một năm 2024 khó khăn, giao dịch gần với mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998. Tháng trước, ngân hàng trung ương nước này đã giữ nguyên lãi suất để tránh làm đồng Ringgit giảm giá thêm, bất chấp rủi ro tăng trưởng giảm.
Vào cuối tháng 2, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu: “Tỷ giá hối đoái vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên sự sụt giảm của đồng Ringgit là điều đáng lo ngại và chúng tôi đang xem xét điều đó”.
Những vấn đề tương tự cũng đang phát ra từ Tokyo khi đồng Yên giao dịch ở mức thấp nhất kể từ năm 1990. Tất cả những điều này làm nảy sinh mối lo ngại cũ rằng Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh đồng nội tệ của mình xuống thấp hơn để thúc đẩy xuất khẩu và giải quyết giảm phát, gây ra sự hỗn loạn trên thị trường rộng lớn hơn.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, đồng VND đã mất giá khoảng hơn 4,9%, “cơn sóng” tỷ giá nóng lên ngay từ đầu năm đã khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu phát hành tín phiếu để hút thanh khoản. Tuy nhiên, tính từ ngày 11/3 - thời điểm NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu, tỷ giá vẫn tăng tiếp hơn 2,7%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù đã bắt đầu bán USD để can thiệp thị trường nhưng NHNN sẽ phải tính đến việc điều chỉnh lãi suất một cách hợp lý để hạ nhiệt tỉ giá nhưng vẫn duy trì hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
>>Chưa vội kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất của Fed
Rủi ro dần hiện hữu
Theo ông William Pesek, kể từ những năm 1990, Châu Á nhìn chung đã củng cố hệ thống tài chính của mình. Các ngân hàng minh bạch và năng động hơn, các chính phủ đã tích lũy được nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ.
Song, khu vực này vẫn tập trung quá nhiều vào đồng USD để có được sự thoải mái trong thương mại quốc tế. Mặc dù việc neo tỷ giá chính thức phần lớn đã không còn nữa, nhưng châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu vẫn bị ám ảnh bởi quỹ đạo của đồng bạc xanh.
Thực tế, sự chênh lệch lãi suất giữa lãi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ và các công cụ nợ tương đương của châu Á càng rộng, thì các ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi càng khó duy trì sự ổn định ở thị trường trong nước.
Vấn đề đặt ra cho thị trường hiện nay là điều gì sẽ xảy ra nếu Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất quá lâu? Giới phân tích đã nhiều lần cảnh báo về một tai nạn tài chính tiềm ẩn đang ẩn nấp trong những thách thức của các ngân hàng hạng trung ở Mỹ như Silicon Valley Bank (SVB) là một ví dụ.
Lãi suất ở Mỹ càng ở mức cao thì khả năng các công ty phải tái cấp vốn cho các khoản vay với những điều kiện kém thuận lợi hơn nhiều. Mới đây, Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đã tịch thu ngân hàng Republic Bank có trụ sở tại Philadelphia. Đây là tổ chức được FDIC bảo hiểm đầu tiên phá sản ở Mỹ trong năm nay.
Như vậy, khi những rủi ro ngày càng gia tăng, các ngân hàng trung ương mạnh nhất đang siết chặt thanh khoản làm phức tạp thêm các vấn đề ở châu Á, khiến năm 2024 có thể trở thành một năm có nhiều sự kiện bất ngờ.
Có thể bạn quan tâm
FED thêm động lực để trì hoãn cắt giảm lãi suất lâu hơn
04:00, 26/04/2024
Fed chưa cắt giảm lãi suất, Trung Quốc ưu tiên ổn định tỷ giá
05:20, 09/04/2024
Chưa vội kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất của Fed
05:10, 07/04/2024
Điều gì tác động đến chính sách lãi suất của Fed?
05:01, 25/03/2024
Giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh sau cuộc họp của Fed
11:00, 21/03/2024