GMD: Lợi nhuận tăng đột biến, vốn hóa vượt 1 tỷ USD
Trong quý I/2024, lợi nhuận của GMD tăng đột biến, với mức tăng trưởng 157%. Trên thị trường, cổ phiếu GMD cũng tăng giá mạnh, đưa vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này vượt 1 tỷ USD.
>>>Năm 2024: Ngành cảng biển và logistics sẽ phục hồi sản lượng
Theo Báo cáo tài chính quý I/2024 mới công bố, Công ty CP Gemadept (HOSE: GMD) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.005 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp ngành cảng biển & logistics này, hoạt động khai thác cảng đóng góp khoảng 70-80% doanh thu, còn lại đến từ mảng logistics.
Đáng chú ý, trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của GMD tăng đột biến lên gần 354 tỷ đồng, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ lãi chuyển nhượng Cảng Nam Hải. Khoản lãi/lỗ từ công ty liên doanh, liên kết cũng tăng vọt gấp 4,5 lần cùng kỳ, lên gần 98 tỷ đồng.
Kết thúc quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của GMD đạt gần 656 tỷ đồng, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 559 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của GMD đạt hơn 14.338 tỷ đồng, tăng gần 6% so với hồi đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là tài sản dài hạn, với hơn 10.165 tỷ đồng, trong đó, khoản đầu tư tài chính dài hạn hơn 3.205 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết, khoản đầu tư này đã mang về lợi nhuận gần 98 tỷ đồng cho GMD.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 3.947 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 1.941 tỷ đồng, tương đương với hồi đầu năm, nợ dài hạn là hơn 2.005 tỷ đồng, chiếm phần lớn là vay và nợ thuê tài chính dài hạn với gần 1.625 tỷ đồng.
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cảng biển và logistics Việt Nam, GMD sở hữu 2 cảng Nam Đình Vũ và IDC Nam Hải ở phía Bắc. Trong khi đó, tại phía Nam, doanh nghiệp này sở hữu 2 cảng container là Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, có khả năng đón được các siêu tàu lớn nhất hiện nay và cảng ICD Phước Long. Ngoài ra, GMD còn sở hữu cảng hàng rời Dung Quất.
Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá, sản lượng hàng qua toàn hệ thống cảng GMD trong năm 2024 kì vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 10 – 15%, chủ lực là nhóm cảng miền Nam. Động lực đến từ: Thứ nhất, xuất nhập khẩu phục hồi tác động tích cực đến sản lượng hàng qua cảng. Đà tăng trưởng dự kiến tiếp tục trong thời gian tới đến từ triển vọng xuất nhập khẩu tích cực với Trung Quốc và châu Âu.
Thứ hai, Dự án nạo vét luồng kênh Hà Nam của hệ thống cảng Hải Phòng được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 6/2024 sẽ nâng độ sâu của mớn nước đoạn từ vũng quay tàu bến cảng Quốc tế Hải Phòng đến khu vực cảng Nam Đình Vũ từ 7m lên 8,5m. Dự án hoàn thành sẽ cho phép tàu lớn hơn ra vào làm hàng tại cảng khu vực này, tăng khả năng cạnh tranh cho Nam Đình Vũ khi có thể đón được tàu có tải trọng lớn hơn các cảng cùng khu vực.
Thứ ba, GMD hiện đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư hoạt động sales & marketing thu hút các đối tác lớn, đem về cho hệ thống cảng của công ty nhiều tuyến tàu mới. Trong quý IV/2023, Gemalink tiếp nhận thêm tuyến dịch vụ mới AUE của Evergreen, dự kiến chuẩn bị tiếp nhận thêm 1 tuyến mới từ liên minh hãng tàu The Alliance.
Công ty Chứng khoán này cũng dự kiến giá dịch vụ tại các cảng của GMD sẽ tiếp tục tăng trong 2024 với mức tăng cao hơn ở khu vực miền Nam nhờ: dư địa tăng giá dịch vụ cảng vẫn còn nhiều khi mà giá cước dịch vụ cảng ở Việt Nam đang ở mức thấp hơn đáng kể so với các cảng cùng quy mô trong khu vực, thấp hơn từ 30 đến 40% so với giá dịch vụ cảng tại Thái Lan, Singapore; trong những năm gần đây GMD đều có mức điều chỉnh tăng giá đều đặn từ 5-10%/năm từ đầu năm và Thông tư 39/2023/TT-BGTVT về việc điều chỉnh tăng giá sàn dịch vụ cảng biển có hiệu lực từ 15/2/2024 sẽ tác động đáng kể tới GMD khi mà cảng nước sâu và cảng xanh là đối tượng được tăng giá nhiều nhất.
Trong khi đó, mức tăng giá dịch vụ cảng ở nhóm cảng miền Bắc dự kiến sẽ chỉ ở mức 2 – 3% do các đối tác ở miền Bắc của GMD chủ yếu là các đối tác lâu năm kí hợp đồng dài hạn nên chưa thể thay đổi mức giá cước ngay, tình trạng cạnh tranh gay gắt tại khối cảng miền Bắc cũng không cho phép GMD có thể tăng giá nhiều và khối cảng miền Nam hiện đang liên tục kí kết được các tuyến vận tải mới, có thể áp dụng mức cước mới ngay lập tức nên việc tăng giá sàn có tác động sớm hơn tại đây.
Từ những yếu tố trên, KB Việt Nam dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024 của GMD với doanh thu thuần đạt 4.197 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023, trong đó, doanh thu từ khai thác cảng chiếm phần lớn với 3.158 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế năm 2024 dự kiến đạt 1.301 tỷ đồng, giảm 28% so với năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GMD cũng đang có chuỗi tăng điểm khá ấn tượng, với 4 phiên tăng điểm liên tiếp gần đây, chốt phiên giao dịch ngày 26/4, thị giá cổ phiếu GMD đạt 84.200 đồng/cổ phiếu, tăng gần 18% so với hồi đầu năm. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của GMD cũng lập kỷ lục mới khi đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 64% chỉ trong vòng 1 năm.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2024: Ngành cảng biển và logistics sẽ phục hồi sản lượng
04:00, 30/01/2024
Ngành cảng biển: Năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức
14:00, 21/11/2023
Năm 2022 ngành cảng biển và logistics có gì đáng chú ý?
04:00, 18/01/2022
Ngành cảng biển & logistics năm 2021: Triển vọng tăng trưởng nhờ sự phục hồi toàn cầu
05:30, 03/02/2021
[Triển vọng ngành 2020] Ngành cảng biển và logistics: Cạnh tranh ngày càng gia tăng
01:13, 15/01/2020