Lợi nhuận của BAF tăng trưởng đột biến nhờ đâu?

ĐÌNH ĐẠI 30/04/2024 04:41

Giá heo hơi hồi phục, sản lượng tăng cao kỷ lục, cùng với giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm... đã giúp lợi nhuận quý I của "đại gia" nuôi heo BAF tăng đột biến.

>>>Hàng ngoại nhập lậu ồ ạt, doanh nghiệp ngành chăn nuôi "kêu cứu"

Theo báo cáo tài chính quý I/2024, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) ghi nhận doanh thu thuần tăng 58% so với cùng kỳ, lên 1.292 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp của doanh nghiệp đạt 172 tỷ đồng, tăng mạnh 172% so với cùng kỳ năm trước.

Giá heo hơi hồi phục, sản lượng tăng cao kỷ lục, cùng với giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm... đã giúp lợi nhuận quý I của BAF tăng đột biến.

Giá heo hơi hồi phục, sản lượng tăng cao kỷ lục, cùng với giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm... đã giúp lợi nhuận quý I của BAF tăng đột biến - Ảnh: BAF

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh lên hơn 1.200% so với cùng kỳ, đạt gần 7 tỷ đồng; Chi phí hoạt động tài chính cũng tăng, nhưng chậm hơn, với mức tăng 110% so với cùng kỳ, lên 47 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là chi phí lãi vay với 46 tỷ đồng.

Một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp trong quý đầu năm là khoản lợi nhuận khác tăng mạnh lên 54 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 684%. Khoản lợi nhuận này cũng góp phần giúp lợi nhuận quý I/2024 của BAF tăng đột biến lên 2.938% so với cùng kỳ, đạt 119 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lợi nhuận theo quý cao thứ hai lịch sử kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào năm 2021.

Theo lãnh đạo BAF, nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng đột biến là do thị trường giá heo trong quý I/2024 đã có những sự hồi phục nhất định sau đợt giảm đáy vào quý IV/2023. Hiện tại giá heo vẫn đang trên đà hồi phục và dự kiến sẽ duy trì ở mức trên 60.000 đồng/kg.

Sản lượng heo của BAF trong quý I đạt hơn 100.000 con, đánh dấu tháng có sản lượng cao nhất lịch sử Công ty. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã giảm 10-20% so với giai đoạn trước, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi

Ngoài ra, một khoản lợi nhuận đáng kể đã được ghi nhận từ việc bán lô đất Mai Chí Thọ. Khu đất này ban đầu được dự định để phát triển tòa nhà văn phòng mới của BAF. Tuy nhiên, với việc công ty chuyển đến địa điểm hiện tại phù hợp hơn vào năm 2023. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, việc giữ lại tài sản được cho là không cần thiết, Công ty đã quyết định chuyển nhượng và mang lại lợi nhuận sau thuế khoản 80 tỷ đồng.

“Với chiến lược đầu tư bài bản chuyên nghiệp ngay từ đầu, Công ty tập trung tối ưu hiệu suất chăn nuôi, kiểm soát chỉ phí để gia tăng hiệu quả hoạt động và duy trì mức giá vốn thấp hơn tiêu chuẩn ngành, giữ vững đàn heo tránh dịch bệnh. sẵn sàng cho chu kỳ tăng giá trong tương lai sau khi dư âm dịch bệnh qua đi”, bà Bùi Hương Giang – Tổng Giám đốc BAF cho biết.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vừa qua, cổ đông BAF đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024, với mục tiêu doanh thu hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận sau thuế gần 306 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao thứ hai kể từ khi thành lập doanh nghiệp vào năm 2017.

Về sản lượng, BAF dự kiến mảng chăn nuôi có sản lượng heo bán ra năm 2024 đạt gần 610 ngàn con, trong đó, 96% là heo thịt, 4% heo giống, gấp 2,1 lần thực hiện năm trước. Biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi dự kiến 23%.

Đối với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, doanh thu dự kiến đạt 144 tỷ đồng, lãi sau thuế ước hơn 3 tỷ đồng, chiếm 1% lợi nhuận hợp nhất. Mảng kinh doanh nông sản dự kiến doanh thu 2.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 32 tỷ đồng, chiếm gần 11% lợi nhuận toàn công ty.

Giá cổ phiếu BAF giữ sự tăng trưởng ổn định từ đầu năm 2023 đến nay từ vùng giá 17 lên gần 30.

Giá cổ phiếu BAF giữ sự tăng trưởng ổn định từ đầu năm 2023 đến nay từ vùng giá 17.000 đồng lên gần 30.000 đồng/cổ phiếu.

Để thực hiện kế hoạch trên, BAF định hướng tiếp tục phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn, tăng tổng đàn, đưa các trại chăn nuôi theo mô hình hiện đại và công nghệ cao vào hoạt động. Đặc biệt, chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, tăng cường tìm kiếm hỗ trợ của các quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại để đầu tư con giống, cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ.

Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch BAF Trương Sỹ Bá dự báo, thời gian tới, tỷ lệ chăn nuôi heo nhỏ lẻ trong dân sẽ giảm từ 70% hiện tại xuống còn 30% do nhiều nông dân phải từ bỏ đàn sau dịch tả heo châu Phi. Hơn nữa, luật chăn nuôi mới đi vào hiệu lực yêu cầu các trại không đạt chuẩn phải đóng cửa.

Theo vị Chủ tịch BAF, lượng heo giảm đi này tương đương khoảng 17-20 triệu con, khi tổng đàn Việt Nam hiện nay khoảng 60 triệu con. Tỷ lệ tiêu thụ trên đầu người tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng. Hai chỉ tiêu đi ngược chiều này sẽ tạo ra khoảng trống cho phép BAF và các doanh nghiệp chăn nuôi heo công nghiệp đi lên.

“Thực tế, sự tăng trưởng của BAF và các công ty khác thời gian qua là từ phần giảm của nhỏ lẻ, chứ chưa đụng đến' phần các doanh nghiệp FDI. Trong quy luật cạnh tranh, công ty nào chiếm thị phần trên 35-40% trở lên mới điều tiết được. Như C.P (Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam) nếu tăng giá, nhưng không bán được thì vẫn phải giảm xuống. Bởi họ còn phải cạnh tranh với nông dân nhỏ lẻ", Chủ tịch BAF Trương Sỹ Bá chia sẻ.

Đánh giá về triển vọng của BAF trong năm 2024, Chứng khoán VIS cũng cho rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn được đánh giá là sẽ hưởng lợi khi quy định di dời trang trại chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ năm 2025, khiến các hộ nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời. Điều này sẽ khiến hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước phải ngưng hoạt động. Việc triển khai các quy định mới này sẽ càng thúc đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch thị phần từ các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ sang các doanh nghiệp lớn như BAF.

Theo VIS, vào ngày 12/03 vừa qua, BAF đưa vào vận hành 2 cụm trang trại xanh, gồm cụm trại Nuôi heo Công nghệ cao Hải Đăng (cụm trại Hải Đăng) và Trại nuôi heo Công nghệ cao Tân Châu (trại Tân Châu). Cụm trại Hải Đăng và trại Tân Châu được BAF dự kiến sẽ đóng góp doanh thu và lợi nhuận từ giữa quý 3/2024. Kế hoạch sắp tới, doanh nghiệp định hướng vận hành thêm 18 trang trại mới trong giai đoạn 2024 – 2025.

"Chúng tôi đánh giá nguồn cung heo vẫn thiếu hụt dưới tác động của dịch bệnh ASF và ảnh hưởng từ Luật chăn nuôi mới, giá heo hơi đã ghi nhận mức tăng sát mốc 60.000đ/kg từ sau Tết Nguyên Đán, là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong năm nay", VIS đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng ngoại nhập lậu ồ ạt, doanh nghiệp ngành chăn nuôi

    Hàng ngoại nhập lậu ồ ạt, doanh nghiệp ngành chăn nuôi "kêu cứu"

    15:00, 14/03/2024

  • Doanh nghiệp ngành chăn nuôi vẫn chưa hết lao đao

    Doanh nghiệp ngành chăn nuôi vẫn chưa hết lao đao

    04:30, 30/11/2023

  • Doanh nghiệp ngành chăn nuôi đã qua thời khó khăn?

    Doanh nghiệp ngành chăn nuôi đã qua thời khó khăn?

    04:02, 31/05/2023

  • “Cứu” ngành chăn nuôi gia cầm

    “Cứu” ngành chăn nuôi gia cầm

    12:01, 19/05/2023

  • Ngành chăn nuôi gia cầm kêu cứu

    Ngành chăn nuôi gia cầm kêu cứu

    03:30, 28/04/2023

ĐÌNH ĐẠI