Đề xuất quy định mới về Quỹ phát triển đất
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất với nhiều đề xuất mới được bổ sung.
>>> HoREA: Giữ lại quy định về Quỹ phát triển đất
Bộ Tài chính cho biết, thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ phát triển đất; khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì chỉ cần rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.
Tuy nhiên, để bao quát thực tế có thể phát sinh, dự thảo Nghị định quy định như sau: Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Sở Tài chính hoặc cơ quan chuyên môn khác thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương lập hồ sơ đề nghị thành lập Quỹ phát triển đất, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Quỹ, ban hành Quyết định thành lập, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất trên cơ sở Đề án thành lập Quỹ đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, có vốn điều lệ, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn. Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu, hạch toán độc lập. Tên gọi: "Quỹ phát triển đất" ghép với tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Quỹ phát triển đất có chức năng tiếp nhận, huy động vốn theo quy định để thực hiện nhiệm vụ ứng vốn và được hoàn trả vốn ứng theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
>>> Tạo nguồn tài chính cho Quỹ phát triển đất
Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ về nội dung này, Bộ Tài chính nêu rõ 3 quan điểm khi xây dựng Nghị định này.
Thứ nhất, quán triệt đầy đủ quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng, huy động các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Thứ hai, cụ thể hóa quy định của Luật Đất đai năm 2024 quy định về Quỹ phát triển đất, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan (Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Nhà ở năm 2023…) và tình hình thực tế của các địa phương.
Thứ ba, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý hoạt động của Quỹ phát triển đất, góp phần huy động nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 06 chương với 26 điều và Phụ lục các mẫu biểu kèm theo. Trong đó, về quy định cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của Quỹ, để phù hợp với yêu cầu tăng cường quản lý Quỹ, dự thảo Nghị định có bổ sung, sửa đổi như sau: Số lượng thành viên của Hội đồng quản lý là số lẻ; Chủ tịch Hội đồng quản lý là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Phó Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản lý phải có Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Quỹ.
Trong trường hợp ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển hoặc Quỹ tài chính khác của địa phương quản lý nguồn vốn và hoạt động của Quỹ phát triển đất thì Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ phát triển đất là Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Cơ quan điều hành nghiệp vụ (Ban điều hành) của Quỹ nhận uỷ thác nhưng phải đảm bảo các điều kiện: (i) Chủ tịch Hội đồng quản lý là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (ii) Thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ phải có Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, về quy định sử dụng vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất, dự thảo Nghị định quy định Quỹ này sử dụng cho 4 mục đích: Ứng vốn thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng trên quỹ đất đã được giao quản lý nhằm nâng cao giá trị khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất; Ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Liên quan đến nguồn thu tài chính của Quỹ phát triển đất, trước đó, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cũng đề xuất bổ sung quy định cấp tỉnh dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết trong năm của địa phương để tạo nguồn tài chính cho “Quỹ phát triển đất”.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đất đai: Cần thiết giữ quy định về Quỹ phát triển đất
04:00, 12/01/2024
HoREA: Giữ lại quy định về Quỹ phát triển đất
11:00, 09/01/2024
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cụ thể hành lang cho hoạt động của Quỹ phát triển đất
04:00, 20/08/2023
Tạo nguồn tài chính cho Quỹ phát triển đất
05:00, 11/05/2023
Đề xuất trích tiền trúng đấu giá, đấu thầu vào "Quỹ phát triển đất"
14:34, 22/03/2023