Cẩn trọng lỗ chênh lệch tỷ giá

HÀ ANH 02/05/2024 04:00

Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang chịu nhiều sức ép tiếp tục tăng, các doanh nghiệp cần tìm cách tránh lỗ chênh lệch tỷ giá.

>>>Trích lập 200 tỷ đồng dự phòng cho tỷ giá - Thế khó của HPG

Năm 2023 và quý I/2024 đã có không ít doanh nghiệp ghi nhận những khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá.

 Diễn biến tỷ giá USD/VND trên thị trường.

Diễn biến tỷ giá USD/VND trên thị trường.


Lỗ do tỷ giá

Về lý thuyết, tỷ giá tăng sẽ có tác dụng kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên do hoạt động sản xuất - xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, nên theo nhiều chuyên gia, tỷ giá tăng cũng không mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi nó lại là nỗi lo không nhỏ đối với các doanh nghiệp có quan hệ vay nợ, thanh toán bằng USD.

Chẳng hạn, nhiệt điện và dầu khí là hai lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp có những khoản vay bằng USD khá lớn. Do đó, có không ít doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực này đã ghi nhận những khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm 2023. Chẳng hạn như PVChem ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là gần 9,4 tỷ đồng.

Hay như Vietnam Airlines cũng là đơn vị chịu rủi ro lỗ chênh lệch tỷ giá. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, nếu tỷ giá tăng 1%, thì chi phí của Vietnam Airlines tăng thêm 300 tỷ đồng. Như vậy, với tỷ giá biến động ở mức 4% như hiện nay - nếu tính theo tỷ giá trên thị trường tự do - Vietnam Airlines phải tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng chi phí trong năm nay.

>>>Tỷ giá vẫn căng

Tự bảo vệ mình

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN Việt Nam, cho biết, thời gian qua tỷ giá USD/VND đã liên tục tăng nóng, thậm chí tăng kịch trần trong nhiều phiên gần đây. Nguyên nhân do đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, gây áp lực lớn lên các đồng nội tệ của nhiều nước, chứ không riêng Việt Nam. Trong khi ở trong nước, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là ở các doanh nghiệp xăng dầu, sắt thép cùng với việc nhiều doanh nghiệp tăng cường mua ngoại tệ, cũng đã góp phần đẩy tỷ giá tăng mạnh.

Mặc dù NHNN tuyên bố sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, song theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng cần tự bảo vệ mình trước những biến động của tỷ giá. Theo đó, các doanh nghiệp cần theo dõi sát biến động của tỷ giá để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp nên lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho mình, giảm dần việc phụ thuộc vào USD.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng nên lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ phái sinh ngoại tệ như: mua bán ngoại tệ kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP)… để giảm thiểu rủi ro tỷ giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp ổn định tỷ giá

    Giải pháp ổn định tỷ giá

    05:20, 20/04/2024

  • Rủi ro tăng tỷ giá với nhóm cổ phiếu nào?

    Rủi ro tăng tỷ giá với nhóm cổ phiếu nào?

    12:00, 15/04/2024

  • Tăng cung vàng và tỷ giá

    Tăng cung vàng và tỷ giá

    05:00, 13/04/2024

  • Fed chưa cắt giảm lãi suất, Trung Quốc ưu tiên ổn định tỷ giá

    Fed chưa cắt giảm lãi suất, Trung Quốc ưu tiên ổn định tỷ giá

    05:20, 09/04/2024

  • Tác động tỷ giá với nhóm cổ phiếu ngành thép, nhựa

    Tác động tỷ giá với nhóm cổ phiếu ngành thép, nhựa

    05:20, 08/04/2024

HÀ ANH