Diễn đàn doanh nghiệp 2024: Một số vấn đề cần lưu tâm trong bối cảnh diễn biến kinh tế phức tạp

THÙY LINH 25/04/2024 15:41

Bối cảnh quốc tế từ đầu năm 2024 cho đến nay tiếp tục có sự đan xen của khó khăn và thuận lợi, trong đó các khó khăn chiếm phần lớn.

Có những khó khăn đã được dự báo từ trước, nhưng cũng có những bất định mới như liên quan đến điều hành lãi suất ở Mỹ. Cùng “Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới” tìm hiểu rõ các vấn đề. Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

>>ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI: Nguồn lực từ thể chế

Hội trường Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới

Hội trường Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới

Tại Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế, Việt Nam cần có những lưu ý quan trọng.

Thứ nhất, triển vọng kinh tế thế giới còn khá nhiều bất định, kể cả về đà phục hồi tăng trưởng kinh tế và diễn biến hàng hóa. Nhiều nước gia tăng quy định nhằm thúc đẩy các chuỗi giá trị giảm phát thải các bon, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập của hàng xuất khẩu ở Việt Nam nếu không có những điều chỉnh kịp thời. Thực tế khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy 55,1% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nhìn nhận nhu cầu thị trường trong nước ở mức thấp, và 34,2% nhìn nhận nhu cầu thị trường quốc tế ở mức thấp trong quý I năm 2024. Mặc dù đã tăng lên trên mốc 50 trong 2 tháng đầu năm, chỉ số PMI tháng 3 năm 2024 đã giảm xuống 49,9, cho thấy một dấu hiệu lo ngại khác về thị trường đầu ra.

TS. Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại Diễn đàn

TS. Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại Diễn đàn

Thứ hai, giải ngân tín dụng còn tương đối chậm. Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 25/3/2024 chỉ đạt 0,26% so với cuối năm 2023 (trong khi mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2023 là 1,99%). Mức tăng trưởng tín dụng này còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 (15%). Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá sát so với mức lạm phát, nên dư địa tiếp tục giảm lãi suất huy động để giúp giảm lãi suất cho vay là khó khả thi.

Thứ ba, chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng. Trong đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vận tải đường hàng không trong quý I năm 2024 đã tăng tới 29,3% so với quý IV năm 2023, và tăng 85,44% so với quý I năm 2023; chỉ số giá vận tải đường sắt trong quý I năm 2024 tăng tới 28,27% so với quý IV năm 2023. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành du lịch, phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh.

Thứ tư, việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp có thể làm tăng chi phí lao động cho doanh nghiệp. Trong khi đó, dù đã có nhiều giải pháp chính sách, năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng.

Tuy nhiên, Việt Nam đã tương đối thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, và bảo đảm an sinh xã hội. Đó chính là những nền tảng quan trọng để quyết liệt hơn với những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp tài khóa và tiền tệ, chúng ta vẫn cần phải quyết liệt đổi mới tư duy.

Có thể bạn quan tâm

  • Khơi thông động lực tăng trưởng mới: Nhận thức và hành động từ doanh nghiệp

    Khơi thông động lực tăng trưởng mới: Nhận thức và hành động từ doanh nghiệp

    15:30, 25/04/2024

  • ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI: Cần tận dụng tốt yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế

    ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI: Cần tận dụng tốt yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế

    15:26, 12/04/2024

  • ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI: Nguồn lực từ thể chế

    ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI: Nguồn lực từ thể chế

    15:19, 12/04/2024

THÙY LINH