Bình Phước: Khơi thông nguồn lực, sẵn sàng đón nhà đầu tư
Bình Phước đang nỗ lực tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Bình Phước.
Ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiềm năng đất đai rộng lớn, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu dồi dào... Bình Phước đang nỗ lực tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Bình Phước.
- Ông có thể chia sẻ đôi nét về tiềm năng, lợi thế khác biệt của Bình Phước trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế?
Bình Phước đang sở hữu những tiềm năng, lợi thế khác biệt và cơ hội đầu tư nổi trội. Đó là nguồn nhân lực lao động trẻ, dồi dào, chất lượng tốt. Trong đó, lực lượng lao động của tỉnh hơn 617 ngàn người, chiếm 61%. Bình Phước đang ở thời kỳ dân số vàng, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đây có thể xem là lợi thế so sánh của Bình Phước với các địa phương khác. Thị trường tiêu thụ của Bình Phước rộng lớn với hơn 1 triệu dân. Bình Phước cũng rất gần với thị trường tiêu thụ của các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia.
Bình Phước có diện tích đất đai rộng nhất Nam Bộ, với 6.873,56km², đất đỏ bazan màu mỡ, thuận lợi phát triển nông nghiệp và ít chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Tỉnh đang tập trung xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng quỹ đất để thu hút đầu tư. Trong 15 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Phước có 13 KCN với diện tích 4.686 ha với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 69%. Theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, đến năm 2030, tổng diện tích đất KCN của tỉnh Bình Phước khoảng 18.105 ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Bình Phước đã và đang tập trung cao độ trong cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư đến triển khai dự án, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, thương mại, du lịch…
- Mặc dù còn khó khăn nhưng kinh tế Bình Phước thời gian qua đã có nhiều điểm sáng, thưa ông?
Thời gian qua, Bình Phước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Phước đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 cả nước, trong đó ngành nông nghiệp tăng 10,25% - cao nhất cả nước.
Đến nay Bình Phước đã thu hút được 1.203 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 121.389 tỷ đồng; 412 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ 279 triệu USD.
Quý I/2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 6,01% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số chỉ tiêu về kinh tế có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 12,46%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,53%; vốn đầu tư thực hiện tăng 11,17%; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 69,8%...
4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 322 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 8.743 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 11.958 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 200.668 tỷ đồng.
- Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của Vùng Đông Nam Bộ. Vậy đâu là các giải pháp mang tính đột phá phát triển của tỉnh thưa ông?
Để đạt các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh ưu tiên 3 đột phá phát triển, cụ thể:
Thứ nhất, về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), sân bay chuyên dùng Hớn Quản; phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thứ hai, về phát triển nguồn nhân lực, tỉnh ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng an sinh xã hội để ổn định và phát triển lâu dài…. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính, tỉnh tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm