Rào cản du lịch địa phương
Phía Tây Quảng Nam có 6 địa phương miền núi sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,... thế nhưng lại gặp nhiều bất lợi về hạ tầng giao thông, tạo lực cản cho du lịch.
Đặc trưng văn hóa về đời sống, phong tục tập quán, ẩm thực đặc sắc vùng với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, sự đa dạng về hệ thực vật, thảo dược quý,... là lợi thế cho du lịch của địa phương.
Áp lực hạ tầng giao thông
Dù đã có kế hoạch phát triển du lịch cho khu vực phía Tây từ rất lâu, song đến nay các địa phương miền núi Quảng Nam vẫn chưa có được các sản phẩm chủ lực để “kéo” khách đến trải nghiệm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc đầu tư du lịch còn hạn chế xuất phát từ hạ tầng giao thông đến nay vẫn chưa được đầu tư đồng bộ.
Đến nay, các tuyến Quốc lộ 14E, 14D, 40B, ĐT 609,... vẫn trong tình trạng nâng cấp dở dang, chưa hẹn ngày hoàn thiện. Vấn đề này ảnh hưởng đến hành trình của du khách, nhiều người “quay xe” khi nhận thấy hành trình trải nghiệm gặp khó khăn.
Mới đây, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang (tại huyện Đông Giang) với vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng vừa chính thức khai trương. Đây được xem là dự án lớn về du lịch đầu tiên đầu tư tại vùng Tây Quảng Nam.
Sau gần 2 năm vận hành đón khách giai đoạn 1, khu du lịch đã đón hơn 120.000 lượt khách tham quan, lưu trú. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất phía doanh nghiệp quan ngại chính là hạ tầng giao thông dẫn đến khu du lịch vẫn chưa được thuận tiện.
Kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trước đó, bà Phạm Thị Nghĩa – Đại diện Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang cho hay, việc di chuyển trên tuyến đường ĐT 609 đến với đơn vị còn khá khó khăn mặc dù địa phương đã có nhiều phương án tu sửa. Theo vị này, thiên tai xảy ra liên miên đã khiến hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng, doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với địa phương nhưng việc khắc phục sự cố ở tuyến đường này vẫn gặp nhiều trở ngại.
“Khi đến với Đông Giang, khách du lịch không chỉ ghé qua Khu du lịch Cổng trời Đông Giang mà còn có thể ghé thăm làng văn hóa cộng đồng tại thôn A Sờ,... Vì vậy, tỉnh Quảng Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc khắc phục các sự cố thiên tai để việc đi lại của du khách được thuận tiện hơn và du lịch tại địa phương cũng có thêm động lực phát triển”, bà Nghĩa đề xuất.
Cần sớm khắc phục “yếu điểm”
Ở Nam Trà My, với lợi thế từ cây thảo dược quý như Sâm Ngọ Linh, cây quế,... có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sức khỏe,... Tuy nhiên, cũng vì vấn đề hạ tầng giao thông chưa đồng bộ đến nay chưa có nhà đầu tư đến với địa phương để đầu tư dịch vụ du lịch.
Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay đường giao thông từ trung tâm Tỉnh lỵ lên huyện Nam Trà My hiện nay vẫn chưa được mở rộng, nhất là đoạn từ Bắc Trà My lên Nam Trà My, địa hình giao thông hiểm trở, nhiều khúc cua nguy hiểm. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở ăn uống, vui chơi, giải trí vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, đơn điệu.
“Tuy du lịch sinh thái và du lịch văn hóa không chú trọng lắm tới sự hiện đại của cơ sở vật chất, nhưng cần có sự phục vụ tối thiểu như điện, thông tin liên lạc, mạng internet, cơ sở lưu trú,.. Đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, kinh doanh du lịch tại huyện”, ông Dũng nói.
Để phát triển du lịch, ông Dũng kiến nghị tỉnh Quảng Nam sớm thông qua đầu tư kết cấu hạ tầng phải phù hợp cảnh quan môi trường du lịch sinh thái tại các khu, điểm du lịch, các làng nghề truyền thống của địa phương, chủ yếu là hệ thống giao thông, cấp điện, nước, xử lý chất thải bảo vệ môi trường;... Đồng thời, tập trung đầu tư phần cơ sở hạ tầng thiết yếu điện, các trục đường giao thông chính và có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng vào các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng,...
Với miền núi phía Tây, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay trong thời gian qua địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch miền núi, du lịch xanh. Trong đó có Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 của HĐND về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025.
Tuy nhiên, hiện nay chính sách này đang tạm dừng và sẽ được thay thế bằng đề án du lịch cộng đồng và đề án phát triển du lịch xanh sẽ có những chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch vùng phía Tây của tỉnh phù hợp hơn trong tình hình mới theo hướng xanh, bền vững, gắn với lợi ích của cộng đồng. Dù vậy, trong giai đoạn 2019-2021, địa phương cũng đã cấp 21.287.000.000 đồng kinh phí hỗ trợ cho các điểm đến.
Theo ông Hồng, mặc dù có tiềm năng, lợi thế, song để du lịch các huyện miền núi của tỉnh phát triển là điều rất khó khăn, bởi có nhiều yếu tố tác động đến như vốn đầu tư, hạ tầng giao thông, nhân lực, năng lực quản lý và khai thác,... Những vấn đề nêu trên đều là những vấn đề cấp thiết, quan trọng cần được đầu tư làm bệ đỡ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng.
“Việc phát triển du lịch khu vực miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam sẽ được quan tâm phát triển theo hướng xanh, bền vững. Đối với các nội dung hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp của từng điểm du lịch được hỗ trợ theo lộ trình trong năm 2019 - 2020 gồm có hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch và hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đến nay chưa có địa phương nào lập hồ sơ và dự toán kinh phí nên các nội dung hỗ trợ nêu trên chưa bố trí kinh phí thực hiện”, ông Hồng cho hay.
Có thể bạn quan tâm