Cước tàu biến động và sự hợp tác trong kinh doanh
Đại dịch Covid và gần đây là cuộc chiến tranh Israel - Hamas đã đẩy giá cước tàu lên cao ngất; các nhà xuất khẩu nếu bán với điều khoản giao hàng CFR phải trả giá rất lớn.
>>>Doanh nghiệp "vật lộn" với giá cà phê trong năm 2024
Trước đó, như tôi có chia sẻ trong một bài viết, trước năm đại dịch Covid-19, trung bình một tháng chúng tôi trả 3,2 tỷ đồng tiền cước tàu, thì giai đoạn đại dịch, hàng ít hơn mà chúng tôi phải trả lên tới 32 tỷ đồng.
Khi khó khăn xảy ra, chúng tôi ngồi xem xét và nhận thấy đại dịch hay gần đây chiến tranh là những điều khoản bất khả kháng. Các hãng tàu đã nhân cơ hội làm giá các nhà xuất khẩu và vì điều khoản bất khả kháng, chúng tôi quyết định nói chuyện với người mua khắp nơi trên thế giới - những khách hàng, đối tác của chúng tôi. Và thật là bất ngờ, có rất nhiều nhà mua hàng khi nghe việc giá cước tăng đã ngay lập tức chia sẻ việc hỗ trợ giá cho các hợp đồng mà họ mua CFR. Điều này làm chúng tôi thấy có sự san sẻ, hợp tác cùng nhau vượt khó.
CFR/CNF/C&F – Cost and Freight (tiền hàng và cước phí) là điều kiện giao nhận người bán có trách nhiệm giao hàng tới cảng dỡ hàng (đầu nhập khẩu) do người mua chỉ định. Người bán không có trách nhiệm thông quan nhập khẩu. Đây là một trong những điều kiện thương mại chỉ áp dụng với hình thức vận tải đường biển và thủy nội địa. Trong đó, giá bán CFR là tiền hàng cước phí vận tải quốc tế/ tính bằng giá FOB người cộng thêm chi phí vận tải quốc tế từng cảng bốc tới cảng dỡ hàng.
Trong việc kinh doanh hợp tác với các công ty ở Châu Âu, Mỹ và Trung Đông thì các công ty là người mua hàng vừa và nhỏ lại sẵn sàng chia sẻ cước với chúng tôi. Rất nhiều công ty đã chủ động hỗ trợ 50% phần chênh giá cước biến động. Thậm chí các hợp đồng khi ký mới họ còn đưa các điều khoản "khi có chiến tranh thiên tai dịch bệnh thì nếu giá cước tàu tăng giá, mỗi bên sẽ chia sẻ 50% rủi ro".
Tuy nhiên, chúng ta lại thấy hầu hết các tập đoàn lớn hay các công ty lâu năm lại không chấp nhận chia sẻ này, họ viện cớ là hợp đồng đã ký và người mua đã chốt nên không thay đổi được. Để đàm phán thuyết phục các đối tác này là công việc rất thách thức và khó khăn, nó cần nhiều sự kiên nhẫn sao cho thuyết phục đối tác - người mua hợp tác với mình.
Tôi cũng chia sẻ câu chuyện mà chúng tôi gặp phải khi đại dịch và sau đại dịch:
Chúng tôi bán rất nhiều hàng cho những công ty lớn trên thế giới và trong số đó, lúc đại dịch và sau đại dịch họ gặp khó về vấn đề tiêu thụ nên yêu cầu không giao hàng do chưa bán được, dù chúng tôi đã mua đầy kho và trả lãi ngân hàng. Nhiều khi họ xin giao chậm từ 3 đến 6 tháng, 9 tháng, đẩy người bán vào tình cảnh khó khăn không có dòng tiền trả lãi ngân hàng vì các hợp đồng tín dụng cho hàng nguyên liệu là từ 3 đến 6 tháng. Lúc này chúng tôi không thể làm gì được. Tuy nhiên chỉ 9 tháng sau lúc mọi người đẩy hàng tồn kho xuống thấp thì là lúc họ bán được thế thúc ép đẩy nhanh tiến độ giao hàng. Khi họ đề nghị giao trễ thì hợp đồng có 2.500 USD/tấn mà giá nguyên liệu đầu vào cũng rẻ, nhưng 9 tháng sau khi nhà máy đẩy lượng tồn kho xuống thấp, giá hàng hóa lên tới 4.200 USD/tấn, họ lại hối thúc giao hàng và gần như không cho chúng tôi cơ hội chậm trễ. Họ cũng là một trong công ty lớn nhất trên thế giới luôn tìm cách không hợp tác vấn đề cước tàu. Đấy là lý do trong suốt chiến lược của Phúc Sinh, chúng tôi luôn chọn các công ty vừa và nhỏ trên thế giới để mua bán. Bởi các công ty gia đình, nguồn lực tài chính dồi dào và linh hoạt, hiểu biến động thế giới, sẵn sàng hợp tác.
>>>Một chuyến đi Mỹ 2
Tất cả những vấn đề khó khăn và thách thức trong việc kinh doanh này, chúng ta nên chia sẻ với khách hàng vì khi ký hợp đồng bán ai biết đại dịch xảy ra, hay ai biết chiến tranh nổ ra mà lường trước. Đó là những điều khoản bất khả kháng.
Những năm gần đây thế giới biến động quá, kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài và quá nhiều rủi ro. Nếu người mua và người bán không cùng hợp tác để cùng nhau đối phó với sự biến động thì các công ty xuất khẩu sẽ rất khó khăn để tồn tại.
Có thể bạn quan tâm