Áp lực tất toán trái phiếu doanh nghiệp

LÊ MỸ 05/05/2024 16:42

Áp lực “trễ hạn” thanh toán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn còn lớn trong những tháng còn lại của năm nay dù nhiều doanh nghiệp đã thanh toán trước hạn và gia hạn TPDN.

>>>“Điểm sáng” trái phiếu doanh nghiệp

Trong tháng 4/2024, có hơn 20 mã TPDN, chủ yếu ngân hàng và bất động sản đến kỳ đáo hạn. Trong đó, có nhiều tên tuổi doanh nghiệp lớn.

Nhóm thanh toán đúng hạn

Đối với nhóm ngân hàng - tài chính, BIDV, ACB, VPBank, VIB, Shinhan Bank, là những tổ chức có trái phiếu đến kỳ đáo hạn. Nhóm này như thường lệ, không rơi vào nhóm chậm trễ hay phải gia hạn thanh toán trái phiếu đến kỳ đáo hạn.

Đối với nhóm bất động sản vẫn nặng gánh thanh toán trái phiếu đáo hạn trong quý này và cả trong năm 2024, thì tháng 4 cũng đến kỳ thanh toán trái phiếu của nhiều mã bất động sản đến từ các tổ chức phát hành, như Vinpearl, CII, Văn Phú, Khải Hoàn Land,... và các doanh nghiệp có liên quan bất động sản, xây dựng hoặc nhóm sản xuất khác như Công ty CP An Phát, Tân Phú Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Trung Nam…

Ước tính tổng giá trị trái phiếu đáo hạn tháng 4/2024 khoảng 14.500 tỷ đồng, theo VMBA. Hiện chưa có thống kê chính thức về việc đã có bao nhiêu đơn vị thanh toán trái phiếu đúng hạn, tuy nhiên có thể loại trừ nhóm ngân hàng như nêu trên. Ngoài ra, Vinpearl và các thành viên liên quan Vingroup cho đến hiện tại, theo khẳng định của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, không trễ hạn thanh toán bất kỳ mục nào, do đó, cũng có thể loại trừ.

>>>Lãi suất, tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024

Trái phiếu của Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh với tổng mệnh giá 500 tỷ đồng đã chậm thanh toán lãi trong năm 2023. Trái phiếu này được đảm bảo bằng tài sản của Hải Giang Merry Land, dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn được mua lại từ Vinpearl vào năm 2018. Hiện doanh nghiệp này này có khoảng 7.500 tỷ đồng trái phiếu; tuy nhiên do trong tháng 3 Hưng Thịnh Investment đã rót 2.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu mã H39CH2229001. Do đó, có thể kỳ vọng khoản này cũng được thành viên của Hưng Thịnh xoay xở xử lý.

p/VMBA thống kê giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong 9 tháng còn lại của năm là 210.910 tỷ đồng.

VMBA thống kê giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong 9 tháng còn lại của năm là 210.910 tỷ đồng.

Áp lực đáo hạn còn lớn

Trong khi đó, một số mã TPDN đến kỳ đáo hạn trong tháng 4, đã có công bố thông tin gia hạn, ví dụ như Khải Hoàn Land gia hạn thêm 1 năm (5/4/2025), nâng lãi suất lên 12%/năm... Hay một số công ty đã công bố chậm trả như Công ty CP Bất động sản Gia Đức (nhóm An Gia) công bố chậm trả 35 tỷ đồng trái phiếu ngay đầu tháng 4...

Trước đó, thống kê của VMBA cho thấy trong quý I/2024, giá trị trái phiếu chậm trả lãi, gốc mới ở mức 10.145 tỷ đồng, giảm hơn 3 lần so với mức đỉnh 33.326 tỷ đồng của quý III/2023. Theo VBMA, số lượng trái phiếu chậm trả lãi, gốc đang dần cải thiện và có một số doanh nghiệp đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ trái phiếu chậm trả. Phần lớn trái phiếu chậm trả lũy kế đến nay là trái phiếu bất động sản, chiếm khoảng hơn 60%.

VMBA cũng thống kê giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong 9 tháng còn lại của năm là 210.910 tỷ đồng; trong đó 78.565 tỷ đồng là trái phiếu bất động sản, tương đương 37,2%; 25,5% là trái phiếu ngân hàng, trị giá 53.847 tỷ đồng. “Các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực chi trả gốc, lãi trái phiếu trong năm 2024 khi lượng hàng tồn kho bất động sản còn lớn và dòng tiền của nhóm này gặp khó khăn”, VBMA dự báo.

Trên thực tế, với sự chấm dứt một số quy định của Nghị định 08/2023, thị trường TPDN đã ghi nhận mức độ sụt giảm về phát hành mới của các doanh nghiệp, bao gồm cả nhóm bất động sản, mặc dù nhóm này vẫn dẫn đầu về giá trị TPDN phát hành mới trong quý I. Theo một chuyên gia tài chính, các doanh nghiệp bất động sản không phải không có nhu cầu phát hành trái phiếu để xoay xở dòng tiền cho thanh toán và phát triển dự án, mà sự siết chặt về xoay huy động mới để trả nợ cũ, cộng với niềm tin của nhà đầu tư chưa trở lại mạnh mẽ, nên vẫn chỉ những doanh nghiệp lớn và có sự hỗ trợ của các đơn vị trong cùng 1 hệ sinh thái, mới phát hành hiệu quả hơn.

Ghi nhận thị trường cho thấy một số doanh nghiệp cũng đã ước lượng khó khăn và áp lực thanh toán TPDN vẫn còn kéo dài, nên ngay từ bây giờ, đã bắt đầu đàm phán với trái chủ để gia hạn trái phiếu, không để “nước đến chân mới nhảy”. Đơn cử trong tháng 4, CTCP Kinh doanh Nhà Sunshine (Sunshine homes) đã công bố thông tin nâng gia hạn trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng phát hành vào 2021 từ kỳ hạn 3 năm lên kỳ hạn 5 năm; CTCP Đầu Tư Phú Thịnh Phát cũng công bố thông tin qua đại lý VPS, trái chủ đồng ý gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu PTP2020 ở kỳ hạn vào tháng 6/2024, lên thành kỳ hạn tháng 6/2026…

Đáng chú ý, việc các tổ chức phát hành và trái chủ tích cực đàm phán gia hạn kỳ hạn TPDN đến hạn, sẽ giúp cho lượng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 9 tháng còn lại giảm, qua đó giảm bớt áp lực thu xếp, cân đối nguồn vốn để trả nợ gốc, lãi ngay cho doanh nghiệp, cũng như giảm bớt việc nhà đầu tư phải đón nhận các thông tin tiêu cực trên thị trường. 

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu lần thứ 3?

    Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu lần thứ 3?

    03:30, 26/04/2024

  • TP.HCM: Huy động kiều hối qua kênh phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị

    TP.HCM: Huy động kiều hối qua kênh phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị

    17:00, 23/04/2024

  • Trung Quốc tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ

    Trung Quốc tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ

    05:02, 21/04/2024

  • Kiểm soát áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp

    Kiểm soát áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp

    14:05, 10/04/2024

LÊ MỸ