Lo ngại nguy cơ AI phát triển không kiểm soát

TRƯỜNG ĐẶNG 07/05/2024 03:00

AI đang trở thành tâm điểm của thế giới. Thế nhưng bên cạnh hàng ngàn tỷ USD giá trị kinh tế, những hiểm họa từ AI vẫn gây lo ngại cho nhiều nhà đầu tư kỳ.

Bất chấp sự hào hứng của các nhà đầu tư, Warren Buffet vẫn quan ngại về AI

Bất chấp sự hào hứng của các nhà đầu tư, Warren Buffet vẫn quan ngại về AI

Nỗi sợ về hiểm họa

Mỹ, Nhật Bản, châu Âu hay Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào ngành bán dẫn với hàng trăm tỷ USD được cam kết hỗ trợ nhằm đi đầu trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI) - công nghệ được hứa hẹn sẽ thay đổi căn bản cách thức vận hành của mọi xã hội và nền kinh tế. 

>>Châu Âu và "ván cược" ngành chip lần hai

PwC ước tính AI có khả năng đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu vào năm 2030. Chỉ riêng lợi ích kinh tế của AI ước tính tạo ra được từ 6,1 nghìn tỷ USD đến 7,9 nghìn tỷ USD hàng năm, theo McKinsey & Company.

Thế nhưng, hiểm họa từ AI cũng đang được quan tâm không kém. Mới đây, trong một tuyên bố, Warren Buffet – nhà đầu tư huyền thoại trên thế giới đã cảnh báo về điều này, rằng lừa đảo có thể là “ngành tăng trưởng nhất mọi thời đại” nếu nó được kích hoạt bằng AI theo một cách nào đó.

Điều đó lý giải vì sao Warren Buffett vẫn chưa nhảy vào lĩnh vực AI, bởi ông nhận thấy khả năng của công nghệ này trong việc tái tạo nội dung thực tế và gây hiểu lầm nhằm nỗ lực làm lợi cho những kẻ xấu.

Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều lo ngại về công nghệ nhân bản giọng nói và deepfakes dựa trên AI -  thứ có thể tạo các video và hình ảnh mạo danh bất cứ một người nào – có thể được sử dụng để lừa đảo hoặc truyền bá các thông tin sai lệch.

AI đã trở thành chủ đề bàn tán trên toàn cầu trong hơn một năm qua, khi các nhà đầu tư đặt cược vào tiềm năng của công nghệ này trong việc mang lại lợi nhuận cao hơn trong tương lai. Các cổ phiếu như Nvidia và Meta Platforms đã tăng vọt trong thời kỳ bùng nổ AI, tăng lần lượt 507% và 275% kể từ cuối năm 2022.

Tuy nhiên, ông Warren Buffet thừa nhận ông không quen thuộc với AI và ví tiềm năng của nó như bom nguyên tử trong thế kỷ 20.

“Tôi không hiểu biết nhiều về AI . Điều đó không có nghĩa là tôi phủ nhận sự tồn tại hay tầm quan trọng của nó hay bất cứ điều gì tương tự,” Buffett nói với giọng điệu thận trọng và nhấn mạnh: “Chúng ta đã thả thần đèn ra khỏi chai khi chúng ta phát triển vũ khí hạt nhân và gần đây vị thần đó đã làm một số điều khủng khiếp, và sức mạnh của vị thần đó là điều khiến tôi sợ hãi.”

>>Thị trường công nghệ Đông Nam Á "sôi động" giữa cạnh tranh Mỹ - Trung

Quan điểm e ngại của Warren Buffet cũng được chia sẻ bởi nhiều lãnh đạo các công ty và giới công nghệ. Năm ngoái, tỷ phú Elon Musk hay Steve Wozniak (người đồng sáng lập Apple) đã cùng hơn 1.000 chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới ký một bức thư ngỏ gửi Liên hợp quốc, nhằm cảnh báo về nguy cơ AI phát triển không kiểm soát.

Không chỉ gây hại cho cá nhân, AI có nguy cơ trở thành hiểm họa với cả an ninh quốc gia. Giáo sư khoa học máy tính Stuart Russell tại Đại học California cảnh báo, con người đã có thể sản xuất vũ khí tấn công tự động, bằng cách tích hợp và thu nhỏ những công nghệ sẵn có như AI.

Liệu có cản trở đà phát triển của AI?

Trong bức thư gửi tới Liên Hợp Quốc vào tháng 3 năm ngoái, nhóm các lãnh đạo và chuyên gia công nghệ yêu cầu các chính phủ phải có biện phát bảo mật, thậm chí tạm dừng phát triển các mô hình AI trong bối cảnh phát triển quá nóng như hiện nay.

Châu Âu là nơi đi đầu về luật liên quan tới AI, nhưng vẫn vấp phải nhiều tranh cãi

Châu Âu là nơi đi đầu về luật liên quan tới AI, nhưng vẫn vấp phải nhiều tranh cãi

James Grimmelmann, Giáo sư về kỹ thuật số chia sẻ: “Đó là một ý tưởng rất hay để làm chậm quá trình phát triển mô hình mới. Bởi vì, nếu AI thực sự tốt, việc chờ đợi hàng tháng hoặc hàng năm cũng chẳng có hại gì, dù sao chúng ta cũng sẽ đi đến đích. Nếu nó có hại, chúng ta sẽ có thêm thời gian để hoạch định cách đối phó”.

Quan điểm gây nhiều tranh cãi này diễn ra vào thời điểm những khuôn khổ pháp lý liên quan tới AI vẫn chưa được thống nhất tại nhiều quốc gia.

Gần đây nhất, Nghị viện châu Âu vừa chính thức thông qua dự luật về AI, đánh dấu bộ luật đầu tiên trên thế giới quy định toàn diện về AI vào tháng 3 năm nay.

Tuy nhiên, hàng loạt quốc gia đi đầu về lĩnh vực này như Mỹ, Trung Quốc đều chưa đưa ra được một khung pháp lý vừa có tính bảo vệ, vừa không làm chậm đà phát triển của một công nghệ then chốt của nền kinh tế. Ngay cả trong khối EU, một số quốc gia đi đầu như Pháp và Đức cũng đã bày tỏ lo ngại luật AI sẽ kìm hãm sự đổi mới, sáng tạo của các công ty công nghệ tại châu lục.

Một cuộc khảo sát năm ngoái của cơ quan công nghiệp ứng dụng AI ở Châu Âu cho thấy 51% số người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển trong lĩnh vực này sẽ chậm lại do Đạo luật AI của EU. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng các công ty công nghệ hàng đầu sẽ không ngồi yên để nhìn các đạo luật AI ngăn cản đà phát triển của lĩnh vực này - hứa hẹn sẽ còn khiến vấn đề thêm phức tạp.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng giám đốc Intel đặt mục tiêu chiếm 50% thị trường bán dẫn tại Mỹ và Châu Âu

    Tổng giám đốc Intel đặt mục tiêu chiếm 50% thị trường bán dẫn tại Mỹ và Châu Âu

    03:00, 22/03/2024

  • Thuế giảm, xe sang, siêu sang, siêu xe từ châu Âu dồn dập đổ về Việt Nam

    Thuế giảm, xe sang, siêu sang, siêu xe từ châu Âu dồn dập đổ về Việt Nam

    04:09, 18/03/2024

  • Trí tuệ nhân tạo và rào cản năng lượng sạch

    Trí tuệ nhân tạo và rào cản năng lượng sạch

    03:30, 22/04/2024

  • Trí tuệ nhân tạo bước đệm phát triển vững chắc cho công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    Trí tuệ nhân tạo bước đệm phát triển vững chắc cho công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    14:08, 09/04/2024

  • Bí quyết để trở thành kỳ lân của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo

    Bí quyết để trở thành kỳ lân của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo

    01:25, 28/01/2024

TRƯỜNG ĐẶNG