Áp thuế VAT với dịch vụ xuất khẩu – Tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh
Để tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, quy định về áp thuế VAT với dịch vụ xuất khẩu cần được đánh giá kỹ…
>> Áp thuế VAT với dịch vụ xuất khẩu – Cần đảm bảo hài hòa
Theo đó, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt, Điều 9.1 của Dự thảo sửa đổi theo hướng sẽ đánh thuế đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu, mà không cho phép hưởng thuế suất 0% như trước đây.
Cụ thể, theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, các lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu vẫn được hưởng thuế suất 0% chỉ còn vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu nghĩa vụ thuế cao hơn, tương ứng với từng loại dịch vụ cụ thể như 10% hoặc 5% hoặc không được khấu trừ đầu vào do thuộc diện không chịu thuế.
Trước đề xuất đã nêu, không ít ý kiến lo ngại, việc giới hạn các dịch vụ được hưởng thuế suất 0% sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu phi thuế quan, đặc biệt là các doanh nghiệp chế xuất, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến những lĩnh vực dịch vụ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu như dịch vụ thanh toán, marketing, trung tâm hỗ trợ bán hàng, logistics...
Liên quan đến vấn đề này, tại văn bản trả lời đề nghị của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội về việc góp ý Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) một lần nữa cho rằng, chính sách này sẽ làm tăng chi phí thuế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại nước ngoài.
Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất là kinh doanh trên môi trường internet, sản xuất nội dung số, sản xuất các ứng dụng, trò chơi điện tử, dịch vụ nghe nhìn, giải trí, dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ tư vấn các loại, dịch vụ thiết kế, dịch vụ máy tính, dịch vụ thông tin…
>> Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cần đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Theo VCCI, hầu hết các doanh nghiệp này đang phải cạnh tranh với đối thủ đến từ các nước đang phát triển khác. Nếu họ phải chịu thuế giá trị gia tăng 10% hoặc 5% thì có nguy cơ mất khách hàng, mất thị phần, khó có cơ hội phát triển; từ đó mất đi việc làm trong nước và giảm nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia.
Đối với lĩnh vực phần mềm, sản phẩm phần mềm xuất khẩu sẽ chuyển từ diện 0% sang diện không chịu thuế. Tức là các doanh nghiệp không được khấu trừ đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng từ 2 - 3%...
Cũng theo VCCI, thuyết minh cho sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cho rằng, thời gian qua, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước… Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn thường bị áp mức thuế 10% do cán bộ thuế không phân biệt được đâu là dịch vụ tiêu dùng trong nước, đâu là dịch vụ xuất khẩu.
Các doanh nghiệp đã cố gắng thuyết minh bằng việc cung cấp cho cơ quan thuế rất nhiều thông tin như dữ liệu của các nền tảng trung gian (Google, Apple…), IP của người dùng, dữ liệu thanh toán ngân hàng, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản của khách hàng, hợp đồng, email trao đổi…
Việc phân loại người dùng trong nước và người dùng tại nước ngoài trên môi trường internet hiện đã có giải pháp. Hiện nay, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã có hướng dẫn về việc xác định nơi tiêu dùng dịch vụ trên môi trường số và được nhiều quốc gia áp dụng (OECD International VAT/GST Guidelines). Thậm chí, Việt Nam cũng đã tiếp thu khuyến nghị này của OECD khi thu thuế dịch vụ nhập khẩu.
Cụ thể, tại Thông tư 80/2021/TT-BTC, Điều 77 đã quy định nhà cung cấp tại nước ngoài, khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam sẽ phải kê khai và nộp thuế. Tại khoản 3 của điều này, việc xác định doanh thu đó được phát sinh tại Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc lấy nhiều nguồn thông tin không mâu thuẫn nhau như: thông tin thẻ tín dụng, thông tin tài khoản ngân hàng, địa chỉ thanh toán, địa chỉ giao hàng, địa chỉ nhà, địa chỉ IP, vị trí đường dây điện thoại cố định…
“Như vậy, pháp luật đã yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải sử dụng những thông tin trên để thu thuế dịch vụ nhập khẩu, nhưng lại không cho doanh nghiệp trong nước sử dụng những thông tin đó để được hưởng thuế suất 0% khi cung cấp dịch vụ xuất khẩu”, VCCI nhấn mạnh.
Từ những phân tích đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ xuất khẩu theo hướng vẫn cho phép các dịch vụ này được hưởng thuế suất 0%. Đồng thời, quy định cụ thể về việc xác định doanh thu đến từ nước ngoài theo phương pháp tương tự như khi đánh thuế dịch vụ nhập khẩu.
Không chỉ VCCI quan ngại về đề xuất này của cơ quan soạn thảo, mà trước đó, cho ý kiến thẩm định Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) về việc giới hạn các dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần đánh giá kỹ nội dung chính sách, tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc Hội - Vũ Hải Hà, hiện chúng ta cũng chưa có quy định về người tiêu dùng ngoài Việt Nam nên cách diễn giải và áp dụng ở các địa phương khác nhau. Vì vậy, cần xem xét, cân nhắc để tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu và môi trường đầu tư kinh doanh.
Còn theo Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh, đối với các lĩnh vực về dịch vụ cung ứng và tiêu thụ trong khu vực phi thuế quan và doanh nghiệp chế xuất bỏ áp dụng thuế suất 0%, cần phải đánh giá kỹ những mặt được, mặt không được đối với môi trường đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Áp thuế VAT với dịch vụ xuất khẩu – Cần đảm bảo hài hòa
04:00, 12/04/2024
Công bằng với dịch vụ xuất khẩu
13:15, 07/03/2024
Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Cần duy trì thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu
03:30, 02/03/2024
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ban hành Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam
18:00, 13/01/2021